"Nâng tầm ảnh hưởng" bằng vắc xin COVID-19

CẨM ANH 19/02/2021 06:30

Hiện tại, nhiều quốc gia đang chạy đua trong việc sản xuất vắc xin COVID-19 để củng cố tầm ảnh hưởng, trong đó Nga và Trung Quốc là hai cái tên nổi bật nhất.

Vắc xin Sputnik V của Nga

Vắc xin Sputnik V của Nga

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các chủng biến thể của virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, “cơn khát” vắc xin đã nhanh chóng trở thành “miếng bánh” màu mỡ để các quốc gia lớn cạnh tranh; đồng thời trở thành công cụ để gia tăng tầm ảnh hưởng.

Trong khi Mỹ đang loay hoay giải quyết bài toán đại dịch trong nước, Nga đã tiếp cận cuộc đua vắc xin nhiều như Liên Xô cũ tiếp cận cuộc đua vào không gian bằng cách đi trước và đánh cược về kết quả.

Mặc dù vắc xin Sputnik V đã được triển khai mà chưa có dữ liệu đầy đủ. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực sau cuộc thử nghiệm mới đây nhất đã giúp Sputnik V trở thành một thành công của khoa học Nga khi đem lại hiệu quả vượt trội, ngang tầm với các loại vắc xin của châu Âu và Mỹ sản xuất.

Cùng với việc chính quyền Nga sẵn sàng chia sẻ dữ liệu và giá thành vắc xin rẻ hơn, Nga đang phần nào cải thiện được hình ảnh trong con mắt nhiều quốc gia thuộc châu Âu và củng cố tầm ảnh hưởng tại Mỹ La tinh.

Tương tự như Nga, Trung Quốc đã tích cực tham gia vào việc cung cấp vắc xin và các thiết bị y tế cho nhiều quốc gia trên thế giới ngay từ đầu mùa dịch. Trung Quốc đã xuất khẩu số lượng lớn vắc xin chủ yếu cho các nước đang phát triển.

Bắc Kinh đã ký hợp đồng cung cấp hoặc tặng vắc xin COVID-19 với hơn 30 quốc gia. Chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Sinovac đã ký thỏa thuận bán 50 triệu liều; đồng thời, hứa tặng 1 triệu liều cho Campuchia và 500.000 liều cho Philippines.

Một số nhà phân tích chỉ ra, Nga và Trung Quốc muốn sử dụng vắc xin để thể hiện mình là những nhà lãnh đạo uy tin tín và cởi mở để mở rộng tầm ảnh hưởng cũng trong một trật tự thế giới mới hậu COVID-19. Cả hai nước đều hy vọng rằng sự tiếp cận thông qua vắc xin cũng sẽ mang lại một số thiện chí và ảnh hưởng chính trị.

Với trường hợp của Nga, việc cung cấp vắc xin đã phục vụ cho cả hai mục tiêu ở khu vực Mỹ Latinh là chính trị - nhằm cạnh tranh với tầm ảnh hưởng vượt trội của Mỹ ở Tây bán cầu, và thương mại – nhằm mở rộng thị trường cho các công ty Nga trong tương lai.

Victor Ingrassia ,một nhà báo mảng khoa học ở Buenos Aires cho biết, nhiều chuyên gia tại Argentina cảm thấy rằng việc chính phủ lựa chọn Sputnik V do quan hệ mật thiết giữa chính phủ và Điện Kremlin hơn là vì tính hiệu quả của nó.

“Tuy nhiên, sau khi The Lancet ủng hộ Sputnik V, sự dè dặt của các bác sĩ Argentina về vắc xin hầu hết đã biến mất. Và mối quan hệ giữa chính phủ hai nước cũng càng thêm chặt chẽ”. Được biết, Phó tổng thống Argentina Cristina Kirchner đã đăng trên Twitter cá nhân chúc mừng kết quả thử nghiệm của Sputnik V.

Vắc xin CoronaVac do của Hãng dược Sinovac, Trung Quốc sản xuất

Vắc xin CoronaVac do của Hãng dược Sinovac, Trung Quốc sản xuất

Trong khi đó, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận thương mại với Ai Cập, ủng hộ Iran chống lại Mỹ về các lệnh trừng phạt, và hứa sẽ viện trợ cho Syria. Sami Nader, chuyên gia về khu vực châu Á nhận định, mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập ngày càng mở rộng khi sự tham gia của Trung Quốc tại khu vực Trung Đông đã tăng lên đáng kể trong 10 năm qua.

Mặt khác, tại cuộc trao đổi với CNBC, nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Eurasia Group, Allison Sherlock nói rằng, Bắc Kinh hy vọng rằng vắc xin sẽ giúp sửa chữa các mối quan hệ căng thẳng với Indonesia, Philippines và cải thiện danh tiếng vốn đã xấu đi trong giai đoạn đầu của đại dịch.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho cả Nga và Trung Quốc khi hiệu quả của cả hai loại vắc xin vẫn được đặt dấu hỏi. Trong khi vắc xin Sputnik V vẫn cần được thử nghiệm thêm tại các khu vực khác nhau để đo lường tính hiệu quả, vắc xin CoronaVac cho nhiều kết quả khác nhau trong các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ở các quốc gia làm dấy lên lo ngại và chỉ trích về tính minh bạch của dữ liệu.

Có một điểm đáng chú ý, cuộc chạy đua vắc xin không chỉ trở thành một lĩnh vực mới cho sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Nga, mà cũng mở ra chương mới trong mối quan hệ đối tác Moscow-Bắc Kinh. Ngoài những nỗ lực riêng, Nga và Trung Quốc đang khám phá khía cạnh hợp tác phát triển vắc xin COVID-19 cũng như trao đổi kết quả nghiên cứu và dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng.

Ngay từ đầu, Moscow và Bắc Kinh đã có mối liên hệ chặt chẽ trong việc phát triển vắc xin. Vào tháng 8/2020, cả hai nước đã đồng ý thành lập một phòng thí nghiệm chung để nghiên cứu COVID-19. Sự hợp tác này có vai trò rất quan trọng để có thể đưa thế giới vượt qua nhiều đại dịch khác trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

  • 204.000 liều vắc xin COVID-19 đầu tiên dự kiến về Việt Nam vào ngày 28/2

    204.000 liều vắc xin COVID-19 đầu tiên dự kiến về Việt Nam vào ngày 28/2

    06:47, 18/02/2021

  • Vắc xin chống COVID-19 đang gặp khó trước biến chủng SARS-CoV-2?

    Vắc xin chống COVID-19 đang gặp khó trước biến chủng SARS-CoV-2?

    05:30, 09/02/2021

  • Xem xét ưu tiên cho Quảng Ninh được tổ chức mua vắc xin sớm nhất

    Xem xét ưu tiên cho Quảng Ninh được tổ chức mua vắc xin sớm nhất

    23:08, 07/02/2021

  • Châu Âu cảnh giác với vắc xin COVID-19 của Trung Quốc!

    Châu Âu cảnh giác với vắc xin COVID-19 của Trung Quốc!

    07:00, 06/02/2021

CẨM ANH