Nguy cơ "cơn bão cytokine" với bệnh nhân COVID-19
Giai đoạn này chưa ghi nhận một cách rõ ràng số người bệnh COVID-19 gặp "cơn bão cytokine". Tuy nhiên, một số bệnh nhân đã xuất hiện những biểu hiện, dù chưa gây suy cơ quan cũng như đe dọa tính mạng.
Hội chứng "cơn bão cytokine" hay còn gọi là hội chứng giải phóng cytokine (tiếng Anh là Cytokine Release Syndrome, viết tắt là CRS) hoặc hội chứng viêm toàn thân cấp tính. Đây là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập như virus gây bệnh và dẫn đến phản ứng viêm toàn hệ thống.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nhiều bệnh nhân COVID-19 trong giai đoạn này diễn biến nặng, tăng nặng, đặc biệt là diễn biến nguy kịch rất nhanh.
HIện trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, đã có những bệnh nhân diễn tiến nặng, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao: BN 416, BN 418, BN 431, BN 436, BN 437, BN 438… Ngoài ra, một số bệnh nhân có tiến triển nặng lên như BN 429, BN 426, BN 427, BN 430, BN 422, BN 433... Phần lớn bệnh nhân nặng trong số này đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho hay, khi mắc COVID-19, nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng sẽ tập trung vào nhóm người cao tuổi (trên 60 tuổi), có bệnh lý nền (tiểu đường, cao huyết áp, suy thận mãn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…) hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt…
“Những yếu tố này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tăng nặng khi nhiễm COVID-19” – PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh
Phân tích cụ thể hơn về cơ chế gây tăng nặng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, nhóm người nói trên khi mắc COVID-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác.
“Tôi lưu ý về nguy cơ cơn bão cytokine. Một số người khi bị virus tấn công sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hệ thống này không chỉ tấn công virus mà còn tấn công các cơ quan nội tạng, gây suy các cơ quan và làm giảm các chức năng, dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, đơn cử như bệnh nhân 91 ở TP HCM giai đoạn trước” – PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho hay.
Trong giai đoạn này, đã có những bệnh nhân COVID-19 trên nền bệnh mãn tính phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như ECMO, thở máy, hoặc thở oxy…
“Đây là dấu hiệu rất đáng nguy hại, vì những bệnh nhân này nói chung và bệnh nhân suy thận mạn nói riêng sẽ không chỉ bị duy nhất bệnh này, mà còn kèm theo các bệnh nặng khác như tiểu đường, suy tim, tăng huyết áp… Khi virus tấn công, các cơ quan sẽ dễ tổn thương, sức đề kháng giảm nhiều” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.
Trong cơ thể người, cytokine là một nhóm protein đa chức năng, được sản xuất bởi các tế bào miễn dịch giúp cơ thể vận hành hệ miễn dịch. Để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân xâm nhập gây viêm nhiễm trùng, hệ miễn dịch sử dụng nhiều tế bào khác nhau cùng hoạt động. Trong đó, cytokine được tạo ra từ nhiều loại tế bào khác nhau của hệ miễn dịch như: Tế bào lympho T và B; Tế bào bạch cầu đơn nhân; Tế bào bạch cầu ưa acid
Hội chứng cơn bão cytokine xảy ra khi một tác nhân xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch được kích hoạt để giúp chống lại tác nhân, mầm bệnh đó bằng cách sử dụng nhiều loại tế bào khác nhau với một số lượng lớn (phản ứng quá mức) bao gồm tế bào bạch cầu, tế bào lympho T và B, đại thực bào, tế bào sát thủ tự nhiên, bạch cầu đơn nhân, tế bào tua, làm giải phóng các cytokine gây viêm. Các cytokine sẽ gửi tín hiệu đến các tế bào miễn dịch và từ đó sẽ kích hoạt sản xuất thêm nhiều tế bào bạch cầu khác cũng như kích hoạt các tế bào tiếp tục tạo ra nhiều cytokine hơn.
Trên bệnh nhân COVID-19, khi virus xâm nhập vào tế bào, chúng sẽ nhanh chóng tự nhân bản và kích hoạt các tế bào miễn dịch gửi tín hiệu cho cơ thể để chiến đấu với virus.
Trong đó, có những bệnh nhân với hệ miễn dịch khỏe mạnh đã bảo vệ cơ thể khỏi virus mà không làm xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ hoặc ho, mặc dù những bệnh nhân này vẫn có khả năng lây truyền virus cho người khác.
Trong một số trường hợp khác, hội chứng cơn bão cytokine ở bệnh nhân COVID-19 khiến hệ miễn dịch phải phản ứng liên tục và kéo dài, ngay khi virus đã không còn khả năng đe dọa. Lúc đó, việc giải phóng quá nhiều cytokine sẽ nhanh chóng đẩy cơ thể vào tình trạng bị kiệt sức.
Những cytokine này tấn công vào phổi và làm phá vỡ các mô phổi. Khi đó, những túi khí nhỏ chứa chất lỏng trong mô phổi bị rò rỉ sẽ gây ra viêm phổi và làm thiếu hụt oxy trong máu. Khi phổi bị tổn thương nặng và gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính, các cơ quan khác bắt đầu bị ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng suy đa tạng.
Các chuyên gia cho rằng, trên những bệnh nhân COVID-19 trẻ tuổi, hội chứng cơn bão cytokine có thể là nguyên nhân khiến tình trạng bệnh nhân trở nặng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Để điều trị hội chứng cơn bão cytokine ở bệnh nhân COVID-19, nhiều nghiên cứu đã và đang được tiến hành, tuy nhiên, các loại thuốc này có thể làm giảm chức năng của hệ miễn dịch trong việc chống lại virus gây bệnh trên các bệnh nhân bị nhiễm trùng.
Đó cũng chính là những khó khăn trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19 bị mắc phải hội chứng cơn bão cytokine, vì phải đảm bảo hệ miễn dịch hoạt động để chống lại virus gây bệnh nhưng không được phản ứng quá mức.
Tại Việt Nam, "bệnh nhân 91" - phi công người Anh, 43 tuổi, là một trường hợp điển hình mắc hội chứng "cơn bão cytokine", nhưng đã hồi phục kỳ diệu.
Có thể bạn quan tâm
Ca mắc COVID-19 tử vong do bệnh nền quá nặng
16:18, 31/07/2020
Phân tích dữ liệu ban đầu cho thấy nguồn bệnh COVID-19 tái khởi phát từ Đà Nẵng
13:19, 31/07/2020
eMagazine: Vì sao dịch COVID-19 tái bùng phát tại Việt Nam?
12:00, 31/07/2020
Sức tàn phá khủng khiếp của COVID-19 với giới startup Đông Nam Á
05:38, 31/07/2020
COVID và điều nên làm lúc này
05:00, 31/07/2020
Vì sao dịch COVID-19 tái bùng phát tại Việt Nam?
14:34, 30/07/2020
Bùng phát dịch COVID-19: Sao lại là Đà Nẵng?
11:00, 28/07/2020