Điện Biên đẩy mạnh cải thiện PCI để thu hút đầu tư

PHAN NAM 10/07/2020 11:03

Cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là cơ sở, tiền đề quan trọng để Điện Biên đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2019 chỉ số PCI của Điện Biên đạt 64,11 điểm (tăng 2,34 điểm), tăng 03 bậc so với năm 2018, xếp thứ 44 trên bảng xếp hạng toàn quốc, đạt kế hoạch đề ra(xếp hạng PCI của tỉnh trong nhóm 40-45 cả nước).

ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đánh giá kết quản triển khai thực hiện Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Điện Biên năm 2019

Ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Điện Biên năm 2019

Tăng hạng- chuyển nhóm

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2014, chỉ số PCI của tỉnh đã vươn lên nằm trong nhóm các tỉnh có chỉ số khá của cả nước, xếp thứ 7/14 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc.

Qua phân tích, đánh giá 128 tiêu chí thuộc 10 chỉ số thành phần trong bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 so với năm 2018 của Điện Biên, có 75 tiêu chí tăng điểm, 6 tiêu chí giữ nguyên điểm số và 47 tiêu chí bị giảm điểm. Trong những tiêu chí bị giảm điểm có một số chỉ số có ý nghĩa rất quan trọng có sự ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp như: Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...

Những kết quả trên đã phản ánh sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên trong việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Theo ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: Nhìn nhận, đánh giá phân tích các mặt đã đạt được, những mặt còn hạn chế của chỉ số PCI năm 2019 và các chỉ số liên quan khác là cơ sở để đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhân cao năng lực cạnh tranh. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI tỉnh Điện Biên; Đề án đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, địa phương tỉnh Điện Biên (DDCI). Điện Biên tập trung thực hiện những giải pháp để tăng điểm của từng chỉ số thành phần đánh giá năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của tỉnh, nhất là những chỉ số có ảnh hưởng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân như: Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...

Đồng bộ giải pháp

Mục tiêu đề ra, PCI của tỉnh năm 2020 tăng từ 1 đến 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn quốc so với năm 2019, giữ vững xếp hạng của tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế ở mức khá. Tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được ở những chỉ tiêu, tiêu chí tăng điểm năm 2019. Tập trung cải thiện một số chỉ tiêu, tiêu chí thành phần có điểm số giảm so với năm trước và tiêu chí có cải thiện nhưng còn ở mức thấp và bị giảm bậc trên bảng xếp hạng.

Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để làm được điều đó Điện Biên sẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ. Trong đó, tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Kế hoạch hành động của tỉnh thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Đẩy mạnh thực hiện Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI tỉnh Điện Biên; Đề án đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và các địa phương (DDCI) tỉnh Điện Biên; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Triển khai, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh đối với các ngành, lĩnh vực được khuyến khích phát triển và có tiềm năng như nông, lâm nghiệp, chế biến...

Tỉnh cũng sẽ thực hiện rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống, nhất là mạng lưới giao thông, điện, nước, thủy lợi, giáo dục, y tế, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, thu gom và xử lý chất thải rắn, quy hoạch bảo vệ môi trường...; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn. Thực hiện tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực vào quy hoạch chung của tỉnh, đồng thời thực hiện công khai, minh bạch, phổ biến các quy hoạch, kế hoạch để các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng trong việc tiếp cận và tra cứu.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Thông qua chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tỉnh đã triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế. Đặc biệt là nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ công chức, viên chức tại các bộ phận một cửa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xử lý các yêu cầu về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố ý gây sách nhiễu cho doanh nghiệp dẫn đến phát sinh chi phí không chính thức của doanh nghiệp. Thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ với phương châm phục vụ, chăm sóc tối ưu, theo sát bước chân nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thúc đẩy thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh bằng việc tăng cường các giải pháp, chính sách thu hút đầu tư, làm tốt công tác chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp lựa chọn, đề xuất và thực hiện các dự án đầu tư. Cải thiện, đơn giản hoá các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và chủ động, tích cực trong giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên đưa ra các giải pháp để nâng cao PCI

ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên đưa ra các giải pháp để nâng cao PCI

"Chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa việc tham vấn, trao đổi, đối thoại, phản biện chính sách giữa chính quyền tỉnh, chính quyền cấp huyện và giữa các Sở, ngành với cộng đồng doanh nghiệp để tạo đồng thuận, làm cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường phối hợp, phát huy vai trò của các Hội doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh với vai trò là cầu nối giữa chính quyền tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp."- ông Sông nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Điện Biên: Điểm sáng trong thu hút đầu tư vùng Tây Bắc

    Điện Biên: Điểm sáng trong thu hút đầu tư vùng Tây Bắc

    12:08, 09/07/2020

  • Điện Biên đẩy mạnh chính quyền kết nối - tương tác

    Điện Biên đẩy mạnh chính quyền kết nối - tương tác

    15:36, 08/07/2020

  • Điện Biên: Bước chuyển mới trong cải cách hành chính

    Điện Biên: Bước chuyển mới trong cải cách hành chính

    04:45, 30/06/2020

  • Điện Biên: Bước tiến mới trong xây dựng chính quyền điện tử

    Điện Biên: Bước tiến mới trong xây dựng chính quyền điện tử

    16:25, 12/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điện Biên đẩy mạnh cải thiện PCI để thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO