Tăng năng suất lao động, tăng tốc tới tương lai
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành địa phương và toàn xã hội chung tay vào công cuộc nâng cao năng suất lao động quốc gia, tăng tốc phát triển kinh tế.
Đặc biệt có định hướng chính sách khuyến khích phát triển vai trò tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó chú trọng nền tảng con người và ứng dụng khoa học công nghệ.
"Muốn nông nghiệp phát triển, năng suất cao, chúng ta cần 100 nhà làm nông nghiệp như bà Thái Hương (cố vấn chiến lược của Tập đoàn TH True Milk, nguyên Chủ tịch TH Group - PV) 100 bà làm sữa như bà Kiều Liên (Tổng Giám đốc Vinamilk - PV)", Thủ tướng nói.
Lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao
Theo lý thuyết năng lực cạnh tranh quốc gia của Michael Porter thì khả năng cạnh tranh của quốc gia/vùng lãnh thổ sẽ quyết định đến sự thịnh vượng của vùng/lãnh thổ đó. Mặt khác, khả năng cạnh tranh này lại phụ thuộc vào năng lực sáng tạo để nâng cao năng suất. Trong đó, năng suất lao động (NSLĐ) đóng vai trò trung tâm, mặt khác đây là nhân tố quyết định sự phát triển của mọi quốc gia.
Tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết, nếu lấy GDP chia cho lao động thì năng suất của chúng ta vẫn thấp, chỉ hơn ba nước Lào, Campuchia, Myanmar.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận tổng thể, tiềm lực của mỗi người dân Việt Nam còn nhiều. “Chúng ta có năng suất thấp nhưng tốc độ tăng năng suất của chúng ta rất cao, ví dụ NSLĐ năm 2018 toàn nền kinh tế ước đạt 102,2 triệu đồng/lao động, tăng 6% so với năm 2017. Tăng NSLĐ giai đoạn 2016-2018 tăng 5,77%/năm, cao hơn mức tăng bình quân 4,3% giai đoạn 2011-2015”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tốc độ tăng NSLĐ giai đoạn 2011-2018 tăng 5%, tất cả các mức tăng trưởng này năm sau đều cao hơn năm trước và cao hơn nhiều nước trên thế giới. Nếu có thể tăng NSLĐ lên gấp đôi thì sẽ thay đổi sự phát triển của nền kinh tế.
“Không chỉ nói thấp hơn mà phải thấy tốc độ tăng NSLĐ là cao, cao hơn các nước. tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) tăng cao, trong 5 năm qua luôn đạt mức 5,5%, mức khá cao kể từ sau khủng hoảng Đông Á. Động lực chính của TFP là đi cùng giảm lao động trong nông nghiệp và 1 số ngành kém hiệu quả, đồng thời tăng cường đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho biết các yếu tố này sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng TFP thời gian tới.
Theo Người đứng đầu Chính phủ, cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam mặc dù đã được chuyển đổi lớn nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao ở mức 37%, trong khi các nước như Nhật Bản, Anh lao động nông nghiệp chỉ 2-3%.
Cùng với đó, nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ vẫn là điểm yếu. “Động cơ sáng tạo, đổi mới còn thiếu và yếu, còn nhiều điểm nghẽn khác nữa. Do đó, cần thúc đầy đổi mới sáng tạo, gỡ nút thắt”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp là đối tượng trung tâm của tăng năng suất lao động quốc gia
09:30, 07/08/2019
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: "Tăng năng suất lao động nên bắt đầu từ nội tại các ngành, các doanh nghiệp"
08:00, 07/08/2019
Tăng năng suất lao động: “Chìa khoá” cho tăng trưởng và tránh nguy cơ tụt hậu
05:09, 07/08/2019
Thủ tướng Chính phủ: Phát triển đất nước phải dựa vào năng suất lao động
10:16, 05/05/2019
“Kim chỉ nam” cho quá trình tăng năng suất
05:15, 01/05/2019
Định hướng từ nâng cấp năng lực cạnh tranh
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đưa ra 6 đề xuất, thứ nhất, cải cách thể chế kinh tế thị trường, nâng cấp năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cấp chất lượng môi trường kinh doanh.
Thứ hai, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động, từ khu vực có giá trị thấp dịch chuyển sang khu vực có năng suất và giá trị gia tăng cao. Như chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ.
Thứ ba, ưu tiên nguồn lực như vốn cho lĩnh vực có năng suất cao hơn. Cải cách mạnh mẽ và nhanh hơn nữa khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Thứ tư, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân, là khu vực có năng suất tốt cần tập trung hơn.
Thứ năm, thu hút FDI có chọn lọc, liên kết với doanh nghiệp trong nước với những ngành có hàm lượng công nghệ cao.
Thứ sáu, tiếp tục hôị nhập quốc tế, cải cách hội nhập bên ngoài để nâng cao năng suất bên trong. Đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển.
Cùng với đó, là sáu nhiệm vụ để tăng năng suất.
Thứ nhất, thúc đẩy phát triển nguồn lực, phân bổ hiệu quả.
Thứ hai, tập trung cải thiện NSLĐ ở cả phía cung và cầu, lao động phải đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động.
Thứ ba, thiết lập cơ chế khuyến khích đủ mạnh thu hút người tài năng, chuyên gia giỏi đến Việt Nam, kể cả các du học sinh Việt Nam đang ở nước ngoài trở về Việt Nam. “Chúng ta có câu “một người lo bằng một kho người làm” năng suất ở đó chứ đâu, người tài sẽ làm được nhiều, sáng tạo nhiều hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ tư, tại cơ quan nhà nước cũng cần xây dựng cơ chế mở để thu hút người giỏi vào bộ máy nhà nước.
Thứ năm, NSLĐ có tương quan với trình độ giáo dục, do đó mở rộng phổ cập giáo dục và định hướng đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo các kỹ năng mới cho lao động.
Thứ sáu, đầu tư cho công nghệ. Theo Người đứng đầu Chính phủ, đầu tư công nghệ cần được tương thích với đào tạo kỹ năng cho lao động. Hai chính sách phải song hành mới phát triển được.
Theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động). Nếu năm 2011, NSLĐ của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp NSLĐ của Việt Nam 17,6 lần, 6,3 lần, 2,9 lần và 2,4 lần, thì đến năm 2018 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,7 lần, 5,3 lần, 2,7 lần và 2,2 lần. Ngành khai khoáng có NSLĐ cao nhất. Nông, lâm nghiệp và thủy sản là ngành có NSLĐ thấp nhất trong các ngành kinh tế. Trong những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam có tốc độ tăng NSLĐ bình quân cao nhất với 5,2%/năm giai đoạn 2011-2018. Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại có mức NSLĐ rất thấp, thấp nhất trong các khu vực kinh tế, đến năm 2018 theo giá hiện hành đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 38,9% NSLĐ của toàn nền kinh tế. NSLĐ trong khu vực doanh nghiệp gấp trên 3 lần mức NSLĐ chung của cả nước. So với các loại hình doanh nghiệp khác, NSLĐ của doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt thấp nhất. |