Bộ Công Thương thành lập tổ công tác nhằm đối thoại với nhà đầu tư điện tái tạo đến từ Thái Lan nhằm tháo gỡ khó khăn trên tinh thần hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.
Trước những vướng mắc trong việc hồi tố giá mua bán điện tái tạo, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập tổ công tác nhằm trao đổi, làm việc với các nhà đầu tư đến từ Thái Lan để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trên tinh thần hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.
Trong nhóm các nhà đầu tư nước ngoài chịu ảnh hưởng lớn nhất, các nhà đầu tư đến từ Thái Lan có 16 dự án, nhiều nhất là Super Energy Corporation PCL của Thái Lan với 8 dự án, tổng công suất gần 687MW. Tổng cộng, 16 dự án của các nhà đầu tư Thái Lan có tổng công suất hơn 1.440MW, chiếm hơn 43% công suất của các dự án điện gió, điện mặt trời thuộc sở hữu nước ngoài.
Quyết định thành lập tổ công tác được đưa ra sau khi cuộc đàm phán giữa Công ty mua bán điện (EVN-EPTC) với gần 80 doanh nghiệp là chủ đầu tư điện gió và điện mặt trời trong bối cảnh nhóm các doanh nghiệp này đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lên Chính phủ về việc không được hưởng cơ chế giá ưu đãi (FIT) và nguy cơ bị hồi tố giá bán điện.
Tại các buổi đối thoại, đại diện EVN thông báo mời các nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có “Chứng nhận nghiệm thu hoàn thành” (CCA) sau ngày các Quyết định về giá FIT hết hiệu lực để thảo luận về khả năng điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế FIT (Cơ chế áp dụng giá bán điện ưu đãi).
Tại buổi đối thoại, EVN đưa ra phương án theo đó: Các dự án đang áp dụng giá bán theo FIT1(9,35 us Cent/Kwh) mà có ngày CCA sau ngày hết hiệu lực của Quyết định giá FIT1 nhưng trong hiệu lực của Quyết định giá FIT2(7,09us Cent/kwh) thì tạm điều chỉnh giá bán điện theo FIT2; Các dự án đang áp dụng giá FIT1 hoặc FIT2 mà có ngày CCA sau ngày Quyết định FIT2 hết hiệu lực thì áp dụng giá “các dự án chuyển tiếp”(1.184,9 đồng/Kwh).
Đại diện EVN-EPTC cũng nhấn mạnh rằng đây chỉ là mức “giá tạm tính” theo công thức trên và sẽ được áp dụng cho đến khi có quyết định chính thức từ cơ quan quản lý nhà nước.
Không đồng tình với phương án do đại diện Công ty mua bán điện (EVN-EPTC) đưa ra, các chủ đầu tư khẳng định rằng kể từ thời điểm cuối cùng để xác định dự án đủ điều kiện hưởng giá ưu đãi (FIT) vào ngày 31/10/2021, Bộ Công Thương và EVN chưa từng ban hành bất kỳ hướng dẫn hay văn bản nào yêu cầu dự án phải có “Chấp thuận kết quả nghiệm thu” từ cơ quan quản lý nhà nước.
Các chủ đầu tư cũng cho rằng, đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ cơ sở pháp lý hay văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rằng các nhà máy có Chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) sau ngày vận hành thương mại (COD) sẽ không được áp dụng giá ưu đãi FIT.
Các chủ đầu tư cũng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp không hề có lỗi trong vấn đề này, vì họ chưa từng được thông báo về việc bắt buộc phải có Chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) trước ngàycác Quyết định giá FIT hết hiệu lực. Ngay cả trong thủ tục ký Hợp đồng mua bán điện với EVN, yêu cầu về CCA cũng chưa từng được đề cập. Một đại diện chủ đầu tư đã đặt ra câu hỏi: "Nếu Chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) là giấy tờ bắt buộc, tại sao khi ký Hợp đồng mua bán điện, EVN không yêu cầu chúng tôi phải nộp?"
Các chủ đầu tư khẳng định rằng việc EVN-EPTC đưa ra phương án áp dụng giá tạm tính là hành động vi phạm Hợp đồng mua bán điện (PPA) – văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh quan hệ giữa bên mua điện (EVN) và bên bán điện (chủ đầu tư). Các nhà đầu tư cũng yêu cầu được bảo lưu quyền khiếu kiện quốc tế, vì PPA được xây dựng trên cơ sở pháp luật hiện hành của Việt Nam và đã được Chính phủ bảo hộ thông qua các hiệp định đầu tư song phương và đa phương với nhiều quốc gia.
Một số nhà đầu tư nước ngoài cho rằng trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong những năm tới và tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các dự án điện tái tạo với quy mô gấp đôi hiện nay cho đến năm 2030, việc EVN áp dụng giá tạm tính đối với các dự án đang triển khai có thể làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút vốn đầu tư vào ngành năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng.
Cho rằng việc hồi tố giá bán điện do EVN-EPTC đưa ra là không phù hợp, các nhà đầu tư đã kiến nghị nếu EVN áp dụng giá tạm tính gây tổn thất cho các dự án và sau đó có quyết định khác từ cơ quan quản lý nhà nước, EVN phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư.