Châu Âu khuyến cáo liệt kê chứng đông máu là tác dụng phụ của vắc xin Johnson & Johnson
Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) cho rằng đông máu lên được liệt kê là tác dụng phụ "rất hiếm gặp" của vắc xin chống COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J).
Mặc dù hiện tượng đông máu và lượng tiểu cầu thấp sau khi tiêm vắc xin chỉ là tác dụng phụ “rất hiếm”, tuy nhiên các quan chức thuộc EMA nhận định rằng, các bác sĩ và bệnh nhân phải nhận thức được các dấu hiệu để có thể phát hiện bất kỳ hiện tượng nào.
Cụ thể, những người đã tiêm vắc xin J&J trong ba tuần cần liên hệ với bác sĩ nếu có triệu chứng đau đầu dữ dội, đau bụng, đau chân hoặc khó thở. Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia cho biết, nếu nhận thấy những biểu hiện này ở những người trẻ, đặc biệt là phụ nữ, các bác sĩ và nhân viên y tế nên hỏi họ liệu có tiêm vắc xin COVID-19 gần đây không.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm, nếu xuất hiện các cơn đau đầu nhẹ, triệu chứng giống cúm vài ngày sau tiêm thì đây là phản ứng phổ biến, vô hại do hệ miễn dịch sản sinh chất bảo vệ chống Covid-19. Cùng với đó, việc xuất hiện triệu chứng đông máu sau một hoặc hai tháng tiêm chủng không liên quan đến vắc xin do các triệu chứng có biểu hiện khá sớm, từ 6 đến 13 ngày sau tiêm.
Mặc dù vậy, các chuyên gia của EMA cho rằng, vẫn nên sử dụng vắc xin Johnson & Johnson vì lợi ích đem lại lớn hơn nhiều khi tỷ lệ mắc chứng đông máu hiếm gặp là vô cùng nhỏ, đặc biệt là với những khu vực đang thiếu vắc xin như Mỹ La tinh và châu Phi, và những nước vẫn đang bùng dịch trên diện rộng như Mỹ, Đức…
Được biết, tỷ lệ đông máu sau tiêm của vắc xin J&J là một trên một triệu người, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ đông máu trung bình một năm tại Mỹ. Đây được cho là con số cực kỳ thấp, trong khi nguy cơ nhiễm COVID-19 ở Mỹ cao hơn rất nhiều. Mặt khác, một số trường hợp đông máu sau tiêm chủng chỉ xảy ra ngẫu nhiên, không liên quan đến vắc xin.
Trước đó, cơ quan này đã phải yêu cầu tạm dừng tiêm vắc xin của J&J vài ngày để xem xét các trường hợp đông máu và để phổ biến thông tin cho các bệnh viện và trung tâm y tế về cách chẩn đoán và điều trị tình trạng đông máu.
Vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng J&J sử dụng cùng công nghệ vector virus với vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Chính vì vậy, EMA cũng xem các trường hợp đông máu sau khi tiêm vắc xin của Hãng AstraZeneca là tác dụng phụ rất hiếm gặp.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hiện tượng cục máu đông liên quan đến vắc xin J&J đang xảy ra ở các bộ phận bất thường của cơ thể, chẳng hạn như các tĩnh mạch dẫn máu từ não. Những bệnh nhân bị sự cố này cũng có lượng tiểu cầu trong máu thấp bất thường, một tình trạng thường liên quan đến chảy máu, không đông máu.
Trong trường hợp của vắc xin AstraZeneca, các nhà khoa học ở Na Uy và Đức đã gợi ý rằng một số người đang gặp phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch, hình thành các kháng thể tấn công tiểu cầu của chính họ.
Eleanor Riley, Giáo sư về miễn dịch học và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh (Anh) cho biết: “Có nhiều ý kiến của các chuyên gia tại châu Âu nghi ngờ rằng những trường hợp hiếm gặp bị cục máu đông này có thể được kích hoạt bởi thành phần adenovirus có trong vắc xin AstraZeneca và J&J”.
Cho đến nay, tỷ lệ đông máu sau tiêm vắc xin chống COVID-19 của một số hãng dược khác như Pfizer là 0,2 trên một triệu người, của Moderna là 0. Các cơ quan y tế hầu như không phát hiện các trường hợp tương tự ở người đã tiêm hai loại vaccine trên. Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân có triệu chứng giảm tiểu cầu.
Tuy nhiên, bà Eleanor cũng nhấn mạnh, việc nghiên cứu về các tác dụng phụ hiếm gặp này cần thêm dữ liệu tại các khu vực khác, cũng như của các loại vắc xin khác đang lưu hành trên thị trường để có những dữ liệu đầy đủ hơn nhằm phục vụ cho việc điều chỉnh lại vắc xin trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Vắc xin chống COVID-19 của Johnson&Johnson bị ngừng sử dụng
14:33, 14/04/2021
Giải mã nguyên nhân vắc xin AstraZeneca gây chứng đông máu hiếm gặp
14:16, 12/04/2021
Vắc xin AstraZeneca gây chứng đông máu hiếm gặp: Vẫn còn nhiều tranh cãi
06:15, 09/04/2021
Vắc xin COVID-19: Thách thức khá lớn về hạn sử dụng
02:00, 07/04/2021