Vương quốc Anh thúc đẩy gia nhập CPTPP
Sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh đang nộp đơn gia nhập Hiệp định CPTPP nhằm tham gia mạnh mẽ hơn vào mạng lưới thương mại toàn cầu.
Theo công bố mới nhất, Bộ trưởng Thương mại Anh sẽ nói chuyện cùng Nhật và New Zealand trong ngày 1-2 để chính thức đề nghị gia nhập Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các vòng đàm phán sẽ được tiến hành trong năm 2021. Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cho biết, việc tham gia CPTPP sẽ tạo cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Anh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ của chúng tôi với một số thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Đồng thời, London tuyên bố gia nhập CPTPP sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan về thực phẩm, xe hơi, đồng thời hỗ trợ lĩnh vực công nghệ và dịch vụ của Anh phát triển, cũng như mang lại việc làm chất lượng và thịnh vượng hơn cho người dân.
Nếu đàm phán thành công, Anh sẽ là quốc gia đầu tiên trong CPTPP không giáp Biển Đông hoặc Thái Bình Dương. Có thể thấy, việc thúc đẩy gia nhập CPTPP là cơ hội tốt để quốc gia này củng cố mối quan hệ và vị thế tại Châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang nhanh chóng trở thành khu vực quan trọng nhất trên thế giới.
Mặt khác, các chuyên gia đánh giá, việc tham gia CPTPP sẽ giúp Anh trở thành “một phần của 12 quốc gia mạnh và đối tác thương mại quan trọng ở khu vực Thái Bình Dương. Điều này giúp Anh có thêm lợi thế cân bằng với Trung Quốc trong khi vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Trung Quốc có tầm quan trọng hàng đầu đối với Anh, nhưng London hiện đang thiếu một chiến lược chặt chẽ để đối phó với quốc gia này.
Cụ thể, như David Warren, cựu Đại sứ Anh tại Nhật Bản phân tích, chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Anh không lấy Trung Quốc làm trung tâm. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã bộc lộ các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng và nhấn mạnh sự cấp thiết trong việc đa dạng hóa các đối tác thương mại. Trong thời gian vừa qua, Anh đã nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác với một số nước châu Á để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc kinh doanh, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Mặt khác, thông qua mối quan hệ đối tác thương mại, Anh có thể tiến đến mục tiêu mở rộng quan hệ với các quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trên nhiều lĩnh vực như quốc phòng an ninh. Hầu hết các quốc gia thuộc khu vực này đều nằm trên các vùng biển chiến lược. Với kinh nghiệm của mình, Vương quốc Anh có thể thông qua các hành động tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia xây dựng, đào tạo nâng cao năng lực an ninh biển để duy trì sự hiện diện lâu dài trong khu vực.
Ngoài ra, Anh có thể trở thành một đối tác hiệu quả trong vấn đề xây dựng mạng lưới hợp tác chống lại các thách thức khác như tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, an ninh mạng và biến đổi khí hậu để phát triển sự tham gia tích cực và chiến lược hơn trên toàn châu Á.
Mặc dù vậy, các chuyên gia đánh giá, việc Anh tham gia CPTPP sẽ mất nhiều thời gian. Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Emily Thornberry cho biết, đảng Lao động sẽ xem xét kỹ lưỡng tất cả các hiệp định thương mại và kêu gọi chính phủ tham khảo ý kiến của công chúng. Bà cho rằng, lợi thế của việc tham gia CPTPP sẽ phải được đánh giá toàn diện khi xem xét các điều khoản được đưa ra.
Mặt khác, Sue Davies, người đứng đầu chính sách bảo vệ người tiêu dùng và thực phẩm tại Which? cho rằng chính phủ Anh phải đảm bảo việc tham gia CPTPP sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Anh và không làm giảm các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thực phẩm.
“Cũng như các vấn đề nông nghiệp khiến các cuộc đàm phán thương mại của Anh với chính quyền Trump trở nên tồi tệ, các quy tắc về tiêu chuẩn thực phẩm của Anh cũng có thể làm phức tạp các cuộc đàm phán CPTPP với các nước như Australia và New Zealand”, bà đánh giá.
Tuy nhiên, về mặt chính sách thương mại, việc Anh tham gia một nhóm các quốc gia cùng chí hướng là bước đi có lợi, đặc biệt là khi nền kinh tế Anh đang chịu khủng hoảng sau một thời gian đài đối phó với dịch COVID-19. Trong khi EU, Mỹ và Trung Quốc vẫn đang chi phối thương mại toàn cầu, CPTPP được đánh giá sẽ tạo nên nhiều đột phá trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm