Trung Quốc và tham vọng bá chủ nhìn từ chiến lược ngoại giao vaccine
Trung Quốc đang trên đà mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế khi nước này nỗ lực để vươn lên chiếm vị trí hàng đầu trong việc xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19.
Trong bối cảnh thế giới thiếu trầm trọng vaccine ngừa COVID-19, việc Trung Quốc sẵn sàng cung cấp vaccine, đặc biệt là tới các nước thu nhập thấp và trung bình, đang giúp Bắc Kinh đạt được một loại quyền lực mềm mới có thể dễ dàng chuyển thành ảnh hưởng toàn cầu. Ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đàm phán xong hợp đồng mua vaccine của Trung Quốc.
Đây chính là những bước đi ban đầu trong chiến lược hậu COVID-19 của Trung Quốc. Bên cạnh việc sẵn sàng cung cấp vaccine theo đơn đặt hàng, Bắc Kinh cũng đang ủng hộ ý tưởng về hộ chiếu vaccine - như một điều kiện tiên quyết để mở lại các hoạt động du lịch quốc tế.
Trong khi Trung Quốc nỗ lực tận dụng vaccine nước này sản xuất nhằm tăng cường sức lôi kéo các quốc gia mới nổi và đang phát triển (cho đến nay nước này đã tặng liều cho 37 quốc gia, hầu hết trong số các quốc gia này nằm trong chiến lược BRI), thì các quốc gia giàu có khác lại bận tâm đến việc làm thế nào để đảm bảo đủ vaccine để tiêm cho công dân của họ.
Theo thông tin từ Airfinity - một công ty của Anh chuyên cung cấp thông tin tình báo khoa học đời sống, Trung Quốc đã xuất khẩu 115 triệu liều vào cuối tháng 3, trong khi đó Ấn Độ đã xuất khẩu 63 triệu liều, hầu hết trong số đó là các lọ vaccine AstraZeneca mà quốc gia này gia công theo đơn đặt hàng. Về sản lượng, Trung Quốc đã sản xuất 230 triệu liều, nhiều hơn nhiều so với những gì các công ty Mỹ, châu Âu hay Ấn Độ đã sản xuất.
Theo Giám đốc điều hành Airfinity – ông Rasmus Bech Hansen, Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào nghiên cứu vaccine ngay sau khi đại dịch xuất hiện. Trung Quốc cũng là quốc gia đi đầu trong việc mở rộng nguồn cung các nguyên liệu cần thiết trong quá trình sản xuất vaccine.
Một yếu tố khác giúp Trung Quốc vươn lên chiếm lĩnh thị trường vaccine COVID-19 xuất phát chính từ sự “tranh giành” giữa các quốc gia giàu có để đảm bảo vaccine cho người dân của họ. Theo nghiên cứu của Đại học Duke (Hoa Kỳ), Vương quốc Anh và các quốc gia phát triển khác đã ký hợp đồng với các hãng dược phẩm nhằm tăng gấp đôi số lượng vaccine của mỗi nước.
Chẳng hạn, EU đã đảm bảo đủ số lượng vaccine để tiêm cho hơn 1 tỷ người dân của Khối và chiếm hơn 20% tổng số liều vaccine đã được ký hợp đồng. Tình hình này đã dẫn đến việc nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc và Nga.
Trong một diễn biến khác, mới đây Ấn Độ đã ghi nhận một mức tăng kỷ lục về số ca nhiễm mới (103.558 ca/ngày), do đó quốc gia Nam Á này đã quyết định tạm dừng xuất khẩu vaccine AstraZeneca do nước này sản xuất để đảm bảo nguồn cung vaccine cho dân số của mình. Động thái mới này của Ấn Độ đã buộc Nepal - quốc gia láng giềng phải chuyển hướng, chấp nhận 800.000 liều từ Trung Quốc.
Bắc Kinh không giấu giếm ý định sử dụng vaccine như một quân bài ngoại giao. Chẳng hạn mới đây, Guyana – một quốc gia ở Nam Mỹ đã đột ngột hủy bỏ thỏa thuận với Đài Loan ngay sau khi Trung Quốc đề nghị tặng vaccine cho nước này.
Mặc dù vậy, Matthew Mingey - nhà phân tích cấp cao của nhóm Chính sách & Vĩ mô Trung Quốc của Tập đoàn Rhodium Group, cảnh báo rằng việc dựa vào lượng lớn vaccine của Trung Quốc không phải là không có rủi ro.
Trung Quốc đã vận động để được công nhận giấy chứng nhận sức khỏe, gần đây đã khởi động chương trình hộ chiếu vaccine. Nước này cũng đã bắt đầu cấp Giấy chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế và công bố kế hoạch đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc cho những công dân nước ngoài đã được tiêm vaccine của Trung Quốc.
Một số quốc gia khác cũng đã triển khai các chương trình chứng nhận vaccine hoặc có kế hoạch triển khai các chương trình như vậy nhằm cho phép người dân khôi phục lại cuộc sống gần như bình thường, giúp phục hồi nền kinh tế.
Mặc dù vậy, hộ chiếu vaccine vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Giấy chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế của Trung Quốc sẽ chỉ ưu tiên cho người nước ngoài nhập cảnh nếu họ đã được tiêm vaccine của Trung Quốc. Thế nhưng vaccine của Trung Quốc lại chưa được chấp thuận ở hầu hết các quốc gia công nghiệp.
Trong những nỗ lực nhằm vươn lên giành vị trí hàng đầu trong cuộc chiến chống COVID-19, mới đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang đàm phán với các quốc gia để cùng nhau công nhận các loại chứng nhận sức khoẻ này. Nếu hộ chiếu vaccine dựa trên mũi tiêm của Trung Quốc được sử dụng rộng rãi, Trung Quốc sẽ đạt được lợi thế trong ngành du lịch toàn cầu và các doanh nghiệp của họ có thể dễ dàng dẫn đầu các cuộc giao thương quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam hoàn thành thủ tục tiếp nhận vaccine COVID-19
09:38, 17/02/2021
Vaccine COVID-19 đầu tiên được cấp phép lưu hành ở Việt Nam có gì đặc biệt?
14:40, 30/01/2021
Vaccine covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam
08:17, 30/01/2021
TÂM ĐIỂM TUẦN TỪ 28/12/2020-3/1/2021: “Tác dụng phụ” của vaccine COVID-19
05:00, 03/01/2021