Ùn tắc giao thông ở Việt Nam đang là vấn đề nhức nhối, đặc biệt tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn thực sự làm cản trở sự phát triển của nhiều ngành.
Trước phiên chất vấn Bộ trưởng sẽ bắt đầu vào ngày mai (4/6), nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm tình trạng quá tải giao thông tại các đô thị hiện nay, đồng thời mong muốn vấn đề giao thông và quy hoạch xây dựng sẽ được 2 tư lệnh ngành GTVT và Xây dựng cùng thống nhất, giải trình, làm rõ.
Theo ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với thực tiễn của việc quy hoạch đô thị, đó là tình trạng kẹt xe, ách tắc giao thông, tai nạn giao thông, úng ngập,… đặc biệt tại TP. HCM và Hà Nội là hai thành phố phải đối diện nhiều hơn so với các địa phương khác.
Có thể bạn quan tâm
17:57, 30/05/2019
10:40, 01/06/2019
19:03, 06/05/2019
14:41, 16/08/2017
“Chính vì vậy tôi cho rằng trong các phiên chất vấn tới chúng ta cần có biện pháp chấn chỉnh các tình trạng này. Chúng ta cũng đã có chủ trương quy hoạch thành phố, phát triển đô thị lâu dài cho 20 -30 năm sau, nhưng tôi cho rằng cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết hài hòa hài hòa giữa lợi ích của ngành mình - và người dân trong sự phát triển chung” - ĐB Hiền nói.
Bên cạnh đó, theo ĐB đoàn Nghệ An, đối với các doanh nghiệp, cũng cần đảm bảo trách nhiệm của chính doanh nghiệp mình trước pháp luật, khách hàng và cộng đồng xã hội. Đặc biệt, cần phải có sự giám sát của Quốc hội, cơ quan dân cử, cơ quan chức năng, để chấn chỉnh được tình trạng phá vỡ quy hoạch như thời gian vừa qua.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) chia sẻ, việc lựa chọn Bộ trưởng GTVT và Bộ trưởng Xây dựng trả lời chất vấn tại kỳ họp này là rất phù hợp, cần thiết. Bởi, hiện nay giao thông ở Việt Nam đang là vấn đề nhức nhối, đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn thực sự làm cản trở sự phát triển của nhiều ngành. Bên cạnh đó, việc xây dựng, quy hoạch các dự án không theo quy chuẩn đồng bộ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cảnh quan của Thủ đô và các thành phố lớn.
“Tôi rất mong giữa Bộ GTVT và Bộ Xây dựng phải có sự thống nhất trong vấn đề quản lý nhà nước. Nếu xây dựng, tạo nên một bộ mặt đẹp của Thủ đô cũng như của các thành phố, với hệ thống thiết kế quy chuẩn xây dựng đồng bộ, đáp ứng các tiêu chí về số dân ở, cây xanh, môi trường đảm bảo tốt, đáp ứng về vấn đề chỉ số giao thông”- đại biểu Nguyễn Minh Đức cho biết.
Đại biểu Đức kỳ vọng, tại phiên chất vấn này, vấn đề giao thông và quy hoạch xây dựng sẽ được 2 tư lệnh ngành giải trình, làm rõ, từ đó cùng thống nhất tham mưu cho Chính phủ và nhà nước để có quy hoạch trong tương lai để hạn chế mức thấp nhất ùn tắc giao thông.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, 4 vấn đề Quốc hội đã lựa chọn để chất vấn các Bộ trưởng là những vấn đề rất “trúng”, được cử tri rất quan tâm và mong muốn cơ quan Nhà nước giải trình, làm rõ.
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề giao thông, nữ đại biểu cho rằng, một số vấn đề nổi lên như BOT, sử dụng điện tử trong việc thu phí, những công trình đội vốn.... thậm chí ngay ở Thủ đô, giao thông cũng là vấn đề rất “nóng”. Hơn nữa, về văn hóa, gần đây du lịch tâm linh đã nở rộ và có những hoạt động vượt ra khỏi khả năng quản lý của cơ quan Nhà nước. Do đó, đề nghị Bộ Văn hóa cần phải giải trình cũng như nêu rõ trách nhiệm về những hoạt động này.
Quốc hội ngày càng đổi mới phương thức hoạt động, điều đó cũng đòi hỏi các cơ quan liên quan như Chính phủ và các thành viên của Chính phủ cũng phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu cũng như kỳ vọng của người dân. Tuy nhiên, theo dõi một số kỳ họp trước, nữ đại biểu nhận thấy một số trưởng ngành nhiều lúc né tránh câu hỏi của đại biểu nên bà kỳ vọng tại kỳ họp lần này, trước yêu cầu của thực tiễn, các Bộ trưởng cần trả lời trực tiếp vào các câu hỏi của đại biểu.
“Hiện nay Quốc hội ngoài quyền chất vấn còn có quyền tranh luận lại, tôi cho rằng các vấn đề sẽ được giải quyết thấu đáo và đáp ứng yêu cầu và mong mỏi của người dân” – đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cho biết.
“Các Bộ trưởng nên nhìn thẳng vào những tồn tại của ngành mình và có những giải pháp dài hơi. Tuy nhiên, trong một thời gian nhất định cũng không thể đưa ra những giải pháp quá cụ thể, vì vậy chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách khách quan. Có những việc Bộ trưởng phải nhìn nhận trách nhiệm, không né tránh, đưa ra giải pháp, nhưng có những biện pháp dài hơi, chiến lược thì cũng cần có thời gian và có sự cân nhắc thấu đáo” - đại biểu đoàn Gia Lai thẳng thắn nói.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV sẽ diễn ra từ 4-6/6 và được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Tại kỳ họp lần này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ có thời gian 85 phút trong buổi sáng ngày 6/6 để làm rõ các vấn đề liên quan đến điều hành chung của Chính phủ và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, sau khi 4 Bộ trưởng các Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Văn hóa- Thể thao và Du lịch kết thúc phần trả lời chấn vấn.