Vì sao Canada trở thành điểm đến yêu thích của lao động nước ngoài?

CẨM ANH 01/05/2021 00:29

Mới đây, kết quả khảo sát trên quy mô toàn cầu với sự tham gia của 208.807 người tại 190 quốc gia cho thấy Canada là điểm đến mong muốn nhất đối với lao động quốc tế.

Canada vượt Mỹ trở thành điểm đến yêu thích của lao động nước ngoài

Canada vượt Mỹ trở thành điểm đến yêu thích của lao động nước ngoài

Cụ thể, cuộc khảo sát do Boston Consulting Group, The Network và Appcast thực hiện đã cho thấy, tỷ lệ người lao động quốc tế muốn tới Canada chiếm 24% số người được hỏi, trong khi đó, chỉ có 20% muốn đến Mỹ hoặc Australia.

Canada cũng là điểm đến ưa thích của những người nhập cư từ Mỹ Latinh và Caribe, Trung Đông và Bắc Phi,... Hồi tháng 10/2020, Ottawa thông báo mục tiêu 'kết nạp' thêm 1,2 triệu thường trú nhân mới trong ba năm tới, bao gồm 401.000 người trong năm 2021. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy đại dịch đã tác động tiêu cực đến dòng người nhập cư vào Canada.

Theo các chuyên gia nhận định, trong những thập kỷ gần đây, Canada không phải là một quốc gia có thu nhập cao trong khối các quốc gia phát triển, tuy nhiên, một trong những lý do giúp Canada trở nên hấp dẫn hơn là do vai trò của lao động nhập cư đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia này trong nhiều thế kỷ qua thường được chính phủ cũng như các nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Allison Bailey, đối tác cấp cao và giám đốc điều hành tại Boston Consulting Group đánh giá, trên khắp thế giới, có sự khác biệt đáng kể trong thái độ và chính sách đối với nhập cư, đi kèm với những hậu quả kinh tế rõ ràng. Cụ thể, ông cho biết, Nhật Bản, quốc gia có dân số già nhanh nhất trong số các nước công nghiệp lớn. Tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của nước này dự kiến sẽ tăng từ 22% vào năm 2010 lên hơn 30% vào năm 2030. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn chưa đưa ra các chính sách tích cực để thu hút lao động nhập cư.

Mặc dù một số biện pháp kiểm soát đối với lao động nước ngoài đã được nới lỏng, nhưng tiềm năng tăng trưởng kinh tế cơ bản của Nhật Bản đang bị xói mòn do hiện tượng già hóa dân và bởi lực lượng lao động ngày càng thu hẹp. Tương tự, có rất nhiều quốc gia ở châu Âu hiện đang chịu tác động tiêu cực do thiếu nguồn nhân lực lao động trong khi vẫn duy trì các biện pháp hạn chế người nhập cư.

Trong khi đó, Canada, cùng với Úc và Mỹ, những nước có xu hướng người lớn tuổi về hưu khá cao, các chính phủ đã tích cực xây dựng các chính sách thu hút nhập cư như một cách thức để xây dựng lực lượng lao động để phục vụ cho việc phát triển nền kinh tế về lâu dài.

“Canada đang rất nỗ lực để tiếp cận và chào đón những người nhập cư. Họ đã mở rộng số lượng thị thực cho lao động có tay nghề cao trong khi Mỹ đã tìm cách ngăn chặn nguồn lao động này, đặc biệt là trong bốn năm dưới thời Tổng thống Trump”, ông Bailey cho biết.

Bên cạnh đó, việc Canada và Australia xử lý đại dịch Covid-19 tốt hơn cũng là một trong những yếu tố thu hút người lao động. Cả hai quốc gia này cũng được coi là có hệ thống phúc lợi xã hội tốt hơn và có nền văn hóa cởi mở hơn so với Mỹ.

Không giống như các nhà tuyển dụng Hoa Kỳ, các nhà tuyển dụng Canada có những nỗ lực đáng kể để duy trì đội ngũ lao động lành nghề của họ, bất chấp môi trường kinh tế chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19. Đặc biệt, khi nhu cầu về nhân lực ngày càng cao nên lao động tại Canada sẽ được hưởng những lợi ích đáng kể, đặc biệt là các phúc lợi xã hội như chăm sóc sức khỏe.

Các nhân viên sân bay kiểm tra người nhập cảnh vào Canada tại sân bay

Các nhân viên sân bay kiểm tra người nhập cảnh vào Canada tại sân bay Quốc tế Vancouver

Mặc dù vậy, trên thực tế, ít người quan tâm đến việc rời khỏi đất nước của họ để tới các nước khác làm việc. Điều này đã phản ánh một số yếu tố mới đã thâm nhập vào nhận thức của lực lượng lao động trên thế giới. Đặc biệt, đã có sự toàn cầu hóa trong nhu cầu của người lao động khi không chỉ có các nước phương Tây mới là điểm đến hấp dẫn.

Đáng chú ý, 57% người được hỏi cho biết họ quan tâm đến công việc cho phép làm trực tuyến xuyên biên giới. Dự báo, đây sẽ xu hướng lao động toàn cầu trong tương lai khi tạo cơ hội để các công ty xây dựng đội ngũ nhân tài mới và gia tăng sự đa dạng mà không phải lo lắng về chi phí tái định cư hoặc thị thực. Đối với người lao động, đó là một lựa chọn để cải thiện sự nghiệp của họ mà không phải chấp nhận rủi ro khi chuyển sang một quốc gia mới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần phải đối mặt với một số thách thức trong việc cung cấp việc làmtrực tuyến, bao gồm xử lý sự phức tạp về quy định, điều chỉnh giờ làm việc phù hợp theo các múi giờ, điều chỉnh chính sách tiền lương, bảo vệ dữ liệu và đảm bảo nhân viên làm việc từ xa vẫn hòa nhập vào văn hóa doanh nghiệp. 

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Khát “nhân lực” logistics

    Hải Phòng: Khát “nhân lực” logistics

    23:44, 30/04/2021

  • Tăng năng suất lao động - dư địa để kinh tế Việt Nam

    Tăng năng suất lao động - dư địa để kinh tế Việt Nam "cất cánh"

    13:00, 28/04/2021

  • Tăng trưởng năng suất lao động của khối FDI chững lại

    Tăng trưởng năng suất lao động của khối FDI chững lại

    09:53, 28/04/2021

  • TRỰC TIẾP: Hội thảo năng suất lao động ở Việt Nam - Nguồn gốc và thách thức cho tăng trưởng

    TRỰC TIẾP: Hội thảo năng suất lao động ở Việt Nam - Nguồn gốc và thách thức cho tăng trưởng

    08:27, 28/04/2021

CẨM ANH