Đánh giá việc tăng giá điện là tất yếu, phù hợp với xu hướng chung, thế nhưng, không ít ý kiến đề xuất, việc điều chỉnh giá điện nên có một lộ trình hợp lý...
Ngày 10/5 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8%, nâng mức giá điện bình quân lên hơn 2.200 đồng/kWh. Đây là lần điều chỉnh thứ hai kể từ năm 2023, nâng tổng mức tăng trong vòng ba năm qua lên hơn 17%.
Giải thích cho vấn đề này, EVN khẳng định mức điều chỉnh là cần thiết để bù đắp chi phí đầu vào leo thang, đảm bảo cung ứng điện và an sinh xã hội, thì nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cảnh báo áp lực kép về giá thành, minh bạch tài chính và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đồng tình với EVN, đồng thời cho rằng việc tăng giá điện là tất yếu, phù hợp với xu hướng chung, thế nhưng, không ít ý kiến đề xuất, việc điều chỉnh giá điện nên có một lộ trình hợp lý... bởi, tăng giá điện có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sinh hoạt, sản xuất và mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Theo TS Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, việc tăng giá điện của EVN là theo quy định và tất yếu, phù hợp với xu hướng chung.
“Việc tăng giá điện sẽ tác động tới CPI 0,09% như tính toán của EVN là tương đối sát. Nhu cầu điện của chúng ta rất lớn và nguy cơ thiếu điện có thể vẫn diễn ra. Vì thế, việc tăng giá điện là cần thiết và gửi một tín hiệu để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành điện. Tuy nhiên, vẫn cần phải kéo dài lộ trình chứ không nhất thiết 3 tháng tăng một lần”, TS Võ Trí Thành chia sẻ.
Đồng quan điểm, xoay quanh câu chuyện tăng giá điện, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo, nguồn điện than nhập khẩu hay nguồn điện nhập có giá không rẻ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải có lộ trình hợp lý, tránh tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, việc tăng giá điện phải minh bạch về thông tin, phải tính đúng, tính đủ. Phải công khai các khoản thu, chi, lỗ, lãi của Tập đoàn Điện lực. Không thể khi được phép tăng dưới 5% theo quy định thì tăng triệt để, mà khi được giao quyền tự chủ thì phải công khai hơn, có kế hoạch tăng giá hợp lý.
Theo ông Bùi Thanh Thủy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc tăng giá điện là khách quan và không thể tránh khỏi khi chi phí đầu vào leo thang. Tuy nhiên, điều người tiêu dùng cần là một lộ trình minh bạch, có đánh giá kỹ tác động xã hội và giải pháp hỗ trợ đi kèm.
Trong khi đó, thông tin tài chính của EVN bao gồm các khoản lỗ tỷ giá “treo” lâu năm vẫn chưa được công bố rõ ràng. Dù EVN cho biết đang xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần để tiệm cận thị trường, nhưng thời điểm áp dụng vẫn chưa cụ thể.
Còn theo nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích, ngành điện đang âm dòng tiền. Nếu không sớm chuyển sang cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ, thì rất khó tái đầu tư, dẫn đến nguy cơ mất an toàn năng lượng quốc gia.
Vị chuyên gia này kiến nghị, cần sửa đổi biểu giá điện, loại bỏ các chi phí không minh bạch và dàn trải như phần chênh lệch tỉ giá kéo dài nhiều năm qua.
“Tăng giá điện sẽ hợp lý nếu đi kèm với một lộ trình minh bạch, cải cách sâu về thị trường điện cạnh tranh, và cơ chế kiểm soát hiệu quả tài chính của EVN. Nếu không, người dân và doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục gánh chi phí mà chưa thấy cam kết rõ ràng từ bên cung cấp”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Xoay quanh câu chuyện tăng giá điện, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, giá điện đã chính thức được điều chỉnh tăng, điều quan trọng hiện nay là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức tiết kiệm điện của người dân. Bên cạnh đó, việc khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời cũng cần được đẩy mạnh để giảm áp lực chi phí lên hộ gia đình và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có thể việc tăng giá điện sẽ đẩy chi phí sản xuất lên cao, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm và mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 8% trong năm nay, đây là một yếu tố cần đặc biệt theo dõi và tính toán kỹ lưỡng trong kịch bản điều hành kinh tế vĩ mô.
Đại biểu cho rằng, cần sớm có các chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân, doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, có thể xem xét các biện pháp về thuế như kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng, cân nhắc điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng như nâng mức giảm trừ gia cảnh để người lao động có thêm thu nhập và thúc đẩy tiêu dùng nội địa…