Người dân khốn đốn vì cơ sở tái chế nhựa không phép
Một cơ sở tái chế nhựa hoạt động chui, đốt nhựa bất chấp ngày đêm gần 2 năm nay nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm.
Theo phản ánh của người dân thuộc địa bàn thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) về việc trên địa bàn thôn có một cơ sở tái chế nhựa (sản xuất hạt nhựa) hoạt động bất chấp ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường, mùi khói nhựa đốt thải ra bay vào khu vực dân cư khiến nhiều người dân đổ bệnh.
Lâm bệnh vì mùi khói độc
Nhận được phản ánh của người dân, ngày 20/8, chúng tôi có mặt tại hiện trường cơ sở tái chế nhựa để ghi nhận thực tế. Thấy có phóng viên xuất hiện, rất nhiều người dân sống quanh khu vực này đã tập trung, kéo đến ngay cơ sở mà họ đã bức xúc bấy lâu. Ghi nhận tại hiện trường, phóng viên bắt gặp hai công nhân đang thu gom và xử lý rác, xung quanh cơ sở sản xuất là hàng tấn rác thải nhựa sử dụng một lần đã được cắt xén nhỏ, một số được đổ ngay trên bãi đất trống, số còn lại được đựng trong các bao tải lớn.
Tiến sâu vào trong xưởng, hiện trường nham nhở, bốc mùi và bẩn thỉu của cơ sở này khiến ai cũng muốn nôn, ói. Tiếp tục quan sát quanh khu vực sản xuất, chúng tôi không khỏi bất ngờ với những vũng ao khá lớn chứa nước thải chưa qua xử lý nằm lộ thiên ngay trên bãi đất trống, phía trên ao được chủ cơ sở phủ một lớp nhựa nilông nhằm đánh lạc hướng người dân. Lùi về phía sau xưởng sản xuất là cảnh nước thải đen ngòm được chủ cơ sở cho chảy thẳng mà không được xử lý hay thu gom.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Hàng trăm hộ dân phản đối cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm
04:50, 14/08/2019
Startup đặc biệt của 2 chàng trai Việt: Tái chế bã cà phê và nhựa thành giày
05:18, 05/08/2019
5 lý do nên tham gia thử thách lái xe tại Chevrolet Experience Day
18:11, 21/07/2019
Tham gia liên minh tái chế, URC Việt Nam thúc đẩy phát triển bền vững
17:00, 15/07/2019
Có mặt tại hiện trường cùng phóng viên, bà Đinh Thị Son, (58 tuổi) sống cách đó không xa cho biết: Con dâu tôi mới sinh con được 4 tháng, trước đây ở nhà mẹ đẻ nhưng tôi xin về nhà mình để tiện chăm cháu nhưng mới về được hai ngày thì mất sữa nên tôi phải năn nỉ bà xui cho con dâu về ở nhà bà mấy tháng chứ phụ nữ mới sinh không chịu nỗi mùi khói này. “Không những con dâu mà con trai tôi cũng bị viêm xoang, uống thuốc liên tục, ngày đi làm công ty thì đỡ chứ tối về ngửi mùi khói là phải uống thuốc. Tôi cũng bị khó thở mà cũng phải bịt khẩu trang cả ngày như thế này thì làm sao mà sống nỗi. Mỗi lần nó xả khói thì mịt mù, hôi thối, cả thôn nhiều người bệnh lắm” - bà Son bức xúc nói.
Hoạt động chui
Mang những bức xúc của người dân đến chính quyền xã Suối Cát để tìm câu trả lời thì được bà Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch xã cho biết: Bức xúc của người dân là chính đáng, là có thật. Chúng tôi đã kiểm tra, xử lý và đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với cơ sở này nhưng họ vẫn lén lút hoạt động. Đôi lúc 1-2 giờ đêm, nhận được phản ánh của người dân là chúng tôi cũng có mặt ngay tại hiện trường để xử lý. Tuy nhiên, những lần kiểm tra như vậy thì thẩm quyền địa phương xã cũng chỉ nhắc nhở và báo cáo cấp huyện chứ chúng tôi không thể đo được, thẩm định được mức độ ô nhiễm như thế nào.
Ông Lê Văn Thuận, tổ trưởng tổ an ninh thôn Khánh Thành Bắc cho biết: Chúng tôi nhiều lần phản ánh với chính quyền xã, huyện nhưng cứ lúc nào phản ánh là cơ sở tái chế nhựa này hoạt động càng mạnh, bất chấp luật pháp.
Theo bà Yến, “Sau khi xã báo cáo lên huyện thì huyện cũng đã cử đoàn cảnh sát môi trường đến kiểm tra, nhưng lúc đó thì cơ sở này đã được cấp phép, đoàn chỉ tham mưu cho UBND huyện ban hành quyết định xử phạt hành chính về lỗi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường vào ngày 8/8/2019 với mức phạt tiền là 2,5 triệu”. Bên cạnh đó, xã cũng đã có văn bản gửi đơn vị điện lực hỗ trợ cắt điện nhưng bên điện lực khác huyện nên họ vẫn bán điện cho cơ sở này và xã cũng không làm gì được. Địa phương cũng kiến nghị các ngành chức năng cao hơn hỗ trợ, hướng dẫn, chỉ đạo cho xã để xử lý dứt điểm cơ sở này.
Tuy nhiên, khi bà Yến cung cấp hồ sơ cho phóng viên thì chúng tôi phát hiện giấy phép hoạt động mà bà Yến nói chỉ là “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể” được đăng ký lần đầu vào ngày 05/6/2019 do ông Phạm Văn Duy (SN 1987) làm chủ cơ sở. Sau khi phóng viên giải thích đó không phải là giấy phép hoạt động mà chỉ là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì bà Yến mới xác nhận là cơ sở này chưa có giấy phép hoạt động.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hảo, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết: Huyện cũng đã nhận được phản ánh tình hình trên, ông Hảo cho biết sẽ kiểm trả lại và phản hồi cho báo sau.