Chuyên gia WHO: Có thể nghiên cứu hang dơi để tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2
Theo chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cần phải vào hang dơi để điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
Reuter trích lời nhà động vật học Peter Daszak, thành viên nhóm chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang điều tra nguồn gốc virus corona ở Vũ Hán, rằng đoàn công tác đã tiếp nhận một thông tin mới về cách virus bùng phát thành đại dịch.
Mặc dù không nói cụ thể về thông tin đã nhận được nhưng chuyên gia này cho biết nên đến các hang dơi để tiếp tục điều tra. Đồng thời, ông cũng cho rằng không có bằng chứng việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.
“Việc tìm ra các nguồn bệnh tiềm tàng từ dơi là rất quan trọng, vì nếu bạn có thể phát hiện gốc rễ của những virus chết người, bạn sẽ hạn chế tiếp xúc với loài động vật đó. Chính vì vậy, nghiên cứu từ động vật hoang dã cũng cần được thực hiện nếu muốn tìm ra nguồn gốc chính xác của COVID-19", ông Daszak chia sẻ.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu của WHO đang đẩy mạnh điều tra về virus gây COVID-19 tại Trung Quốc. Giới truyền thông đưa tin, có rất nhiều luồng thông tin được nhóm nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng. Có khả năng, chủng virus SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện từ lâu trước khi nó được xác định lần đầu tiên ở Vũ Hán.
Việc nghiên cứu nguồn gốc virus SARS-CoV-2 tại các hang dơi đã được nhiều chuyên gia dịch tễ trên thế giới đưa ra. Trước đó, phòng thí nghiệm tại Phnom Penh, Campuchia đã phát hiện họ hàng gần của SARS-CoV-2 trong mẫu vật dơi móng ngựa lưu trữ ở tủ đông từ năm 2010.
Hai virus tìm thấy trong mẫu vật này có độ tương đồng lên tới 92,6% với SARS-CoV-2. Phát hiện này làm gia tăng nghi ngờ virus gây COVID-19 có thể bắt nguồn từ dơi trước khi truyền trực tiếp qua sang người hoặc qua vật trung gian.
Các nhà khoa học từ Đại học Sorbonne và Viện Pasteur Pháp cùng Đại học California, Davis, Mỹ nhận định, châu Á là khu vực rất quan trọng để cân nhắc trong quá trình tìm kiếm nguồn gốc của SARS-CoV-2. Nhiều nghiên cứu cũng cung cấp dữ liệu cho thấy Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc là điểm nóng của họ virus corona.
Trong đó, loài dơi, chủ yếu là dơi móng ngựa, được các chuyên gia đánh giá thường đóng vai trò là vật chủ tự nhiên cho họ virus corona – chủng virus nổi tiếng về cách dễ dàng đột biến và có thể truyền từ loài này sang loài khác.
Tiến sĩ Charles Chiu, chuyên gia về gen virus tại Đại học California-San Francisco, nhận định, “nhóm virus corona đã tồn tại trong các cá thể dơi qua nhiều thập kỷ và có lẽ đã xuất hiện từ hơn 40 năm trước. Đó chính là lí do vì sao mẫu dơi móng ngựa được tìm thấy tại phòng thí nghiệm tại Campuchia có mẫu gjen tương đồng với virus SARS-CoV-2”.
Bên cạnh dơi, một loài động vật hoang dã khác cũng đang được các nhà khoa học xếp vào danh sách vật chủ chứa virus là tê tê. Các ý kiến khác bao gồm cầy hương hoặc chồn sương hoặc thậm chí có cả mèo.
Mặc dù vẫn còn nhiều dấu hỏi lớn cần giải đáp đằng sau nguồn gốc của chủng virus SARS-CoV-2, tuy nhiên, Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO phân tích, việc tìm hiểu khởi nguồn của chủng virus này là điều cần được tiến hành nhanh chóng.
“Việc hiểu được nguồn gốc và quá trình lây nhiễm của SARS-CoV-2 có thể cung cấp thông tin chi tiết về mối quan hệ giữa con người và vật chủ mang virus dẫn đến đại dịch như các đợt bùng phát dịch bệnh khác, bao gồm Ebola, Zika và nhiều chủng cúm khác. Những thông tin này cung cấp phương thức để thế giới có thể đối phó tốt hơn với COVID-19 và các đại dịch khác trong tương lai”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, các chuyên gia tiếp tục đưa ra khuyến cáo, thị trường động vật hoang dã và việc tiêu thụ động vật hoang dã tiếp tục tiềm ẩn những mối nguy hiểm.
Thế giới cần phản ứng nhanh hơn với các loại virus mới như SARS-CoV-2. Chính vì vậy, xây dựng một hệ thống y tế công cộng minh bạch và hiệu quả trên khắp thế giới là điều cần thiết để phát hiện và ngăn chặn các đợt bùng phát như COVID-19.
Có thể bạn quan tâm