Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: AEM 52 thống nhất các sáng kiến do Việt Nam đưa ra
Kết quả quan trọng nhất đạt được tại AEM 52 là các bộ trưởng đã thống nhất và thúc đẩy thực hiện các sáng kiến ưu tiên kinh tế do Việt Nam đưa ra trong năm chương trình của ASEAN 2020.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ tại cuộc họp báo về Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 (AEM 52) và các hội nghị liên quan từ ngày 22 đến 29/8/2020, ngày 30/8.
Hội nghị là dịp để các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tổng rà soát lại tình hình hoạt động hội nhập kinh tế khu vực từ đầu năm đến nay, cũng như thảo luận để thống nhất định hướng hoạt động trong nội khối và với các đối tác đối thoại.
Đánh giá về kết quả hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, về nội khối, Việt Nam đã phối hợp cùng Ban thư ký ASEAN và các thành viên khác của ASEAN chuẩn bị rất kỹ lưỡng để xây dựng 13 sáng kiến trọng tâm trong năm 2020, trên cơ sở kế thừa cũng như nền tảng trong hợp tác của ASEAN từ những năm trước đây.
Đồng thời có tính đến thực tiễn trong quá trình phát triển và hội nhập chung của ASEAN với khu vực, và những yêu cầu đã đặt ra cho ASEAN với vai trò là trung tâm của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trong số 13 sáng kiến, có 2 sáng kiến đã được hoàn tất và chính thức thông qua. Đó là chỉ số hội nhập số của ASEAN và khung khổ tham chiếu kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo của ASEAN.
“Đây là 2 sáng kiến rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và những yêu cầu của thực tiễn đang đòi hỏi, là phải tập trung trong hội nhập của khu vực, cũng như thúc đẩy chuyển đổi số cho các nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Với 11 sáng kiến còn lại sẽ tiếp tục được ASEAN nỗ lực triển khai theo đúng lộ trình đã dự kiến cũng sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2020. Vẫn theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các nước ASEAN hướng xử lý các vấn đề còn tồn đọng.
Thứ nhất, thông qua biểu thuế nhập khẩu, để thực hiện Hiệp định ATIGA chuyển đổi từ danh mục hàng hóa ASEAN phiên bản 2012 sang phiên bản 2017 cho Việt Nam. Việc này giúp Việt Nam thống nhất hoàn tất quy trình chuyển đổi này.
Thứ hai, hoàn thành các thủ tục để ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đối với chứng nhận kiểu loại cho sản phẩm xe cơ giới trong ASEAN (APMRA). Đây là một bước quan trọng, vì các nước trong ASEAN đều là “cứ điểm” của các tập đoàn đa quốc gia và ngành công nghiệp ô tô với việc sản xuất các thiết bị và sản phẩm phục vụ cho công nghiệp ô tô.
Thứ ba, thống nhất thực thi cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN (AWSC) từ ngày 20/9/2020. Trên thực tế, các nước ASEAN đã có quá trình làm thí điểm trong 6 nước và đến thời điểm này đã chính thức thông qua để thực hiện cơ chế tự chứng nhận về xuất xứ hàng hóa trong toàn bộ các doanh nghiệp của ASEAN.
Bước tiến này không chỉ cho thấy, môi trường ngày càng thuận lợi hơn đối với các doanh nghiệp, mà còn chứng tỏ mức độ trong thực hiện chính phủ điện tử cũng như nền tảng số, nhằm phục vụ cho các hoạt đồng thương mại trong nội khối cũng như thương mại ASEAN hợp tác với các đối tác trên thế giới.
“Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam và các nước ASEAN trong việc đối mặt với những tác động từ dịch COVID-19 và những yêu cầu đang phải thúc đẩy chuyển đổi số để hỗ trợ có hiệu quả hơn cho các nền kinh tế, cũng như cho cộng đồng doanh nghiệp của ASEAN”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vẫn theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tại hội nghị này, các bộ trưởng cũng đã thảo luận về định hướng xây dựng kế hoạch tổng thể để phục hồi kinh tế ASEAN cho giai đoạn sau đại dịch.
Đây chính là thời điểm rất quan trọng mà các nước đã tổng kết từ thực tiễn trong thực thi các biện pháp phòng chống dịch bệnh và đánh giá những tác động, yêu cầu và đặc biệt là những khuyến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân để có được cái nhìn tổng thể và đưa ra kế hoạch tổng thể nhằm phục hồi sau đại dịch.
Đối với hợp tác ngoại khối với các đối tác, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các bộ trưởng ASEAN thống nhất định hướng ưu tiên cho việc ký kết hiệp định RCEP vào cuối năm 2020.
Đồng thời có những trao đổi sơ bộ để rà soát tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác khác như Australia, New Zealand, Canada và đối tác tiềm năng như Vương Quốc Anh.
Cũng tại Hội nghị này, Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch COVID-19 và Sáng kiến chung giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với dịch COVID-19.
Các Bộ trưởng ASEAN nhất trí việc cần duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trưởng, hạn chế việc áp dụng các biện pháp không cần thiết gây cản trở đến thương mại và tự do luân chuyển hàng hóa.
Tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch hồi phục sau đại dịch.
Có thể nói, trong các chương trình đối thoại và làm việc với các đối tác, bộ trưởng các nước ASEAN đều đạt được sự đồng thuận cao với bộ trưởng kinh tế các nước đối thoại.
Từ đây sẽ sớm có được những định hướng hướng lớn cho giai đoạn sắp tới, trên cơ sở khắc phục tồn tại và khai thác tốt những năng lực cũng như cơ hội trong hợp tác song phương giữa ASEAN với các đối tác đối thoại.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Công Thương chuyển giao toàn bộ vốn tại Sabeco về SCIC
01:36, 29/08/2020
Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu giảm bớt số bậc thang trong tính giá điện
15:43, 18/08/2020
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình: Bộ Công Thương đi đầu trong cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh
19:51, 06/08/2020
Bộ Công Thương “thị sát” hai siêu thị tại Hà Nội
13:12, 02/08/2020