Năm Chủ tịch ASEAN là cơ hội mới để Việt Nam khẳng định vị thế
Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, với mức tăng trưởng GDP năm 2019 thuộc nhóm hàng đầu khu vực (7,02%), và có nền chính trị ổn định.
Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, với mức tăng trưởng GDP năm 2019 thuộc nhóm hàng đầu khu vực (7,02%), và có nền chính trị ổn định.Năm 2020 sẽ là một năm quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại, đặc biệt trên bình diện khu vực.
Với việc đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020, Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa sự gắn kết, sự hội nhập của khu vực cũng như tăng cường tầm quan trọng của ASEAN trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đồng thời đảm nhận trọng trách ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020: Gắn kết và chủ động thích ứng
01:02, 05/11/2019
Việt Nam tiếp nhận ghế Chủ tịch ASEAN
20:00, 04/11/2019
25 năm đóng góp tích cực
Việt Nam gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự hội nhập khu vực của Việt Nam.
Trải qua 25 năm nỗ lực, trong đó có 2 lần đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 1998 và 2010, có thể khẳng định Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể cho những thành tựu chung của ASEAN trong thời gian qua.
Trong 2 lần làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy một số nội dung ưu tiên như thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia Đông Nam Á, phát triển các tổ chức mới và thu hút sự quan tâm của các cường quốc trên thế giới.
Báo Diplomat dự đoán với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục các nội dung này. Tất nhiên, bối cảnh của năm 2020 khác với năm 2010 và 1998. Môi trường khu vực và thế giới đang đối mặt với nhiều căng thẳng hơn.
Tuy nhiên, Việt Nam của 2020 đã có những bước tiến lớn cả về kinh tế và chính trị.
Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, với mức tăng trưởng GDP năm 2019 thuộc nhóm hàng đầu khu vực (7,02%), và có nền chính trị ổn định.
Về đối ngoại, Việt Nam đã thiết lập các mối quan hệ sâu sắc với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia, các nước Liên minh châu Âu (EU) và ngày càng có tiếng nói quan trọng tại các diễn đàn khu vực cũng như quốc tế.
Báo Diplomat bình luận kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã tiến hành một loạt cải cách như chính sách đổi mới, hội nhập ngày càng rộng với thế giới và nhanh chóng nổi lên là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất, một đối tác đáng tin cậy ở khu vực.
Chính vì vậy, Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát huy tốt các lợi thế sẵn có, khai thác được những cơ hội và giải quyết những thách thức để tiếp tục dẫn dắt thành công ASEAN trong tình hình mới.
Phát biểu tại lễ ra mắt Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 (tháng 12/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam luôn xác định ASEAN là ưu tiên hàng đầu, là “hòn đá tảng” trong ngoại giao đa phương. Việt Nam mong muốn tiếp tục đóng góp thực chất hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN đoàn kết, có vai trò trung tâm ở khu vực, hướng tới một ASEAN hài hòa, gắn kết, bản sắc, có khả năng thích ứng cao, ngày càng phát triển thịnh vượng, có vai trò và trách nhiệm trong giải quyết vấn đề toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam đã rất sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN và cũng là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Gắn kết và chủ động thích ứng
Là chủ đề mà Việt Nam đã công bố cho Năm chủ tịch 2020, với trọng tâm phát huy sức mạnh nội lực của hiệp hội thông qua sự đoàn kết, liên kết với nhau, trong đó có sự gắn kết về kinh tế, về xây dựng cộng đồng cũng như sự gắn kết của mỗi quốc gia với cộng đồng trong sự phát triển lấy con người làm trung tâm.
“Chủ động thích ứng” là sự linh hoạt điều chỉnh trước các diễn biến của quốc tế và khu vực, thách thức đan xen những cơ hội như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nước lớn, các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sự phát triển của khoa học và công nghệ…
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS) Choi Shing Kwok cho rằng với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ thể hiện khả năng dẫn dắt và điều phối, để tất cả các nước thành viên có thể nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, hướng tới xây dựng cộng đồng bền vững.
Ông cho rằng trong vai trò lãnh đạo của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa ra các ý tưởng, xây dựng kế hoạch và mang lại động lực cho các nước ASEAN để đối phó với các thách thức và tình huống khó khăn.
Thêm vào đó, với việc đảm nhận cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẽ có cơ hội thuận lợi để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trên phạm vi toàn cầu, đồng thời giúp mở rộng và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trên trường quốc tế.
Không chỉ vậy, Việt Nam còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa ASEAN với các nước đối tác và đối thoại.
Ông Ahmad Ibrahim Almutaqqi, Giám đốc Chương trình nghiên cứu ASEAN thuộc Trung tâm Habibie của Indonesia, đặc biệt đánh giá cao năng lực Việt Nam trong đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nhiều chuyên gia hy vọng rằng trong năm Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN, tiến trình ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ được hoàn tất.
Đây là thỏa thuận tự do đa phương do ASEAN khởi xướng, dẫn dắt và có sự tham gia của nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc, nhằm thúc đẩy giao dịch thương mại khu vực, tạo điều kiện thuận lợi và tự do hóa cho các hoạt động đầu tư.
Dự kiến, Việt Nam sẽ chủ trì 300 hội nghị của ASEAN trong năm 2020, trong đó có 2 hội nghị cấp cao vào tháng Tư và tháng 11.
Có thể thấy khối lượng công việc mà Việt Nam sẽ đảm nhận trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ rất lớn, cả về nội dung lẫn công tác tổ chức, lễ tân, tuyên truyền. Bên cạnh đó, môi trường khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với ASEAN.
Ông Kavi Chongkittavorn, chuyên gia Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) nhận định năm 2020, Việt Nam sẽ gặp những khó khăn mà Thái Lan phải đối diện trong 2019, khi làm Chủ tịch ASEAN.
Đó là thách thức từ cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, xu hướng chống tự do thương mại và toàn cầu hóa cùng các điểm nóng ở Biển Đông, bán đảo Triều Tiên.
Năm 2020, lần thứ ba đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, dù là một nhiệm vụ nặng nề, song đây là một cơ hội để một lần nữa, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là một quốc gia tích cực, trách nhiệm và có đóng góp quan trọng trong tiến trình tăng cường sự kết nối trong ASEAN và thúc đẩy vị thế của khu vực trong đời sống chính trị toàn cầu.