Bác bỏ thông tin nguồn gốc virus gây COVID-19 lây lan qua thực phẩm
Vừa qua, các cơ quan an toàn thực phẩm Mỹ bác giả thuyết được Trung Quốc ủng hộ rằng virus gây COVID-19 có thể lây lan qua thực phẩm và bao bì thực phẩm.
Cụ thể, trong tuyên bố chung của Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cùng Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã khẳng định, không có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy thực phẩm hay bao bì thực phẩm có khả năng lây truyền virus SARS-CoV-2.
"Sau khi xem xét hơn 100 triệu trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, chúng tôi không thấy bằng chứng dịch tễ học cho thấy thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm là nguồn lây truyền virus người", lãnh đạo USDA và FDA khẳng định.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cùng Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng thông báo trong hướng dẫn cho người dân rằng không có bằng chứng cho thấy mọi người có thể nhiễm COVID-19 từ thực phẩm.
Có thể thấy, sau khi các chuyên gia thuộc WHO kết thúc chuyến điều tra tại Vũ Hán, Trung Quốc mà chưa có bất cứ câu trả lời rõ ràng nào đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh thúc đẩy các giả thuyết khác nhau về nguồn gốc virus gây COVID-19. Trong đó, có ý kiến cho rằng chủng virus này đã lây lan ở nhiều quốc gia khác trước khi xâm nhập vào Vũ Hán qua chuỗi cung ứng thực phẩm đông lạnh.
Ngay lập tức, các nhà khoa học trên nhiều quốc gia đã lên tiếng cho rằng, nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm là cực kỳ thấp. Theo bài viết trên Live Science, chủng virus này chủ yếu lây lan từ người sang người dưới dạng các giọt bắn từ miệng và mũi thông qua việc tiếp xúc trực tiếp.
Tiến sĩ Janet Woodcock, Quyền Ủy viên Thực phẩm và Thuốc thuộc FDA đã viết, “Điều đặc biệt quan trọng cần lưu ý là COVID-19 là bệnh đường hô hấp lây từ người này sang người khác, không giống như virus gây các bệnh về đường tiêu hóa do thực phẩm như norovirus và viêm gan A thường khiến người ta bị bệnh do thực phẩm bị ô nhiễm".
Đồng quan điểm, nhà vi sinh vật học Emanuel Goldman thuộc Trường Y Rutgers New Jersey nói với NPR cũng nhận định, Trung Quốc chưa có bất kỳ báo cáo nào nghi ngờ người tiêu dùng của quốc gia này bị nhiễm COVID-19 qua con đường này.
Chuyên gia này cũng chỉ ra, tại chợ bán buôn nông sản Tân Phát Địa có quy mô nhà kho lớn, thực phẩm đông lạnh được xếp trong các pallet lớn, có khả năng giữ lạnh lâu hơn so với cửa hàng tạp hóa. Do đó, về mặt lý thuyết, cái lạnh dai dẳng có thể giúp bảo tồn virus và phần nào làm tăng nguy cơ lây truyền cho các công nhân nhà kho.
“Nhưng ngay cả trong những trường hợp này, nguy cơ lây truyền từ thực phẩm đông lạnh vẫn sẽ rất ít do số lượng virus tồn tại trong thực phẩm hoặc gói thực phẩm là cô cùng nhỏ. Trường hợp này hiếm đến mức các nhà khoa học đã bỏ qua ngay lập tức khi xác định nguồn gốc của virus gây COVID-19”, ông cho biết.
Bổ sung thêm ý kiến của chuyên gia Goldman, bà Lawrence Young tại Đại học Warwick, Vương quốc Anh, người chuyên nghiên cứu virus học ở người nói thêm, SARS-CoV-2 thuộc chủng virus có vỏ bọc chứa protein, có nghĩa chúng được bao phủ bởi một lớp màng lipid kép mà nó sử dụng để lây nhiễm vào các tế bào của con người.
Lớp màng này rất dễ bị ảnh hưởng bởi các chu kỳ đóng băng và rã đông, như trong quá trình vận chuyển và bán thực phẩm đông lạnh. Bị tước bỏ lớp vỏ này, virus sẽ không thể lây nhiễm sang người.
Nghiên cứu của chuyên gia Jie Han và Zue Zhang đến từ Đại học Giao thông Tây An và các đồng nghiệp của họ về bằng chứng lây lan chủng virus Corona qua thực phẩm đã kết luận rằng, thiếu nhiều dữ liệu về sự tồn tại lâu dài của SARS-CoV-2 trong điều kiện nhiệt độ đóng băng (-10 ° C đến -20 ° C) trong quá trình bảo quản và vận chuyển thực phẩm đông lạnh.
Trước đó, nhóm nghiên cứu đã đưa virus vào các khối thịt lợn, gà và cá hồi, và không tìm thấy sự suy giảm tải lượng virus sau 21 ngày trong phòng thí nghiệm ở nhiệt độ làm lạnh 4 ° C hoặc ở nhiệt độ đông lạnh tiêu chuẩn là -20 ° C.
Tuy nhiên, thí nghiệm không làm rõ liệu số lượng virus có lây được sang người hay không; đồng thời các thông số thử nghiệm có thể không phản ánh lượng virus cần có trong thế giới thực hoặc điều kiện trong chuỗi cung ứng để có thể lây được sang người.
Như Rodney Rohde tại Đại học bang Texas đã nói, mặc dù virus được tìm thấy trên bao bì, nhưng điều đó không có nghĩa là nó đang ở trạng thái tồn tại và có thể lây nhiễm sang con người. “Chúng ta cần phải nhớ rằng, virus đều có thể được tìm thấy trên tất cả các loại bề mặt, kể cả bề mặt đông lạnh của vật liệu lây truyền. Do đó, mọi người phải rửa tay sạch và đảm bảo yếu tố vệ sinh tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm”.
Có thể bạn quan tâm
Đã có loại khẩu trang diệt được virus corona
06:09, 15/02/2021
Nóng: Chủng virus lây COVID-19 ở Tân Sơn Nhất lần đầu xuất hiện ở Đông Nam Á
18:19, 12/02/2021
Nhiều hoài nghi xung quanh kết quả điều tra nguồn gốc virus gây COVID-19
06:10, 11/02/2021
Vẫn “tù mù” về nguồn gốc virus SARS-CoV-2
02:10, 10/02/2021