Hoàng Thành Thăng Long: Hào khí ngàn năm!
Hoàng Thành Thăng Long là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều đại xây dựng trong nhiều giai đoạn. Đây là di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích của Việt Nam.
Ngày 23/11, tại Thềm điện Kính Thiên - Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.
Sự kiện nhằm tôn vinh truyền thống văn hiến, anh hùng của kinh đô Thăng Long - Hà Nội; quảng bá những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản có bề dày hơn nghìn năm lịch sử của dân tộc - di sản vô giá của nhân loại; thiết thực chào mừng 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, thành công Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, 75 năm thành lập UNESCO (1945-2020), 15 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005-23/11/2020).
Di sản vô giá
Vào 20h30 ngày 31/7/2010 theo giờ địa phương tại Brazil (tức 6h30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam), Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới, sau đúng 1.000 năm kể từ khi Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn định đô tại Thăng Long đến nay.
Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận dựa trên ba đặc điểm, chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú, sinh động.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh, năm 2002-2003, cuộc khai quật khảo cổ học lớn được tiến hành tại 18 Hoàng Diệu đã làm xuất lộ một quần thể di tích vô cùng quý giá, minh chứng cho sự hiện hữu và trường tồn của Thăng Long - Hà Nội qua ngàn năm lịch sử.
Từ năm 2004, Bộ Quốc phòng đã từng bước thực hiện bàn giao khu di sản cho thành phố Hà Nội. Tháng 10/2004, Thành cổ Hà Nội lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan. Từ đây những bí ẩn về trục chính tâm của Hoàng thành Thăng Long với dấu tích còn lại dần được hé mở.
Kết quả nghiên cứu bước đầu của các chuyên gia trong nước và quốc tế đã khẳng định, những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử và khoa học của khu di sản, từng bước tiến hành lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vào danh sách Di sản văn hóa thế giới, tiếp tục khẳng định những giá trị văn hóa, truyền thống ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời mở ra những cơ hội trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Một thập kỷ kể từ khi khu di sản được UNESCO vinh danh, công tác bảo tồn giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long của Thủ đô Hà Nội đã và đang được triển khai đồng bộ, bài bản, với sự hỗ trợ của hội đồng tư vấn quy tụ nhiều giáo sư đầu ngành. Các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và bảo tồn di sản được chú trọng triển khai.
Công tác tuyên truyền, quảng bá được tăng cường gắn với đẩy mạnh giáo dục di sản, như hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành cổ tỷ lệ 1/500; triển khai các bước nghiên cứu lập dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo khu di sản; tập trung nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên; lễ hội đèn Quảng Chiếu và các nghi lễ cung đình khác...
“Những kết quả trên là tiền đề, động lực để Trung tâm bước tiếp trên chặng đường bảo tồn và phát triển bền vững di sản", ông Trần Việt Anh nói.
Còn theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Thủ đô Hà Nội là thành phố có bề dày lịch sử, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc. Trải qua bao biến thiên, Thăng Long - Hà Nội vẫn lưu giữ trong mình những di tích lịch sử văn hóa quý giá, những giá trị văn hóa độc đáo, trong đó Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản tiêu biểu, minh chứng cho lịch sử hào hùng và sự trường tồn của Thăng Long - Hà Nội.
Di sản vô giá trong lòng đất đã phát lộ và trở thành tài sản của nhân loại sau đúng 1.000 năm lịch sử như là linh ứng của tổ tiên, và cũng là hào khí ngàn năm còn lưu mãi.
"Nhìn lại hành trình di sản của Hoàng thành Thăng Long, chúng ta càng biết ơn những thế hệ đi trước đã dày công vun đắp nền văn hiến, để lại cho hậu thế một di sản nhân loại hôm nay", Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh bày tỏ.
Vẫn theo Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản văn hóa thế giới, trước hết bởi giá trị nổi bật toàn cầu tự thân của di sản. Sau đó là kết quả của cả quá trình nỗ lực kiên trì, bền bỉ của các bộ, ngành, các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế, những người đã đóng góp tình cảm, trí tuệ, tâm sức và trách nhiệm, sát cánh cùng thành phố trong quá trình bảo vệ di sản, quyết tâm đề cử và đề cử thành công, đúng vào năm Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi.
Diện mạo văn hóa tự hào của Hà Nội
10 năm qua, thực hiện những cam kết của Chính phủ với UNESCO, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
“Từ mở cửa khu di sản, đưa di sản tiếp cận rộng rãi tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ; mở rộng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu khai quật khảo cổ học; xây dựng kế hoạch quản lý và quy hoạch bảo tồn dài hạn... đến đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị, với những bước đi vững chắc và bài bản", Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết.
Thăng Long - Hà Nội không chỉ là kinh đô ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, mà đang không ngừng vươn mình trở thành kinh đô sáng tạo trong tương lai không xa.
Chia sẻ về chặng đường tới của Hà Nôi, theo Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, đổi mới, sáng tạo và hội nhập, nắm bắt cơ hội hợp tác trong nước và quốc tế để bảo tồn và phát huy giá trị di sản lâu dài.
Trong đó chú trọng vào các mục tiêu nhất thể hóa quản lý di tích, di vật theo cam kết với Ủy ban Di sản thế giới; tập trung triển khai các dự án thành phần theo quy hoạch được phê duyệt; hoàn thiện Đề án nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên; đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản cho thế hệ trẻ; tăng cường các hoạt động phát triển du lịch bền vững, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, cùng với các danh hiệu UNESCO khác, đang góp phần tạo nên một diện mạo văn hóa đáng tự hào của Hà Nội, nâng cao hình ảnh quốc tế của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đề xuất thành phố Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung còn lại trong cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO năm 2010; phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức tư nhân, các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu các hình thức kết hợp giữa các danh hiệu của UNESCO để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, vừa mang tính thưởng thức, vừa mang tính giáo dục, góp phần xây dựng, hình thành Hà Nội là một điểm đến văn hóa uy tín của cả nước.
Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, ông Michael Croft, ghi nhận những nỗ lực của thành phố Hà Nội trong thực hiện các cam kết với UNESCO về gìn giữ, phát huy các giá trị di sản tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Di sản Hoàng thành Thăng Long - kho báu của thế giới đã và đang nhận được sự quan tâm xứng đáng với vai trò, vị thế của di sản.
"Hà Nội hôm nay đã trở thành một thành viên trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Chúng tôi kêu gọi Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, các đối tác cùng toàn thể nhân dân nỗ lực hơn nữa trong bảo tồn, quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long, làm giàu thêm các giá trị văn hóa đương đại từ văn hóa truyền thống, tăng cường tương tác, tăng cường tình yêu và sự quan tâm với di sản để Hà Nội ngày càng phát triển", ông Michael Croft nói.
Có thể bạn quan tâm
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Không khoan nhượng với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí
15:05, 22/09/2020
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội
22:31, 18/09/2020
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tuyên dương 88 Thủ khoa xuất sắc
11:00, 07/09/2020
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Trao Huy hiệu Đảng là sự trân trọng với các đảng viên cao niên
17:00, 25/08/2020
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Sẽ tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư Campuchia
23:00, 12/08/2020
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ đạo các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch COVID-19
18:08, 29/07/2020
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19
16:11, 29/07/2020
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng, liệt sĩ
00:00, 27/07/2020