Các chuyên gia dịch tế tại châu Âu đã tìm ra nguyên nhân gây tình trạng đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca.
Kết quả được công bố trên Tạp chí Y học New England mới đây nêu rõ, một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca tạo ra kháng thể bất thường gây cục máu đông. Cụ thể, theo tiến sĩ Andreas Greinacher, tác giả nghiên cứu, một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp khiến hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể bất thường, phản ứng ngược lại với vắc xin.
Khi tiêm chủng, các kháng thể đó dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu huyết khối, gây ra cả đông máu và chảy máu bất thường. Các nhà khoa học đề nghị đặt tên cho tình trạng này là "giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vắc xin" (VITT).
“Đây là "tin tốt" đối với phần đông dân số khi hầu hết mọi người không có đặc điểm sinh học bất thường. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể dự đoán ai có khả năng phát triển loại kháng thể này", ông đánh giá.
Trước đó nhà khoa học Đức đã tiến hành phân tích dữ liệu 11 bệnh nhân, gồm 9 phụ nữ, tuổi từ 22 đến 49. Khoảng 5 đến 16 ngày sau tiêm vắc xin, họ xuất hiện triệu chứng huyết khối tĩnh mạch não, một số người có cục máu đông trong phổi, bụng hoặc khu vực khác. 6 trong 11 người này đã tử vong, một người chết do xuất huyết não.
Tương tự, các nghiên cứu của nhóm chuyên gia đến từ Na Uy cũng cho thấy triệu chứng ban đầu của họ là đau đầu dữ dội. Giống với các bệnh nhân Đức, họ đều có lượng kháng thể bất thường kích hoạt tiêu cầu.
Hiện tại, nhiều nước đang xem xét thay đổi kế hoạch tiêm chủng với vắc xin AstraZeneca. Sau khi xem xét các tác dụng phụ, Cơ quan Thuốc Châu Âu (EMA) khuyến cáo rằng những người dưới 30 tuổi nên được sử dụng các loại vắc xin khác nếu có sẵn.
Trước mắt, cơ quan y tế của Mexico và Brazil cho biết sẽ vẫn không hạn chế sử dụng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca với bất cứ độ tuổi nào mặc dù cũng sẽ tham vấn lại ý kiến của các chuyên gia trong nước. Thụy Điển, Phần Lan sử dụng vắc xin của AstraZeneca cho người từ 65 tuổi trở lên. Hà Lan, Đức dùng cho người từ 60 tuổi trở lên.
Quyền quyết định có tiếp tục sử dụng vắc xin của AstraZeneca hay không và ai không nên tiêm vắc xin này tùy thuộc vào từng chính phủ. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, các bác sĩ cũng nên cảnh báo cho bệnh nhân về nguy cơ và theo dõi các trường hợp tiêm chủng để nhanh chóng điiều trị cho các trường hợp xuất hiện dấu hiệu đông máu.
Bên cạnh đó, các triệu chứng như mắt mờ, đau đầu, khó thở, có các đốm máu nhỏ dưới da ngoài vùng tiêm, đau ngực hoặc sưng bất thường ở tay và chân khoảng năm ngày sau khi tiêm chủng cũng cần được lưu ý.
Các bác sĩ có thể kiểm tra nhanh về sự hiện diện bất thường của các kháng thể, sau đó kê đơn và sử dụng các phương pháp điều trị làm loãng máu. Tiến sĩ Theodore Warkentin, giáo sư bệnh học và y học phân tử tại Đại học McMaster cho biết hai bệnh nhân trong nghiên cứu của ông cũng được điều trị thành công bằng globulin miễn dịch để giúp giảm tình trạng kết tụ của các tế bào miễn dịch với tiểu cầu.
Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn đang thu thập và chia sẻ thêm dữ liệu về tỷ lệ mắc tình trạng đông máu này ở các quốc gia chưa được tiêm chủng. Nhận thức về mối liên hệ có thể có giữa tiêm chủng và hội chứng đông máu một cách đúng đắn sẽ làm giảm thiểu tỷ lệ tử vong, cũng như hạn chế phát sinh những lo ngại không đáng có về các loại vắc-xin chống virus Corona khác.
Có thể bạn quan tâm
Vắc xin AstraZeneca gây chứng đông máu hiếm gặp: Vẫn còn nhiều tranh cãi
06:15, 09/04/2021
Tin xấu đến với AstraZeneca, cổ phiếu lập tức giảm 3%
05:55, 24/03/2021
[infographic] Những đối tượng nào không nên tiêm vắc-xin AstraZeneca?
10:14, 19/03/2021
Tiếp tục "nóng" cuộc chiến giữa EU - AstraZeneca
05:30, 19/03/2021