Nhân viên mắc COVID-19, sân bay Tân Sơn Nhất có bị phong tỏa?
14h ngày 6/2, Bộ Y tế tổ chức họp khẩn với lãnh đạo UBND TP.HCM và tỉnh Bình Dương liên quan ca dương tính với SARS-CoV-2 vừa được ghi nhận là nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, ca bệnh cộng đồng xuất hiện ở 12 tỉnh, thành phố, chủ yếu từ Hải Dương, Quảng Ninh và Bộ Y tế đã chỉ đạo tích cực rà soát cộng đồng.
Trong quá trình xét nghiệm sàng lọc tại sân bay Tân Sơn Nhất, đã phát hiện và nghi ngờ ca nhiễm Covid-19. Hiện Viện Pasteur đã xét nghiệm và đang chờ kết quả khẳng định. Đây là ca bệnh liên quan đến nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất; người này cư trú ở Bình Dương. Với tinh thần chống dịch, nên phải rất khẩn trương.
Cơ bản nhất là phải phát hiện sớm, đưa đi cách ly và khoanh vùng sớm để ca bệnh không lây lan cộng đồng.
Liên quan ca nghi mắc COVID-19 là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết ông đã chỉ đạo Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm lại để khẳng định nhân viên này dương tính với SARS-CoV-2 hay không.
Người này là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất nhưng địa chỉ cư trú tại tỉnh Bình Dương. Bộ Y tế quyết định làm việc với đại diện lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu TP.HCM và Bình Dương báo cáo quá trình truy vết và dự kiến các hành động tiếp theo để khoanh vùng và xử lý ca bệnh này.
"Quan điểm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 là tất cả vùng dịch phải được khoanh vùng thần tốc. Đến nay, các tỉnh có dịch chúng ta đã khoanh vùng sớm, rất tốt. Tuy nhiên, trường hợp này còn liên quan sân bay Tân Sơn Nhất nên có nhiều đặc điểm rất khác. Điều này đặt ra giải pháp truy vết, chống dịch tại sân bay thế nào để khoanh vùng dịch sớm nhất. Giả sử Tân Sơn Nhất phong tỏa toàn bộ thì rất khó khăn", ông Tuyên nhận định.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng chúng ta phải xác định đây là ổ dịch tại TP.HCM. Lãnh đạo cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất cần chịu trách nhiệm phối hợp TP.HCM để kiểm soát, xử lý dịch theo chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đặt vấn đề, sân bay Tân Sơn Nhất cần lấy khoảng 7.000 mẫu xét nghiệm nhưng đến nay chỉ lấy 5.900 mẫu. "Đây là vấn đề cần xem xét, phải lấy mẫu tất cả nhân viên sân bay và thường xuyên làm việc này" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, sân bay Tân Sơn Nhất khác sân bay Vân Đồn. “Sân bay Vân Đồn đóng cửa thì được, chứ sân bay Tân Sơn Nhất mà đóng cửa thì như thế nào, di chuyển đi đâu? Vấn đề kiểm soát phòng chống dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất thế nào?. Không phong toả toàn sân bay nhưng phải rà soát, tiêu độc khử trùng. Nếu cần thiết thì khoanh vùng trong diện hẹp” - ông Tuyên đưa ra nhận định.
Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh TPHCM, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu ngành y tế TPHCM và Bình Dương phải truy vết thật nhanh, tổ chức xét nghiệm thật nhanh F1, F2 của bệnh nhân này. Phải làm việc với bệnh nhân và yêu cầu ca bệnh phải khai báo.
"Đã điều tra, truy vết được F1 thì 100% phải đưa đi cách ly tập trung, không trường hợp nào ở nhà. Phát hiện ra F2 thì phải cách ly tại nhà, điều kiện cách ly tại nhà phải đúng quy định của Bộ Y tế" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
Về vấn đề cách ly tại nhà, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên giao cho ngành y tế đến kiểm tra từng hộ gia đình có đủ điều kiện cách ly tại nhà. Nếu không có phòng riêng phải bố trí giường cách những người khác trong gia đình từ 2m trở lên. Người cách ly phải ăn riêng, uống riêng, không được tiếp xúc với người nhà.
Nếu không đủ tất cả điều kiện trên phải đi cách ly tập trung. Nếu người cách ly ở nhà phải ký cam kết, nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ được đưa đi cách ly tập trung.
Khi cách ly tập trung, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu ngành y tế cách ly F1 riêng, F2 riêng, không được để lây chéo trong khu cách ly.
Đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam cũng thông tin, thời gian qua đơn vị này đã phối hợp và thực hiện vai trò điều phối chuyến bay quốc tế đúng theo quy trình, phân luồng, kiểm soát chặt lối đi riêng. Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TP.HCM phối hợp điều phối việc này.
Liên quan trường hợp dương tính làm việc tại sân bay, lãnh đạo cảng hàng không đã tổ chức họp ngay trong đêm để truy vết, khoanh vùng, yêu cầu khử khuẩn toàn bộ sân bay.
Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chất vấn sân bay Tân Sơn Nhất cần đóng cửa không? Trả lời thứ trưởng, vị đại diện cho biết cơ quan không nghĩ đến việc đóng cửa. Bởi đơn vị này đã phối hợp Sở Y tế TP.HCM chủ động rà soát, không xảy ra bất cứ sai sót nào. Ca bệnh này chỉ là xét nghiệm sàng lọc. Đến nay, các hoạt động khác liên quan phòng, chống dịch không có bất kỳ sự cố nào tại sân bay.
Về khu vực phong tỏa, Cảng vụ hàng không miền Nam đánh giá quyết định này chưa cần thiết. Cũng theo HCDC, nhiều ngày qua bệnh nhân không làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất (ngày 2-5/2) và khu vực này đã được khử khuẩn toàn bộ.
Chiều 6.2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết: Trường hợp mắc COVID-19 là nhân viên xếp hành lý, điều phối hàng trên máy bay, không tiếp xúc hành khách, có địa chỉ tại Bình Dương. Nhân viên này nghỉ làm việc từ ngày 2 đến 4.2, ngày 5.2 lên sân bay lấy mẫu xét nghiệm rồi về. Ngay sau khi nhận được thông tin, HCDC đã chuyển người này đi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 những người sống chung. Bước đầu xác định có 46 người tiếp xúc tại TPHCM và 2 người tiếp xúc tại nhà (Bình Dương). Bên cạnh đó, HCDC tiến hành điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp tiếp xúc, xử lý môi trường theo quy định tại nơi người này làm việc và nơi ở tại một chung cư ở Bình Dương. HCDC nhận định, nhân viên này làm việc tại vị trí không tiếp xúc với hành khách, cũng đã nghỉ làm trong những ngày gần đây nên đã giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong sân bay. |
Có thể bạn quan tâm
Quốc hội Mỹ hợp lực cứu nền kinh tế vượt khỏi khủng hoảng COVID-19
14:07, 06/02/2021
Tỉnh Bình Dương có thêm một ca mắc COVID-19
12:59, 06/02/2021
Hạ Long lấy hơn 8000 mẫu xét nghiệm COVID-19 trong cộng đồng
12:37, 06/02/2021
Hải Phòng: Phát hiện xe chở người trốn chốt kiểm dịch COVID-19
08:43, 06/02/2021
Châu Âu cảnh giác với vắc xin COVID-19 của Trung Quốc!
07:00, 06/02/2021