Được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, khoáng sản, nguồn nhân lực… tỉnh Lai Châu đã và đang có nhiều chính sách thu hút, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đến đầu tư.
Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lai Châu phát triển”, Lai Châu chính là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư.Nằm ở vị trí chiến lược, nơi đầu nguồn sông Đà, Lai Châu có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia mà trực tiếp là các công trình thuỷ điện lớn trên sông Đà và vùng châu thổ sông Hồng. Đến nay, Lai Châu đã hoàn thành đi vào hoạt động những dự án thủy điện quốc gia như: Thuỷ điện Lai Châu (với công suất 1.200 MW), thủy điện Huội Quảng (520 MW) và thủy điện Bản Chát (220 MW). Ngoài ra, toàn tỉnh có 69 dự án thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất 3.066,1 MW.
Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh : Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang ưu tiên kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào hai lĩnh vực chính là: Nông nghiệp và Dịch vụ Du lịch. Nhằm giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm hoạt động tại Lai Châu, ngay từ khi chia tách và thành lập, tỉnh đã có chủ trương ban hành và áp dụng hệ thống chính sách, cơ chế thông thoáng để kêu gọi và sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, lựa chọn các hình thức đầu tư phù hợp đến hợp tác và thực hiện dự án. Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư vào Lai Châu còn được hưởng những chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, bảo lãnh tín dụng,… Điều quan trọng nhất, cũng là thế mạnh của địa phương là tiềm lực con người, với nguồn lao động phổ thông dồi dào đáp ứng nhu cầu cho các công ty, nhà máy trên địa bàn. Thời gian tới, tranh thủ tối đa sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương, cùng với những cơ chế thông thoáng với cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Lai Châu kỳ vọng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới. Các cấp chính quyền, ban, ngành tại Lai Châu sẽ luôn sát cánh, hỗ trợ các doanh nghiệp. Tỉnh sẽ chủ động kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, từ đó xây dựng Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”. |
Phát huy lợi thế tự nhiên
Hệ thống sông suối dày đặc cũng chính là lợi thế phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp - thủy sản bền vững. Bên cạnh đó, với độ cao trung bình trên 1000m so với mực nước biển, nhiều vùng trong tỉnh có khí hậu ôn đới (Cao nguyên Sìn Hồ; các xã vùng cao huyện Mường Tè, Phong Thổ…), rất thích hợp cho việc trồng và phát triển các loại hoa, rau màu, cây ăn quả, cây dược liệu, nuôi cá nước lạnh...
Hiện nay, tỉnh Lai Châu đã hình thành một số cánh đồng sản xuất tập trung như: Mường Than, Bình Lư, Mường So... Bên cạnh đó, Lai Châu có vùng nguyên liệu chè gần 7.000 ha, sản phẩm chè đã vươn ra thị trường quốc tế; trên 13.000 ha cao su và đang tiếp tục phát triển vùng trồng quế, sơn tra… tạo hướng đi mới cho xóa đói, giảm nghèo, ổn định dân cư.
Về lĩnh vực du lịch, Lai Châu được nhiều du khách ví “như một cô gái đẹp ngủ quên chưa được đánh thức”. Điều này để nói đến việc Lai Châu có rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này: Sự đa dạng trong bản sắc văn hoá của 20 dân tộc anh em; những lễ hội truyền thống độc đáo; sự ưu đãi của thiên nhiên với những phong cảnh đẹp; những bản làng còn nguyên sơ đang dần trở nên thu hút du khách.
Trong 3 năm 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Lai Châu đạt 16,63%/năm (gấp hơn 2 lần cả nước).
Cùng với đó, Lai Châu có khoảng 120 điểm mỏ các loại với trữ lượng lớn, đặc biệt là các mỏ đất hiếm với trữ lượng khoảng 14 triệu tấn. Đây là tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và công nghiệp chế biến.
Ngoài ra, với 265,165 km đường biên giới giáp với Trung Quốc, có cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều lối mở tiểu ngạch thì đây chính là điều kiện phát triển kinh tế biên mậu. Các Quốc lộ: 4D, 32, 12 chạy qua; đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nối Lai Châu với Hà Nội; hệ thống đường thủy Sông Đà thuận tiện... sẽ là cơ sở để tỉnh Lai Châu có điều kiện, cơ hội phát triển giao thương với các tỉnh trong khu vực, đặc biệt là rút ngắn khoảng cách với thủ đô Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
13:30, 08/09/2019
02:00, 08/09/2019
15:32, 07/09/2019
16:00, 01/08/2019
16:42, 31/07/2019
Luôn sát cánh cùng nhà đầu tư
Sau 15 năm năm chia tách và thành lập, bức tranh kinh tế - xã hội của Lai Châu ngày càng thay đổi, đời sống nhân dân từng bước cải thiện. Trong 3 năm 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 16,63%/năm (gấp hơn 2 lần cả nước); thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 33 triệu đồng/người/năm (tăng 1,5 lần so với năm 2016); thu ngân sách của tỉnh năm 2018 đạt trên 2.000 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ngày càng có nhiều kết quả khả quan; sản xuất nông nghiệp chất lượng cao được đầu tư đúng hướng...
Kết quả đó chính là thành quả của chiến lược phát triển hợp lý, nhất là trong công cuộc đồng hành cùng doanh nghiệp. Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lai Châu phát triển”, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Kế hoạch số 1301/KH-UBND ngày 14/7/2017 của UBND tỉnh về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lai Châu đến năm 2025; Ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ ưu đãi, đặc biệt vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Hỗ trợ thông tin giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thuộc thế mạnh của tỉnh và có giá trị cao; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch…
Điển hình nhất, mới đây, tỉnh Lai Châu đã vừa tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đầu tháng 9/2019, tỉnh Lai Châu đã đưa Trung tâm hành chính công vào hoạt động nhằm tạo sự thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh đã thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh với kỳ vọng là ngôi nhà chung để các doanh nghiệp, doanh nhân gặp gỡ, trao đổi lẫn nhau.
Đây là động thái rõ ràng nhất thể hiện quan điểm tỉnh Lai Châu sẵn sàng đối thoại, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến, phản hồi của các doanh nghiệp, qua đó có sự thay đổi trong các chính sách hỗ trợ, giải quyết các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình xúc tiến đầu tư tại tỉnh. Cũng từ những hoạt động này, đến nay tỉnh Lai Châu đang được các doanh nghiệp coi là điểm đến lý tưởng để thực hiện các hoạt động đầu tư.