Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ: Dịch bệnh không làm thay đổi được sự gắn kết
Dịch bệnh không làm thay đổi giá trị căn bản mà Việt Nam, trong đó cóHà Nội đang theo đuổi, đó là sự gắn kết gia đình, một xã hội tuân thủ kỷ luật chung.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ chia sẻ khi làm việc với Đảng ủy phường Bồ Đề (quận Long Biên) về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chuẩn bị Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2020-2025, chiều 7/4.
Phường Bồ Đề là địa bàn có nhiều cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ, trụ sở nhiều đơn vị của Đoàn tiếp viên Hàng không (có lịch trình hoạt động, tiếp xúc với nhiều đối tượng mắc, nghi mắc COVID-19), do đó có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Hiện tại, hai phường Bồ Đề và Thượng Thanh có số ca dương tính với SARS-CoV-2 nhiều nhất của quận Long Biên (mỗi phường 2 trường hợp).
Có thể bạn quan tâm
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm
15:43, 07/04/2020
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Doanh nghiệp cần tìm kế sách để thích ứng với COVID-19
09:51, 24/03/2020
[COVID-19] Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ: Bình tĩnh xử lý, không hoang mang lo lắng
23:44, 06/03/2020
Trong đó, bệnh nhân COVID-19 số 237 trên địa bàn phường Bồ Đề có lịch trình phức tạp, là trường hợp dễ lây lan dịch bệnh nhất. Đây là bệnh nhân người Thụy Điển, bị ung thư máu, từng vào cấp cứu tại Bệnh viện Đức Giang (Long Biên), Viện huyết học và truyền máu, Bệnh viện E… có hơn 100 trường hợp F1 (tiếp xúc gần).
Theo báo cáo của Quận ủy Long Biên và Đảng ủy phường Bồ Đề, thời gian qua địa phương đã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của trung ương, thành phố. Phường cũng đã tổ chức trao tặng cho 40 hộ cận nghèo 500.000 đồng/hộ; quyên góp được 50 triệu đồng, 1.000 khẩu trang y tế, 1.000 kính chống giọt bắn hỗ trợ tiểu thương ở chợ dân sinh, cán bộ phường...
Qua báo cáo và quan sát thực tiễn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ biểu dương và trân trọng cảm ơn người dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh trên địa bàn đã tự giác, nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo của Trung ương, thành phố và quận về công tác chống dịch, dù chịu không ít thiệt thòi, bất tiện.
Bí thư Thành ủy cho rằng, quyết định giãn cách xã hội mà Trung ương, Chính phủ đưa ra là quyết định khó khăn, nhưng vô cùng quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh. Thành ủy Hà Nội đã nhiều lần nhấn mạnh về an toàn, sức khoẻ cho người dân là quan trọng nhất, bảo vệ an toàn cho Thủ đô là bảo vệ cho cả nước. Việc giãn cách xã hội đã được người dân chia sẻ và hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc.
“Khi hoạn nạn, thì thế giới hay Việt Nam mới lại có xu hướng gần gũi và chia sẻ với nhau hơn. Tuy nhiên, virus Sars-CoV-2 khó phát hiện, dễ lây lan, không trừ một ai. Do đó, nếu yêu thương nhau lúc này thì phải giãn cách xã hội. Đây là cách tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh”, Bí thư Thành ủy nói.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thay mặt lãnh đạo thành phố cảm ơn các lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch COVID-19 suốt thời gian qua, đặc biệt với các y bác sỹ, công an, quận đội, các cấp uỷ đảng, đảng viên ở thôn, xóm, tổ dân phố. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng này, cùng việc chấp hành nghiêm túc của người dân, nên bước đầu Hà Nội đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng cảm ơn các tấm lòng hảo tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, của nhân dân đã giúp đỡ những người khó khăn hay chịu ảnh hưởng bởi dịch. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhắc tới doanh nhân Trương An Xinh, Chủ tịch công ty bán lẻ AZ và nhiều cá nhân khác đã khởi xướng các điểm tặng quà, lương thực thực phẩm ở Thành phố với thông điệp giản dị: “Ai cần đến lấy. Nếu khó khăn đến lấy một gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác” và khẳng định đây là những mô hình thiết thực.
Hay bà con và chính quyền Hai Bà Trưng đã quyên góp, tặng quà cho hàng trăm bà con chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai; toàn thể cư dân CIPUTRA trong 1 ngày đã quyên được 1 tỷ đồng và tổ chức bữa ăn gửi tới 2 cơ sở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Đông Anh, và Bệnh viện Đống Đa. Công ty cổ phần xây dựng UDIC trong 7 ngày cải tạo xong bệnh viện dã chiến Mê Linh 250 giường, đã đưa vào sử dụng. Doanh nhân Phạm Nhật Vượng ủng hộ cho Hà Nội hàng nghìn kit thử nhanh, sắp tới sản xuất hàng trăm máy thở để tặng Bộ Y tế, Hà Nội chống dịch.
“Dịch bệnh không làm thay đổi giá trị căn bản mà Việt Nam và Hà Nội đang theo đuổi, đó là sự gắn kết gia đình, khả năng tự chủ độc lập của từng cá nhân trong một tập thể đoàn kết, là tinh thần không ngừng học hỏi và thích ứng với những thay đổi thời cuộc. Đây cũng là cơ hội để thực hành một xã hội tuân thủ kỷ luật chung trên cơ sở tôn trọng các lựa chọn cá nhân hướng tới mục tiêu chung của cả nước”, Bí thư Thành ủy nói.
Về các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân không được chủ quan với dịch bệnh, bởi diễn biến dịch COVID-19 còn rất phức tạp. Với quan điểm “Chống dịch như chống giặc”, cả nước và từng địa bàn cơ sở, tổ dân phố đều là mặt trận, không có phân chia hậu phương (vùng an toàn) hay tiền tuyến. Do vậy phải quán triệt phương châm “4 tại chỗ” trong chỉ đạo chống dịch.
Bên cạnh công tác chống dịch COVID-19, quận Long Biên, phường Bồ Đề phải bảo đảm sự hoạt động điều hành của hệ thống chính trị và khôi phục lại các hoạt động chính trị, kinh tế khi hết dịch bệnh. Đồng thời chuẩn bị tốt đại hội đảng các cấp tiến tới đại hội đảng bộ quận; tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng phức tạp về dân sinh; phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế xã hội ở mức cao nhất.