ĐBQH nói gì khi Thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền" doanh nghiệp?
Điều quan trọng nhất bây giờ là đấu tranh trong nội bộ về những hiện tượng tiêu cực trong công tác thanh tra.
Đây là chia sẻ ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) với báo chí về việc đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị lập biên bản vì đòi tiền doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc. Theo ông Học, cơ chế giám sát lực lượng thanh tra đều đã có quy định, vấn đề là thực hiện như thế nào. Tất cả đều đã có cơ chế, trong đoàn khi tiến hành cuộc thanh tra phải có quy chế, quy định, trách nhiệm của thành viên trong đoàn để thực hiện quy định đúng theo quy định của thanh tra.
Có thể bạn quan tâm
"Như vậy, bản thân nội bộ đoàn không thực hiện. Đơn vị chủ quản, trách nhiệm của bộ chủ quản, thành lập đoàn phải có trách nhiệm việc lựa chọn người, giám sát hoạt động như thế nào. Quy định đã có, vấn đề là không thực hiện”, ông Học nói.
Vẫn theo ông Học, điều quan trọng nhất bây giờ là đấu tranh trong nội bộ về những hiện tượng tiêu cực trong công tác thanh tra. Bởi vì khi chọn người đi thanh tra, kiểm tra phải lựa chọn người có đủ phẩm chất, đạo đức, phải thật sự tin tưởng mới làm được điều đó. Tuy nhiên, bản thân cơ quan chủ quản khi thành lập đoàn đã làm tốt khâu này chưa là câu hỏi cần đặt ra, bởi đây là yêu cầu đặt ra trong quá trình thành lập đoàn.
Trước thông tin, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị lập biên bản, mới được bổ nhiệm là Phó trưởng phòng Chống tham nhũng, ông Học nêu quan điểm: “Việc này đặt ra đối với trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc xem xét, bổ nhiệm cán bộ. Khi lựa chọn người bổ nhiệm không đúng dẫn đến người đi làm thanh tra không đúng đã dẫn đến hậu quả như chúng ta đã thấy”, ông Học bày tỏ.
Trước đó, trả lời báo chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng đây là sai phạm của cá nhân, theo ông Học, tôi đồng ý sai phạm của cá nhân nhưng đây là cá nhân đi làm công vụ và công vụ này là do Bộ Xây dựng cử đi làm, giao nhiệm vụ. Như vậy, từ sai phạm của cá nhân làm ảnh hưởng rất lớn đến trách nhiệm của một ngành mà ở đây là ngành thanh tra. Trách nhiệm của người đứng đầu phải xử lý như thế nào để công tác thanh tra, kiểm tra hiệu quả hơn, tránh tiêu cực.
Lâu nay, dư luận vẫn đặt vấn đề có tiêu cực hay không trong thanh tra, kiểm tra và trên thực tế, ông Học thẳng thắn cho rằng, việc này có chứ không phải là không. Nhưng những vụ việc vừa rồi bị lộ, lọt ra cho thấy cần phải siết chặt lại hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Thực tế, tại những phiên thảo luận tại nghị trường cũng đã có nhiều ĐBQH đặt vấn đề có hay không tình trạng tham nhũng ngay chính trong những cơ quan phòng chống tham nhũng, phải chăng qua sự việc này đã trả lời rõ hơn băn khoăn này?
Thanh tra chuyên ngành không phải là cơ quan chống tham nhũng, nhưng hoạt động thanh tra, kiểm tra có vai trò hết sức quan trọng trong phát hiện sai phạm, ở đây là lĩnh vực xây dựng. Như vậy, thanh tra chuyên ngành cũng góp phần phát hiện ra sai phạm trong lĩnh vực xây dựng, nhưng thông qua việc thanh tra vi phạm thì dư luận rất khó chấp nhận.
Vậy, có cơ chế nào để giám sát các cơ quan thanh tra tốt hơn? Theo ông Học, cơ chế giám sát tốt nhất là tự kiểm tra giám sát, sâu xa hơn nữa là công tác cán bộ. Có nghĩa làm sao lựa chọn cho đúng người có phẩm chất, năng lực thật sự để bổ nhiệm vào vị trí thanh tra. Việc này theo đánh giá của ông Học hiện nay nhiều cơ quan, bộ ngành chưa chú trọng đến đội ngũ làm công tác thanh tra. Chính vì chưa chú trọng nên chưa chọn đúng con người.