Tập trung đề xuất chính sách giảm, giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp
Năm 2020 nền kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó có dịch bệnh Covid-19, ngànhThuế cần nghiên cứu, đề xuất chính sách theo hướng giãn, hoãn nộp thuế tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục thuế khu vực thuộc 63 Cục thuế tỉnh, phành phố.
Theo lộ trình đến hết năm 2020, toàn hệ thống thuế sẽ phải hợp nhất khoảng 548 chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố của 63 cục thuế thành 257 chi cục thuế khu vực, giảm 291 chi cục thuế, chỉ còn 420 chi cục thuế cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trong toàn quốc.
Năm 2018, Tổng cục thuế đã thí điểm sắp xếp, hợp nhất Chi cục thuế khu vực tại 6 Cục thuế là Quảng Ninh, Hải Dương, Yên Bái, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Cà Mau, hợp nhất 34 Chi cục Thuế thành 16 Chi cục Thuế khu vực, giảm 18 chi cục thuế.
Đến năm 2019, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai 5 đợt sắp xếp và trong tháng 1-2/2020, Tổng cục Thuế đã thực hiện xong 2 đợt xắp sếp cuối cùng.
Tính đến nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành 111 Quyết định thành lập chi cục thuế khu vực trực thuộc 63 cục thuế tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó, tiến hành sắp xếp hợp nhất 565 chi cục thuế để thành lập 269 chi cục thuế khu vực, giảm 296 chi cục thuế.
Có thể bạn quan tâm
Ngành Thuế hoàn thành hợp nhất các chi cục thuế trước tiến độ
16:46, 24/02/2020
Mở rộng khai, nộp thuế thu nhập cá nhân bằng phương thức điện tử
00:00, 24/02/2020
Hiệp định EVFTA: Thuế về 0, và 85,6% số dòng thuế sẽ được hiện thực hóa!
00:13, 25/02/2020
Như vậy, tính đến hết tháng 2/2020, toàn hệ thống Thuế đã hoàn thành việc hợp nhất các chi cục thuế. Số lượng chi cục thuế sau khi hợp nhất còn lại là 415 chi cục thuế, đạt 102% kế hoạch và vượt thời gian trước 10 tháng theo kế hoạch.
Theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, kết quả trên đạt được là nhờ sự quyết liệt vào cuộc và kế hoạch triển khai theo lộ trình phù hợp của hệ thống thuế. Tổng cục thuế đã thực hiện làm điểm việc sắp xếp, hợp nhất chi cục thuế, qua đó rút kinh nghiệm để triển khai các đợt tiếp theo.
Bên cạnh đó, do làm tốt công tác chuẩn bị trước và sau khi hợp nhất như công tác đảng, đoàn thể; tuyên truyền, giáo dục tư tưởng; sắp xếp tổ chức, bộ máy nhân sự; nghiệp vụ chuyên môn; quản lý tài sản, tài chính, xây dựng cơ bản và ấn chỉ; công nghệ thông tin; công tác pháp chế, trách nhiệm pháp lý… nên về cơ bản các cục thuế không gặp vướng mắc lớn, các chi cục thuế khu vực hoạt động ổn định, không xáo trộn, không gây khó khăn cho người nộp thuế.
Hiện tại tổ chức bộ máy của cơ quan thuế đã tinh gọn, đặc biệt là cải cách mạnh tại chi cục thuế. Trong năm 2020, để tiếp tục tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, Tổng cục Thuế sẽ đề xuất báo cáo Bộ Tài chính báo cáo các cấp có thẩm quyền giảm số lượng lãnh đạo Cục Thuế trong năm 2020; đề xuất mô hình quản lý thuế đối với tập đoàn, công ty đa quốc gia theo hướng nâng cấp Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn lên Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn với đầy đủ chức năng quản lý thuế.
Bên cạnh thành công trong sắp xếp bộ máy, ngành Tài chính nói chung và Tổng cục Thuế nói riêng đã có những đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2019. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.539,4 nghìn tỷ đồng, vượt 9,1% so với dự toán, tương đương 128,1 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, cùng với việc áp dụng mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, các tiêu cực trong ngành Thuế đã giảm đáng kể trong những năm qua. Điều này được minh chứng thông qua việc xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã thay đổi đáng kể.
Năm 2019 cũng là năm chứng kiến sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính thuế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% các chi cục thuế với hơn 760 nghìn doanh nghiệp, đạt 99,86% tổng số doanh nghiệp; số doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử đạt 99,49%, có 93,32% số doanh nghiệp hoàn thuế điện tử.
Theo báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) do nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, điểm số của Việt Nam được cải thiện, từ 68,6 lên 69,8/100 điểm. Trong 5 chỉ số nâng hạng, chỉ số nộp thuế có điểm tăng mạnh, từ 62,9 của lần trước tăng lên 69 điểm nhờ được đánh giá cao ở việc nâng cấp hạ tầng thông tin của Tổng cục Thuế, hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế dễ dàng hơn.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tưởng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những kết quả đạt được rất tích cực này đã góp phần quan trọng vào thành công toàn diện của đất nước năm 2019 nói chung cũng như trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII quy định một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Cùng với những kết quả nổi bật của ngành thuế trong công tác tinh gọn bộ máy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cơ quan thuế các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, tránh tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. Đồng thời, ngành thuế tiếp tục xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính, chống tình trạng nợ đọng, chuyển giá, trốn thuế, nâng cao thứ hạng nộp thuế, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định.
Năm 2020 nền kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó có dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, do đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý thuế theo hướng giãn, hoãn nộp thuế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ chủ yếu của ngành thuế trong thời gian tới, trong đó tập trung vào công tác ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá ngành thuế, công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu năm 2020, Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp, vai trò của ngành thuế là quan trọng. Cán bộ thuế cần bám sát, hiểu được tâm tư, nguyện vọng để có những điều chỉnh phù hợp, thực hiện tốt quản lý thuế đối với khu vực ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh cá thể.
Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, ngành thuế cần tổ chức những cuộc kiểm tra, giám sát các đơn vị sau sáp nhập nhằm nắm bắt những khó khăn, bất cập trong công việc, tâm tư nguyện vọng của cán bộ công chức để sớm có phương án tháo gỡ, giải quyết.