Lai Châu tiếp tục được đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhất lần thứ 2
Lai Châu hôm nay đã vượt qua giai đoạn khó khăn, phấn đấu trở thành tỉnh trung bình của khu vực miền núi phía Bắc.
Tối 5/10, tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Lai Châu, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 15 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu.
Mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc
Dự và phát biểu tại buổi Lễ, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định, Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới Tây Bắc của tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Lễ kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Lai Châu, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 15 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu là dịp để nhân dân tỉnh nhà tự hào ôn lại truyền thống anh hùng của mảnh đất biên cương hùng vĩ.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Lai Châu hôm nay đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đang phấn đấu trở thành tỉnh trung bình của khu vực miền núi phía bắc. Kinh tế phát triển nhanh và khá toàn diện, nhất là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách trên địa bàn tăng nhanh. Từ một tỉnh cơ bản ngân sách Trung ương hỗ trợ đến nay đã tự cân đối được gần 30%. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hệ thống giao thông xã hội nông thôn và đô thị được quan tâm đầu tư, có bước phát triển vượt bậc, trong đó công trình thủy điện Lai Châu là một trong những điểm nhấn của tỉnh.
“Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song Lai Châu vẫn là một tỉnh khó khăn, quy mô kinh tế còn nhỏ, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa đồng bộ, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều phức tạp… Những khó khăn hạn chế này cần sớm khắc phục trong thời gian tới. Trên cơ sở phát huy những tiềm năng lợi thế, truyền thống tốt đẹp của vùng đất, con người Lai Châu, tạo sức mạnh nội sinh to lớn để tỉnh phát triển”, ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Tỉnh Lai Châu được thành lập từ ngày 28/8/1909. Để phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 22 về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, theo đó, tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004. Trải qua bao biến cố và thăng trầm của lịch sử, Lai Châu đã vươn lên như một kỳ tích.
Theo bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lai Châu, đây là sự kiện quan trọng, mở ra một chương mới trong lịch sử của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.
Bà Giàng Páo Mỷ cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng cao hơn nữa với trách nhiệm, niềm tin để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
“Tỉnh Lai Châu đang bước vào chặng đường mới với nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng không ít những khó khăn thách thức, song với quyết tâm đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc”, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu chia sẻ.
Bên cạnh phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh Lai Châu luôn củng cố và giữ vững về an ninh quốc phòng. Theo đó, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, an ninh trật tự trên tuyến biên giới Việt - Trung cơ bản ổn định tạo môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lai Châu: Mái nhà chung để cộng đồng doanh nghiệp phát triển
13:30, 08/09/2019
Lai Châu: Hướng tới nền hành chính phục vụ
02:00, 08/09/2019
Sức hút nơi miền biên viễn
09:39, 25/09/2019
Nối tiếp kỳ tích
Lai Châu - mảnh đất được ví von như cô gái đẹp ngủ quên chưa được đánh thức nơi miền biên viễn, nơi mà hội tụ đa dạng trong bản sắc văn hoá của 20 dân tộc anh em, với những lễ hội truyền thống độc đáo, sự ưu đãi của thiên nhiên với những phong cảnh đẹp, những bản làng còn nguyên sơ đầy sức hút.
Từ một tỉnh xuất phát điểm thấp, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kết cấu hạ tầng yếu kém, tổ chức bộ máy và cán bộ các cấp vừa thiếu, vừa yếu, đời sống đại bộ phận nhân dân còn rất nhiều khó khăn. Hiện, kinh tế tỉnh Lai Châu có sự tăng trưởng khá, quy mô kinh tế tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2004-2018 đạt 11,75%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực theo hướng tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Nếu như năm 2010, Lai Châu đã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn thì đến năm 2015, Lai Châu thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển. Theo đó, GRDP bình quân đầu người đến nay đạt khoảng 34 triệu đồng, tăng gấp 13 lần so với năm 2004; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, năm 2018 đạt 2.247 tỷ đồng, gấp 62,4 lần so với năm 2004.
Về nông nghiệp, hiện nay, tỉnh Lai Châu hiện đã xây dựng và hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung về sản phẩm chủ lực như: Chè 6.200 ha, cao su 13.000 ha, quế 5.500 ha, mắc ca 1.700 ha.
Về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư và cải thiện rõ rệt, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, giáo dục... Được biết, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có điện lưới quốc gia; trên 93,9% số hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia.
Theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, tỉnh đã hoàn thành đưa vào vận hành các công trình thủy điện trọng điểm như: Thuỷ điện Lai Châu, Huổi Quảng và Bản Chát. Việc hoàn thành di chuyển dân tái định cư các dự án thuỷ điện lớn đạt trên 9.000 hộ dân, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành phát điện sớm trước 3 năm nhà máy thuỷ điện Sơn La, 2 năm nhà máy thuỷ điện Lai Châu, làm lợi hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Tại Lễ kỷ niệm tối 5/10, tỉnh Lai Châu tiếp tục được đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhất lần thứ 2, đây là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn cổ vũ to lớn để Lai Châu vững bước đi lên, giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển.