Nhật Bản "chật vật" vượt bão COVID-19

CẨM ANH 05/02/2021 05:00

Nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang chịu những tổn thất nặng nề do làn sóng dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Lệnh phong tỏa

Việc chính phủ Nhật Bản tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp đang đặt nhiều doanh nghiệp nước này trước nguy cơ phá sản

Theo khảo sát của công ty Tokyo Shoko Research thực hiện và công bố ngày 2/2, trong gần 1 năm qua, gần 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản phải tuyên bố phá sản. Phần lớn là các công ty hoạt động trong lĩnh vực như: dịch vụ ăn uống, may mặc, xây dựng, khách sạn. Chủ yếu các doanh nghiệp này nằm tại Tokyo, Osaka...

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang trong tình trạng hết sức khó khăn và chỉ có thể duy trì hoạt động thông qua gói hỗ trợ vốn của chính phủ. Dự báo, nếu Chính phủ Nhật Bản quyết định kéo dài thời hạn ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 9 thành phố khác trên toàn quốc đến ngày 7/3/2021, số vụ phá sản trong thời gian tới sẽ có thể tiếp tục tăng.

Chihuahuahi Miyazaki, chuyên gia kinh tế tại Mitsubishi UFJ Morgan Securities nhận định, đợt tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10/2019 đã xóa sạch những thành quả từ kỷ nguyên “Abenomics” - chính sách hỗ trợ tăng trưởng được đưa ra bởi chính phủ nước này, làm nền tảng cơ bản của kinh tế Nhật Bản trở nên không vững chắc và khó chống chịu trước những biến động lớn như dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, tiêu dùng hộ gia đình giảm là lý do cùng với việc hoãn tổ chức Thế vận hội Olympic đã gây thiệt hại trực tiếp lên nền kinh tế và cho các công ty như Bridgestone, vốn đã rót khoảng 3 tỷ USD vào tài trợ.

Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nhật Bản đã đầu tư nhiều vào các dự án nhằm phục vụ Thế vận hội. Rất nhiều tiền được Nhật Bản bỏ ra để cải tạo hệ thống giao thông, xây dựng địa điểm thi đấu và thu hút khách du lịch. Chính quyền địa phương dự đoán có khoảng 90 triệu khách du lịch sẽ đến Nhật Bản trong thời gian diễn ra Olympic.

Như phân tích trên tờ Nikkei Review, Jun Saito, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản chỉ ra, các công ty và chính phủ đã chi khoảng 32-41 tỷ USD cho việc xây dựng các địa điểm thi đấu và bổ sung nơi lưu trú cho các khách sạn.

“Các du khách đến trong thời gian diễn ra Thế vận hội sẽ tạo ra cú hích cho nền kinh tế khi họ sẵn sàng trả tiền thuê phòng cao hơn bình thường. Nhưng sau đó dịch bệnh COVID-19 xảy ra và Thế vận hội bắt buộc phải dời lịch. Đó chính là lý do vì sao hầu hết các doanh nghiệp phá sản đều nằm trong nhóm ngành dịch vụ - khách sạn”, chuyên gia này phân tích.

Dịch COVID-19 đang một lần nữa “cuốn trôi” hy vọng hồi phục kinh tế của Nhật Bản.

Dịch COVID-19 đang một lần nữa “cuốn trôi” hy vọng hồi phục kinh tế của Nhật Bản.

Hiện tại, các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đang đặt các quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản vào tình trạng bắt buộc áp dụng các biện pháp phong tỏa một lần nữa.

Mặc dù bằng những biện pháp phòng dịch kịp thời, hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Nhật Bản vẫn chưa bị quá tải. Đồng thời, khi vaccine ngừa COVID-19 được nhanh chóng đưa vào triển khai rộng rãi, dịch bệnh sẽ được khống chế, các hoạt động dịch vụ như giải trí, vận tải và du lịch sẽ là được hưởng lợi đáng kể khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo, các nhà đầu tư nên tránh xa cổ phiếu của các công ty có liên quan tới các cơ sở kinh doanh ăn uống và giao thông ít nhất cho đến khi tình trạng khẩn cấp kết thúc.

Trước mắt, để cứu trợ các doanh nghiệp khỏi tình trạng phá sản, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ tăng khoản tiền hỗ trợ một lần đối với các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho cửa hàng ăn uống đáp ứng các yêu cầu của chính phủ về việc rút ngắn thời gian kinh doanh.

Mức hỗ trợ tối đa dự kiến sẽ rơi vào 1,8 triệu Yen/cửa hàng. Đối với các doanh nghiệp quy mô trung bình, vừa, nhỏ có giao dịch cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các cửa hàng ăn, Chính phủ Nhật Bản sẽ nâng mức hỗ trợ một lần cho các doanh nghiệp này từ mức tối đa 400.000 Yen lên mức 600.000 Yen.

Đối với hộ kinh doanh cá nhân, khoản tiền hỗ trợ cũng được nâng từ mức tối đa 200.000 Yen lên mức 300.000 Yen.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc tái ban bố tình trạng khẩn cấp, nhiều khả năng Chính phủ Nhật Bản cần phải tiếp tục gia hạn các chương trình hỗ trợ và tung ra nhiều biện pháp khác để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, với hy vọng nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh sau khi khống chế được dịch COVID-19. 

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc chiến công hàm ở Biển Đông: Nhật Bản phản đối lập trường ngang ngược của Trung Quốc

    Cuộc chiến công hàm ở Biển Đông: Nhật Bản phản đối lập trường ngang ngược của Trung Quốc

    02:02, 21/01/2021

  • Apple không còn 'mặn mà' với linh kiện Nhật Bản?

    Apple không còn 'mặn mà' với linh kiện Nhật Bản?

    17:26, 18/01/2021

  • Nhật Bản thông qua ngân sách kỷ lục cho năm 2021

    Nhật Bản thông qua ngân sách kỷ lục cho năm 2021

    11:00, 21/12/2020

  • Đồ cũ Nhật Bản “lên ngôi” trong đại dịch COVID-19

    Đồ cũ Nhật Bản “lên ngôi” trong đại dịch COVID-19

    00:18, 15/12/2020

CẨM ANH