TS Nguyễn Văn Đáng: “Nền kinh tế số không thể thiếu những nhà lãnh đạo và quản lý kỹ trị”

ĐỖ HUYỀN thực hiện 28/01/2021 11:34

Phát triển kinh tế số được xem là chuyển đổi mang tính chiến lược cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Ông Đáng cho biết, tại các văn kiện Đại hội XI, XII, khái niệm kinh tế số chưa được nhắc đến, thay vào đó là khái niệm kinh tế tri thức. Thế nhưng ở các Văn kiện trình Đại hội XIII, kinh tế số đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cả mục tiêu lẫn chiến lược. Từ kinh tế tri trức tới kinh tế số là một bước chuyển đổi mang tính rõ ràng, cụ thể hơn, dễ định lượng và dễ thực hiện, phù hợp với xu thế hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nơi trưng bày sản phẩm 5G của Viettel đầu năm 2000. Ảnh VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nơi trưng bày sản phẩm 5G của Viettel đầu năm 2000. Ảnh VGP

Theo quan điểm của ông Đáng, kinh tế số là nền kinh tế mà các hành vi kinh tế chủ yếu được thực hiện dựa trên nền tảng công nghệ số hóa, đặc biệt quan trọng là internet. Đặc điểm nổi bật nhất của nền kinh tế số là mức độ kết nối và phụ thuộc lẫn nhau giữa con người, tổ chức, dữ liệu, thiết bị máy móc và công nghệ hiện đại.

Trên phạm vi toàn cầu, công nghệ số đã và đang thay đổi hoàn toàn mô hình cấu trúc tổ chức kinh tế, cách thức tương tác giữa cá nhân với cá nhân, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, cũng như các mô thức hành vi tiếp nhận thông tin, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của người dân.

Ông Nguyễn Văn Đáng

Ông Nguyễn Văn Đáng phân tích: phát triển kinh tế số chính là chiến lược có thể giúp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, rút ngắn thời gian tiến đến sự thịnh vượng và hùng cường

- Ông có thể phân tích vì sao các văn kiện Đại hội Đảng XIII lại nhấn mạnh phát triển kinh tế số?

Thứ nhất, là do yếu tố bối cảnh. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, hay còn gọi là cuộc cách mạng 4.0, được đặc trưng bởi sự phổ biến của các nền tảng công nghệ số hóa, internet, và tầm quan trọng của dữ liệu. Những thực tế này sẽ dần thu hẹp sự khác biệt và khoảng cách giữa các điều kiện vật chất, công nghệ, và đặc trưng sinh học của con người. Thứ hai, thực trạng nền kinh tế Việt Nam còn nhiều hạn chế. Sản xuất công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, công nghiệp phụ trợ còn yếu; sản xuất nông nghiệp chưa đa dạng, công nghiệp chế biến còn hạn chế; loại hình dịch vụ chưa đa dạng và chất lượng sản phẩm chưa cao. 

Một nguyên nhân nổi bật dẫn đến thực trạng nêu trên là trình độ công nghệ của nền kinh tế Việt Nam nhìn chung còn thấp. Bởi thế, công nghệ số là phương tiện có thể giúp chúng ta tạo ra sự tiến bộ vượt bậc về sản xuất, kinh doanh. Phát triển kinh tế số chính là chiến lược có thể giúp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, rút ngắn thời gian tiến đến sự thịnh vượng và hùng cường.

- Vậy theo ông, để phát triển kinh tế số, đâu là những điều kiện tiên quyết?

Bên cạnh chủ trương chung, thì đặc biệt cần thiết là những chính sách cụ thể để thúc đẩy, thậm chí tạo sức ép để cá nhân và tổ chức phải đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ vào quản lý, sản xuất, và kinh doanh. Muốn vậy, kinh nghiệm thực tế từ nhiều quốc gia cho thấy chúng ta cũng cần phải có những nhà lãnh đạo và quản lý kỹ trị.

- Ông có thể phân tích chi tiết hơn về quan điểm "nhà lãnh đạo và quản lý kỹ trị", thưa ông?

Đó là những nhà lãnh đạo và quản lý, cả khu vực công và khu vực tư, được lựa chọn dựa trên trình độ, năng lực, và kỹ năng chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó. Đây là những người mà việc ra quyết định chính sách và quản lý luôn dựa trên những dữ liệu và phương pháp khách quan. Nói cách khác thì họ là những người duy lý, không để các yếu tố ý kiến, cảm xúc, hay quan hệ cá nhân chi phối việc ra quyết định.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một yêu cầu quan trọng để phát triển kinh tế số ở Việt Nam_Ảnh: TTXVN

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một yêu cầu quan trọng để phát triển kinh tế số ở Việt Nam_Ảnh: TTXVN

-Vì sao ông lại cho rằng thể chế là yếu tố cần ưu tiên để có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý kỹ trị?

Để lựa chọn được nhân sự kỹ trị, chúng ta cần kết hợp cả hai yếu tố là con người và thể chế. Nếu chúng ta quá đề cao vai trò của người ra quyết định lựa chọn thì rất dễ bị chi phối bởi những yếu tố cảm tính cá nhân hoặc ý kiến của số đông. Điều này dẫn đến sự bấp bênh, nhiều rủi ro của công tác nhân sự. Vì thế, hệ thống thể chế vận hành khách quan, công khai và minh bạch sẽ giúp việc lựa chọn nhân sự được định hình ổn định về tiêu chí và cách thức lựa chọn. Nói cách khác, hệ thống thể chế hoàn chỉnh, vận hành duy lý sẽ khuyến khích và tạo điều kiện vững chắc để những người có tài năng ưu trội, vốn có thể không giỏi về khả năng chiếm cảm tình của số đông người khác, vẫn có thể ứng tuyển vào các vị trí lãnh đạo và quản lý.

Tuy vậy, ngoài sự nhất quán về chủ trương tôn vinh những người tài năng, chúng ta cần thiết kế và từng bước hoàn thiện quy trình thể chế phát hiện, lựa chọn, tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng tiến, và đãi ngộ xứng đáng đối với những người có năng lực chuyên môn nổi trội. Một hệ thống thể chế trọng người tài hoàn chỉnh sẽ bảo đảm chỗ đứng vững chắc cho những người có tài năng chuyên môn trong hệ thống quản trị quốc gia nói chung.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Đại hội XIII: Khắc phục tồn tại, hạn chế của cải cách hành chính cách nào?

    Đại hội XIII: Khắc phục tồn tại, hạn chế của cải cách hành chính cách nào?

    08:47, 28/01/2021

  • Đại hội XIII: Đa dạng hoá các hình thức đối ngoại trong bối cảnh mới

    Đại hội XIII: Đa dạng hoá các hình thức đối ngoại trong bối cảnh mới

    08:28, 28/01/2021

  • Đại hội XIII: Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế

    Đại hội XIII: Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế

    04:32, 28/01/2021

  • Đại hội XIII: Hoàn thiện chính sách xã hội toàn diện, hội nhập, khả thi

    Đại hội XIII: Hoàn thiện chính sách xã hội toàn diện, hội nhập, khả thi

    01:30, 28/01/2021

ĐỖ HUYỀN thực hiện