Cần quản lý chặt chẽ các chi phí đầu tư và vận hành hệ thống truyền tải, lưới điện giúp đưa mức giá bán lẻ điện ở ngưỡng thấp nhất để đạt hiệu quả về kinh tế và xã hội, giảm áp lực cho doanh nghiệp.
Mới đây tại Nghị định số 72/2025/NĐ- CP ngày 28/3/2025 Quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, có quy định hằng năm, sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2. Nghị định có quy định trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 2% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN chỉ được tăng giá khi có ý kiến đồng ý từ Bộ Công Thương. Theo đó giá bán lẻ điện được điều chỉnh bình quân 3 tháng/lần, trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh giảm mà EVN không điều chỉnh giảm, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện bình quân.
Giá điện, nỗi lo chung
Trước đó, báo cáo của Công ty Chứng khoán BSC cũng dự báo năm 2025 EVN có thể tăng giá bán lẻ điện bình quân 4 - 8% trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân hiện hành vẫn thấp hơn giá thành sản xuất điện năm 2023 (2.088,90 đồng/kWh) do nguồn cung điện giá rẻ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Báo cáo nêu rõ, giá điện tăng 4,8% năm ngoái làm CPI tăng 0,16% và giá điện tăng tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất cũng như sinh hoạt trong toàn nền kinh tế, do đó sẽ kéo theo mặt bằng giá cả hàng hóa chung tăng lên, làm tăng tốc độ lạm phát.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn GREENFEED Việt Nam cho biết: Việc điều chỉnh tăng giá điện trong thời gian gần đây cũng như thời gian tới luôn đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi sản xuất nông nghiệp và thực phẩm. Với GreenFeed, ba lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ nét nhất gồm sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi trang trại khép kín quy mô công nghiệp và chế biến thực phẩm. Những tác động này diễn ra cả ở cấp độ chi phí vận hành trực tiếp lẫn cấu trúc vận hành dài hạn của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, đại diện một số doanh nghiệp dệt may cho biết, ngành dệt may và các đơn vị sản xuất khác cũng lo sợ giá điện tăng sẽ làm tăng giá thành sản xuất trong bối cảnh hàng hóa xuất khẩu đang chững lại và “nín thở” chờ các động thái tốt hơn từ cuộc đàm phán về hàng rào thuế quan của Hoa Kỳ.
Đề xuất từ chuyên gia
Theo ý kiến các chuyên gia năng lượng thì Luật điện lực hiệu chỉnh mới đã nêu rõ “Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh”. Hiện nay cấp độ thị trường ở ta mới ở bước sơ khai, mới chỉ cạnh tranh một phần ở cấp bán buôn cho một số các nhà máy điện lớn, chưa có ở cấp bán lẻ, tức giá điện bán lẻ cuối cùng chưa được cạnh tranh, vẫn chỉ một mình đơn vị EVN là đơn vị bán lẻ độc quyền. Vì vậy giá điện chưa thể được vận hành theo cơ chế thì trường tự do, tức là chưa thể để các đơn vị bán lẻ tự quyết định giá điện.
Cũng theo các chuyên gia, một thị trường bán lẻ hoàn chỉnh phải có nhiều người bán lẻ cấp cho khách hàng, các khách hàng có quyền thay đổi tự do khi họ không hài lòng với đơn vị cấp điện hiện tại. Do đó cơ chế điều chỉnh giá điện bán lẻ hiện nay của ta cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý các cấp và công khai minh bạch cho người dân và doanh nghiệp được biết. Trong hệ thống điện có 4 khâu thì hai khâu là độc quyền tự nhiên đó là lưới truyền tải và lưới phân phối, còn lại khâu nguồn điện và khâu bán lẻ là có thể cạnh tranh được.
“Vì thế việc điều chỉnh giá điện cũng phải làm rõ chi phí của 4 khâu này và được Nhà nước quản lý chặt chẽ các chi phí đầu tư và vận hành ở khâu độc quyền tự nhiên để các chi phí này phải thấp nhất và hiệu quả nhất. Đặc biệt khâu nguồn và bán lẻ điện phải dần mở cửa rộng hơn để giá điện ở các khâu có thể cạnh tranh dần theo thị trường tự do” – nhóm chuyên gia năng lượng đề xuất.