Lương tối thiểu vùng 2020 (Kỳ V): Có thể “chốt” phương án điều chỉnh trong phiên thứ hai?

Thy Hằng 11/07/2019 11:59

Trong khi đại diện người sử dụng lao động với những áp lực cạnh tranh vẫn giữ quan điểm điều chỉnh lương tối thiểu trong mức CPI thì đại diện người sử dụng lao động đề xuất mức tăng tới 8%.

Chiều nay (11/7), Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 để thảo luận phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020. Chênh lệch quá lớn giữa các bên khiến phương án chốt lương tối thiểu vùng 2020 vẫn còn "bỏ ngỏ".

Mức tăng lương tối thiểu so với CPI, GDP. Nguồn: GSO.GOV.VN

Mức tăng lương tối thiểu so với CPI, GDP. Nguồn: GSO.GOV.VN

"Khoác" quá nhiều vai

Trao đổi với DĐDN, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, nhiều doanh nghiệp đã trả mức lương tối thiểu 2019 tăng thêm tới trên 6%, cao hơn mức tăng 5,3% đã được chốt trong phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia 2018. Trong khi đó, lương tối thiểu vùng đang bị “khoác” quá nhiều chức năng, làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

“Ở nhiều nước, tăng lương tối thiểu chỉ đơn thuần là tăng mức lương, không liên quan đến căn cứ chi trả bảo hiểm và các khoản khác”, ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dẫn ví dụ. Trong khi đó, tại Việt Nam, lương tối thiểu là căn cứ tính mức lương bậc 1 của hệ thống thang bảng lương, thêm đó có quy định cứng khoảng cách các bậc là 5%. Như vậy, khi tăng lương tối thiểu thì tất cả các bậc đều tăng.

Cùng với đó, lương tối thiểu cũng là căn cứ tính bảo hiểm, lương tối thiểu tăng thì phí đóng cũng tăng. “Chính vì bị khoác cho quá nhiều vai như vậy mà mỗi lần tăng lương tối thiểu doanh nghiệp đều “kêu”, trong khi đa phần doanh nghiệp, kể cả dệt may cũng đã trả cho người lao động mức lương 8-10 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều lần so với lương tối thiểu”, ông Cẩm phân tích.

Do đó, đại diện giới sử dụng lao động cho rằng, nếu tăng lương sẽ chỉ tác động đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. 

Đề cập tới mức đề xuất tăng lương tối thiểu trước vòng đàm phán lần 2, ông Hoàng Quang Phòng cho biết: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và diễn biến của phiên đàm phán để có những điều chỉnh hợp lý. Phương án điều chỉnh có thể vẫn bảo lưu như mức của Phiên đàm phán lần 1”.

Có thể bạn quan tâm

  • Lương tối thiểu vùng 2020 (Kỳ IV): Chênh lệch lớn trong đề xuất của các bên

    Lương tối thiểu vùng 2020 (Kỳ IV): Chênh lệch lớn trong đề xuất của các bên

    12:09, 14/06/2019

  • Lương tối thiểu vùng 2020 (Kỳ III): Cần loại bỏ hàng xa xỉ phẩm ra khỏi

    Lương tối thiểu vùng 2020 (Kỳ III): Cần loại bỏ hàng xa xỉ phẩm ra khỏi "giỏ hàng hoá"

    07:10, 03/06/2019

  • Lương tối thiểu vùng 2020 (kỳ II): Doanh nghiệp kiến nghị giãn lộ trình tới sau năm 2020

    Lương tối thiểu vùng 2020 (kỳ II): Doanh nghiệp kiến nghị giãn lộ trình tới sau năm 2020

    10:35, 31/05/2019

  • Lương tối thiểu vùng 2020 (kỳ I): Lương tối thiểu đang

    Lương tối thiểu vùng 2020 (kỳ I): Lương tối thiểu đang "khoác" quá nhiều vai

    17:14, 30/05/2019

Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, quan điểm của Chính phủ là tiến tới cải thiện đời sống của người lao động và đảm bảo năng lực doanh nghiệp không bị bào mòn. Chính phủ cũng tôn trọng các đề xuất và đàm phán giữa đại diện người lao động và doanh nghiệp. 

"Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đang tính toán, tăng lương tối thiểu khoảng 5% so với năm 2019, sẽ đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động vào năm 2020. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể thêm bao nhiêu còn phụ thuộc vào đám phán giữa các bên. Một số hiệp hội như Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang "xuôi" theo đề xuất tăng từ 5-6%, trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may lại kiến nghị không tăng lương", ông Diệp cho biết. 

Theo Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, trong phiên họp đầu tiên, các bên chưa thảo luận sâu về mức tăng, kỳ vọng trong phiên họp thứ 2 sẽ tìm được tiếng nói chung giữa người lao động và doanh nghiệp trong mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020.

Khoảng cách lớn giữa các bên

Như vậy, trong khi phía đại diện người sử dụng lao động với những áp lực cạnh tranh của hội nhập vẫn giữ quan điểm không tăng hoặc chỉ điều chỉnh trong mức CPI, thì phía Tổng Liên đoàn Việt Nam cho biết, đã chuẩn bị 3 kịch bản, với mức đề xuất tăng từ 6 – 8%. Cụ thể, phương án 1 tăng 8,18% tương ứng từ 180.000-380.000 đồng; Phương án 2 tăng 7,06% tương ứng từ 160.000-330.000 đồng; Phương án 3 tăng 6,52% tương ứng từ 120.000-320.000 đồng.

Lý giải về mức đề xuất trên, ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng, đây là mức tăng đã được cơ quan này tính toán kỹ, dựa trên số liệu thực tế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay như: GDP tăng khoảng 7%; CPI khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%. Đây là những tín hiệu có ảnh hưởng tích cực đến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2020.

Trước đó, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia trong tháng 6, các mức đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra "vênh" nhau khá lớn.

Qua các năm đàm phán về tiền lương tối thiểu, cũng chưa có tiền lệ các bên sẽ chốt được phương án trong một, hai lần đàm phán mà thường phải trải qua những đàm phán căng thẳng của 3 phiên.

Thy Hằng