Năng suất lao động khu vực chế biến chế tạo và FDI không tăng theo thời gian mà “kẹt” lại trong suốt 20 năm từ năm 2000 đến nay, không có sự tăng trưởng vượt bậc.
PGS TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) cho biết, trong ba thập niên đổi mới và hội nhập Việt Nam (1990-2020)tương ứng có ba giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 từ năm 1991-1995 tăng trưởng năng suất tăng vọt, một sự cởi trói cho hoạt động của doanh nghiệp. Năng suất tăng trưởng bình quân 5,7%. Sau đó có sự chững lại ở giai đoạn 2 từ năm 1996-2012, tương ứng mức tăng năng suất 4,0%. Giai đoạn 3 từ năm 2013-2019 là giai đoạn tăng trưởng năng suất phục hồi mức trung bình 5,5%.
Chia sẻ về nghiên cứu đánh giá năng suất lao động theo ngành, PGS TS Nguyễn Đức Thành cho biết: “Có điểm đặc biệt, năng suất tuyệt đối của khu vực chế biến chế tạo-cốt lõi của khu vực công nghiệp lại không tăng theo thời gian mà lại “kẹt” lại trong suốt 20 năm từ năm 2000 đến nay. Không có sự tăng trưởng vượt bậc. Đây là vấn đề chúng tôi lo lắng, là bất thường bởi chúng ta thường kỳ vọng FDI có hiệu quả cao và cạnh tranh, thâm dụng vốn và công nghệ”.
Cùng với đó, tăng trưởng năng suất của khu vực FDI cũng chững lại tương ứng với khu vực chế biến chế tạo. Trong khi đó, tăng trưởng năng suất lao động của khu vực tư nhân vẫn đều đặn.
Trong giai đoạn COVID-19, năng suất lao động khu vực nhà nước có cải thiện và hiệu quả rõ. Lý giải điều này, PGS TS Nguyễn Đức Thành cho biết, các doanh nghiệp khu vực nhà nước có thâm dụng vốn cao, nguyên tắc khi lượng vốn lớn thì năng suất lao động cao. Điều này có nghĩa, chúng ta phải xem xét năng suất vốn của khu vực nhà nước cao có nên hay không? Đặc biệt khi mà các lĩnh vực của khu vực nhà nước đều là lĩnh vực độc quyền.
“Năng suất cao ở khu vực nhà nước mang hàm ý nhiều đặc thù nằm ở trong khu vực này, chứ không hàm ý năng suất tăng trưởng tốt trong khu vực này”, ông Thành nhấn mạnh.
Lý giải về việc tăng trưởng năng suất lao động khu vực chế biến chế tạo và FDI chững lại, ông Thành cho biết, trước năm 2000, FDI thâm dụng vốn và công nghệ chiếm đa số (khai thác mỏ, năng lượng, xe máy, ô tô, khuôn đúc,...). Sau đó, FDI quy mô lớn, thâm dụng lao động, định hướng xuất khẩu chiếm ưu thế (may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử,...). Các hoạt động này có giá trị gia tăng trong nước thấp và năng suất lao động thấp.
Ông Thành phân tích, vấn đề là chính phủ đã thất bại trong việc nâng cấp ngành/khu vực này theo hướng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao hơn—không giống như chiến lược Manufacturing++ của Malaysia (trong thập niên 1990) hoặc chính sách FDI mới của Thái Lan (2015).
“Các doanh nghiệp FDI cũng coi Việt Nam là nơi diễn ra các công việc đơn giản và không có lý do gì để điều chỉnh chiến lược này. Thất bại chính sách và thái độ như vậy của các doanh nghiệp FDI là hai mặt của cùng một vấn đề”, PGS TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Nếu tiền lương tiếp tục tăng, FDI sẽ không nâng cấp mà chỉ đơn giản là rời khỏi Việt Nam - một tình huống “bẫy thu nhập trung bình” điển hình. Cùng với đó, thu hút FDI không tự động củng cố các doanh nghiệp trong nước hoặc kích hoạt sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước chủ nhà trước tiên phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết.
“Điều này có nghĩa chiến lược các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam là họ lựa chọn việc sử dụng lao động giá rẻ với các quy trình giải đơn, cho thấy Việt Nam vẫn nằm ở phần trũng, giá trị thấp”, ông Thành nhấn mạnh.
Với những phát hiện của nghiên cứu về khu vực chế biến chế tạo, FDI và tăng trưởng năng suất dựa trên tăng trưởng kinh tế, ông Thành đặc biệt bày tỏ lo lắng và đề xuất cần có một phong trào tăng trưởng năng suất một cách cương quyết. “Cần phải đưa những nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động của VCCI lên mức cao hơn ở tầm lãnh đoạ Đảng nhà nước”, ông Thành nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
08:27, 28/04/2021
11:00, 07/04/2021
04:00, 07/04/2021