Hoạt động tập kết, thu gom phế liệu nhựa, nilon để tạo hạt nhựa trái phép trên khu đất của Công ty XNK Đà Nẵng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tra tấn người dân quanh khu vực.
Báo DĐDN vừa nhận được kiến nghị của 80 hộ dân tổ dân phố Phấn Dũng 1,2, phường Anh Dũng, quận Dương Kinh (TP Hải Phòng) kiến nghị tại khuôn viên khu đất của Công ty CP kinh doanh và chế biến hàng XNK Đà Nẵng đang diễn ra hoạt động tập kết thu gom phế liệu nhựa, nilon, để tạo hạt trái phép gây ô nhiễm nghiêm trọng, tra tấn người dân quanh khu vực.
Thuê đất chứa hàng nhưng thực chất là sản xuất hạt nhựa
Được biết, đây cũng chính là cơ sở tái chế phế liệu, làm hạt nhựa đã hoạt động tại phường Cát Bi (quận Hải An) khoảng một năm về trước. Sau khi buộc phải di dời khỏi địa bàn bởi sự phản đối gay gắt của các hộ dân Cát Bi, cơ sở này đã chuyển về quận Dương Kinh, thuê mặt bằng của Công ty XNK Đà Nẵng để hoạt động.
Theo ông Đàm Văn Viến - Phó chủ tịch UBND phường Anh Dũng, cơ sở sản xuất nói trên là của bà Phạm Thị Mây và bà Đỗ Thị Hải làm chủ. Hai bà này đã thuê lại mặt bằng của Công ty CP kinh doanh và chế biến hàng XNK Đà Nẵng để làm kho chứa hàng. Tuy nhiên, bà Mây và bà Hải đã lắp đặt máy móc để sản xuất hạt nhựa phế liệu không đúng với hợp đồng thuê và không đúng với mục đích sử dụng đất.
"Ngoài ra, Công ty CP kinh doanh và chế biến hàng XNK Đà Nẵng được UBND TP Hải Phòng cho thuê đất với mục đích để xây dựng khu thương mại dịch vụ vật tư xuất khẩu đến ngày 1/7/2019. Đến nay, hợp đồng đã hết hạn" – ông Viến cho biết thêm.
Theo quan sát của PV, cơ sở này nằm phía sau khu dân cư chỉ cách các hộ dân vài chục mét. Bên trong cơ sở được tập kết nhiều nguyên vật liệu bẩn như bao bì, túi nilon, nhựa chất đống. Nước thải của quá trình sản xuất được thải trực tiếp xuống mương thủy lợi chảy ra kênh Hòa Bình đổ về sông Đa Độ - nơi cung cấp nước ngọt cho nhiều nhà máy nước sạch trên toàn TP Hải Phòng.
Để tạo ra thành phẩm là những hạt nhựa cung cấp cho thị trường làm nguyên liệu sản xuất đồ nhựa, các cơ sở này đã phải thực hiện nhiều bước từ khâu thu gom, nhập nguyên liệu phế thải tới rửa, chặt nhỏ và đốt ở nhiệt độ cao.
Theo người dân địa phương, mỗi khi các cơ sở này đốt phế thải, mùi khét, khói bụi, tiếng ồn đã làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân sống quanh khu vực.
Người dân bức xúc
Người dân cho biết, từ khi cơ sở tái chế nhựa phế liệu về đây hoạt động, nơi đây bao trùm một không khí ngột ngạt, khét lẹt, mùi hôi thối bốc nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của nhiều hộ quanh khu vực.
Ông Đỗ Văn Kha – Người dân thuộc tổ dân phố số Phấn Dũng 2 bức xúc cho hay, từ ngày tới đây hoạt động, cơ sở này luôn đóng cửa kín mít, không ai nhìn thấy, cũng không ai được vào. Mấy tháng nay cứ đêm đến lại vận chuyển rác về liên tục đốt, xả khói, gây mùi hắc khét và tiếng ồn rất khó chịu, nước mương quanh khu vực sản xuất nhuộm màu đen đặc.
Cùng nỗi bức xúc với ông Kha, bà Phạm Thị Vinh chia sẻ, từ ngày có cơ sở này về đây cuộc sống người dân chúng tôi như bị bóp nghẹt. Những ngày hè oi bức chúng tôi như đang bị bức tử. Nhà có trẻ con phải đóng cửa che bạt ngăn khói bụi im ỉm cả ngày, các cháu cứ ốm liên miên.
Bà Phạm Thị Lanh cho biết thêm, cơ sở này hoạt động suốt ngày nhất là vào khoảng 3h chiều đến 1-2h đêm. Mỗi khi cơ sở này đốt rác, người dân trong khu vực đều thấy cảm giác khô mặt, trong người rất ngột ngạt, tức ngực buồn nôn, mùi khét cộng với mùi hôi thối của phế liệu sốc lên đầu, cả xóm không ngủ được.
Có thể bạn quan tâm
06:51, 13/08/2019
14:32, 12/08/2019
11:00, 11/08/2019
Ông Đàm Văn Viến - Phó chủ tịch UBND phường Anh Dũng cho biết, hiện UBND phường đã nhận được đơn phản ánh của người dân và đang tiến hành xác minh. Bước đầu cho thấy, việc kiến nghị của người dân về cơ sở tái chế nhựa này gây ô nhiễm môi trường là có cơ sở.
"Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND Phường Anh Dũng và quận Dương Kinh đã kiểm tra, xác minh, mời chủ cơ sở đến làm việc. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, bà Mây và bà Hải không xuất trình được bất cứ một thứ giấy tờ nào liên quan. UBND phường Anh Dũng đã lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính. Đồng thời yêu cầu cơ sở này ngừng ngay các hoạt động tập kết, sản xuất tái chế hạt nhựa đồng thời di chuyển toàn bộ rác số rác thải nilon, tự tháo dỡ máy móc ra khỏi địa bàn quận Dương Kinh trong tháng 7/2019" – ông Viến cho biết.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân trong khu vực, cơ sở này vẫn lén lút hoạt động, ngoan cố chưa chịu di dời ra khỏi khu dân cư.