Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu giảm bớt số bậc thang trong tính giá điện để phù hợp với mức độ sử dụng của nhân dân.
Chiều ngày 18/8, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đang được đưa ra lấy kiến.
Theo dự thảo, khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng biểu giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc 1 giá để phù hợp với mức tiêu thụ điện của khách hàng, mức điện một giá bằng 145% - 155% giá bán lẻ điện bình quân.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, điện một giá đang đánh đồng mức giá điện với các nhóm đối tượng – điều này đã vi phạm nguyên tắc xây dựng biểu giá bán điện được đề ra. Do đó, bản thân tồn tại hai phương án trong một đề xuất là không xác đáng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết ý kiến của dư luận cũng băn khoăn câu chuyện điện một giá có thực hiện được hay không? Bộ trưởng nhấn mạnh, sẽ thực hiện được nhưng phải đi kèm hàng loạt điều kiện như thị trường điện cạnh tranh và các điều kiện đi kèm khác như các chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khó khăn.
“Chúng ta chưa có nghiên cứu những điều kiện đi kèm này, do đó, đi vào thực hiện sẽ khó khăn, đây là thiếu sót của chúng ta”, Bộ trưởng Bộ Công Thương thẳng thắn thừa nhận. Đồng thời cho rằng đưa phương án điện một giá vào điện 5 bậc thang là không phù hợp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, ngay cả với biểu giá bán lẻ 5 bậc thang và giá điện một giá đều không hợp lý và cao hơn nhiều so với giá điện bình quân. Cùng với đó yếu tố nhạy cảm của dịch bệnh COVID-19 là yếu tố cần được thận trọng quan tâm.
Việc nghiên cứu, xây dựng các phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt của Bộ Công Thương được thực hiện theo các nguyên tắc, là đảm bảo giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt hiện hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương và áp dụng từ ngày 20/3/2019.
Đảm bảo nguyên tắc chi phí tiền điện của đa số các khách hàng sử dụng điện không tăng, đặc biệt là nhóm 18,7 triệu khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng, chiếm 73,4% tổng các khách hàng sinh hoạt do chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức…
Đảm bảo Ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện là các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục duy trì như mức hiện nay.
Tiếp tục duy trì giá điện bậc thang nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả nhưng sẽ nghiên cứu giảm bớt số bậc thang để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân.
Trước đó, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng khẳng định, dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đưa ra hai phương án điện một giá là chênh lệch 145% và 155% so với giá bình quân bán lẻ điện hiện hành.
Đáng nói là giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân hiện hành là 2.018 đ/kWh chỉ cao hơn 8% trong khi phương án giá điện một giá đang đề xuất là 2.703 đ/kWh và 2.889 đ/kWh, cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 145% và 155%.
“Mức này là quá cao, đồng thời là bất hợp lý bởi nó phá vỡ nguyên tắc của chính Bộ Công Thương đưa ra là “cải tiến nhưng không làm tăng giá bình quân hiện hành”. Điều này cần được giải thích một cách minh bạch và cần được tính toán lại”, chuyên gia nhấn mạnh.
Tư lệnh ngành Công Thương khẳng định dự thảo đang trong giai đoạn xây dựng chính sách, do đó, những ý kiến đóng góp là tích cực, cần nghiêm túc tiếp thu.
Trên thực tế, sau khi hai phương án về biểu giá điện được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, hầu hết các chuyên gia đều bày tỏ không nhất trí với giá điện một giá với các lý do người nghèo không hưởng được lợi từ giá bán lẻ điện một giá; thiếu cơ sở xác định giá điện một giá.
Về phương án 5 bậc chuyên gia đều cho là hợp lý nhưng cần nghiên cứu kỹ khoảng cách, có ý kiến cần kéo dài khoảng cách để giá cao nhất bậc 3 không cao hơn 3.000 đồng/kWh.
Thậm chí, rất nhiều chuyên gia cho rằng, các phương án này không những chưa giải quyết được tình trạng búc xúc của nhiều hộ sử dụng điện sinh hoạt khi hóa đơn tiền điện “tăng sốc” ở một số thời điểm, mà còn làm tăng thêm mối nghi ngờ về cách tính giá điện - vốn đang tồn tại nhiều bất cập thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 16/08/2020
08:38, 30/07/2020
11:39, 17/07/2020
04:50, 17/07/2020
11:00, 16/07/2020
06:00, 13/07/2020