Vì sao Điện Biên 3 năm liên tiếp trong nhóm cải cách hành chính khá cao cả nước?
4 năm liên tục (2016 - 2019) Điện Biên thoát khỏi top 3 tỉnh xếp thứ hạng cuối trong bảng xếp hạng CCHC cả nước và là năm thứ 3 liên tiếp xếp trong nhóm các tỉnh có thứ hạng CCHC khá cao…
Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên diễn ra sáng nay 10/7. Ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Điện Biên cho biết, tỉnh đã tổ chức 19 Hội nghị phổ biến, quán triệt và bồi dưỡng nghiệp vụ CCHC cho hơn 1.920 cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện, xã. Ngoài ra, còn triển khai quán triệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các ứng dụng phần mềm như eOffice, TD Office, lồng ghép trong các Hội nghị, cuộc họp giao ban của tỉnh, của các cơ quan, đơn vị, địa phương…
Hiện thực hoá mục tiêu
Với quan điểm xác định công tác CCHC và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là khâu đột phá, góp phần cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Khang chia sẻ, hàng năm, tỉnh ban hành Kế hoạch CCHC thể hiện cụ thể, chi tiết công tác chỉ đạo điều hành và các nhiệm vụ thuộc 6 lĩnh vực CCHC: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính. Trên cơ sở Kế hoạch CCHC của tỉnh và các văn bản do cơ quan chủ trì lĩnh vực CCHC, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện…
Theo báo cáo CCHC tỉnh Điện Biên được Bộ Nội vụ ghi nhận đánh giá cao thì, từ năm 2013, tỉnh đã triển khai thực hiện đánh giá Chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Năm 2014, tỉnh ban hành Quyết định số 510/QĐ-UBND ngày 07/7/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch “Xác định Chỉ số CCHC của các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Điện Biên” kèm theo Bộ Chỉ số để triển khai đánh giá, chấm điểm, xếp hạng Chỉ số CCHC các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện. Đề án “Xác định Chỉ số CCHC của các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Điện Biên” được điều chỉnh hằng năm để phù hợp với tình hình thực tế. Từ năm 2016 đến nay, UBND cấp huyện triển khai thực hiện đánh giá, chấm điểm, xếp hạng Chỉ số CCHC của UBND cấp xã. Ngoài ra, hàng năm tỉnh giao cho Sở Nội vụ ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Điều đáng nói, những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm đem lại hiệu quả thiết thực trong triển khai công tác CCHC, được áp dụng trong thực tiễn, như: Ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chính quyền cơ sở... Năm 2018 các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện 128 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3,4 và tiếp nhận 1326 hồ sơ trực tuyến. Năm 2019, triển khai sáng kiến Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được xây dựng, tăng cường tuyên truyền, ban hành các văn bản hướng dẫn đơn vị. Tính đến nay, số thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3,4 đã tăng lên 561 thủ tục hành chính (trong đó có 236 TTHC mức độ 3; 325 TTHC mức độ 4) và tiếp nhận 19.568 hồ sơ, tổng số hồ sơ đã được xử lý là 17.025 hồ sơ.
Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước tỉnh Điện Biên đã được xây dựng và kết nối từ Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành; Huyện ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Hệ thống hoạt động thông suốt 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Sáng kiến cấp phiếu lý lịch tư pháp để hoàn thiện hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Năm 2018, tiếp nhận yêu cầu cấp PLLTP trực tuyến là 26/1064 tổng hồ sơ đạt 2,4 % hồ sơ trực tuyến; năm 2019 triển khai sáng kiến tăng cường tuyên truyền, ban hành các văn bản hướng dẫn đơn vị.Từ đó, đã tăng số lượng hồ sơ trực tuyến 1745/3377 tổng hồ sơ, đạt 51,6% hồ sơ trực tuyến. Tại địa chỉ https://lltptructuyen.moj.gov.vn/dienbien… Đặc biệt, trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, tỉnh luôn gắn công tác bình xét thi đua khen thưởng và đánh giá cán bộ, công chức đối với tập thể, cá nhân người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện từng nội dung, nhiệm vụ CCHC …
“Soi” hạn chế tăng thứ hạng CCHC
Qua các tham luận, đánh giá, khuyến nghị của các sở, ban ngành, tỉnh Điện Biên, đặc biệt là Bộ Nội vụ giai đoạn 2011-2020 cho thấy, nhiều nội dung, lĩnh vực của CCHC đã thu được tín hiệu và kết quả thiết thực; Chỉ số CCHC của tỉnh được duy trì và cải thiện qua các năm; mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh được nâng lên.
Minh chứng, Chỉ số cải cách hành chính đạt 81,42 điểm tăng 4,42 điểm so với năm 2018, xếp hạng thứ 27/63 tỉnh thành phố. Sau 8 năm Bộ Nội vụ đánh giá kết quả CCHC thông qua các tiêu chí chấm điểm (từ năm 2012 đến 2019) tỉnh Điện Biên đã có 4 năm liên tục (2016 - 2019) thoát khỏi top 3 tỉnh xếp thứ hạng cuối trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC cả nước và là năm thứ 3 liên tiếp chỉ số CCHC của tỉnh Điện Biên xếp trong nhóm các tỉnh có thứ hạng CCHC khá cao.
Năm 2019 Chỉ số cải cách hành chính Par-Index của tỉnh đạt 81,42 điểm tăng 4,42 điểm so với năm 2018, xếp hạng thứ 27/63 tỉnh thành phố trong cả nước, tăng 01 bậc so với năm 2018. Chỉ số chung về sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019 tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, tất cả các tiêu chí thành phần đều đạt tỷ lệ hài lòng từ 85% đến 89%, đây là tỷ lệ cao so với các tỉnh khác trong khu vực và cả nước.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 đạt 43,73 điểm tăng 0,34 điểm, xếp hạng thứ 22/63 tỉnh thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2018 và nằm trong nhóm các tỉnh có mức xếp hạng loại khá.
Tuy nhiên, ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, việc CCHC trong 10 năm qua vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, công tác chỉ đạo, điều hành tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, kết quả CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh của một số đơn vị chưa có sự chuyển biến tích cực; Một bộ phận CBCC còn có biểu hiện lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; Số lượng hồ sơ TTHC phát sinh theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và bưu chính công ích chưa bảo đảm tỷ lệ theo yêu cầu; tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hay một phần chi thường xuyên còn thấp, một số chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh vẫn còn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước…
Vì vậy, giai đoạn 2021 – 2030 tỉnh Điện Biên sẽ tập trung thực hiện tốt các mục tiêu CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh đã đề ra. Trong đó, tập trung đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường công tác kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đôn đốc các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy trình nội bộ giải quyết TTHC; tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức lại các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý biên chế gắn với thực hiện tinh giản biên chế; thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo chuẩn ngạch; nâng cao kỹ năng làm việc trực tuyến cho đội ngũ cán bộ; nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của các cơ quan, đơn vị và xử lý hồ sơ TTHC.
Bên cạnh đó, để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm CCHC nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, ông Đô đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị của tỉnh; xem xét, sửa đổi Khoản 11, Điều 1, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng bỏ hình thức tuyển dụng đặc biệt công chức không qua thi tuyển, thực hiện liên thông trong bố trí, sử dụng công chức, viên chức… Đồng thời xem xét, điều chỉnh lại tỷ lệ tinh giản biên chế cho các tỉnh miền núi, biên giới như tỉnh Điện Biên để đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh…
Có thể bạn quan tâm