Cần sự hợp tác giữa các địa phương để cùng chống dịch COVID-19

NGUYỄN VIỆT 25/07/2021 20:32

“Theo thông tin tôi biết, trong lúc này, nhiều doanh nghiệp vận tải đang có xe ách tắc trên nhiều tuyến đường quốc lộ sau khi nhiều địa phương thực hiện siết chặt giải pháp chống dịch".

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Thái Bình) bày tỏ tại Quốc hội trong phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp cho 6 tháng cuối năm, trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, chiều 25/7.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu

Đại biểu Phan Đức Hiếu

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, trong bối cảnh dịch bệnh ở các địa phương khác nhau, các biện pháp cũng khác nhau, trong hoàn cảnh nào đó áp dụng biện pháp là cần thiết, nhưng nếu sự khác biệt trong phòng chống dịch sẽ dẫn tới ùn tắc lưu thông hàng hóa và con người.

“Vấn đề là khó khăn này không phải do COVID-19, mà do sự phối hợp, hợp tác chưa tốt giữa các địa phương trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh”, đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Do đó, đại biểu Phan Đức Hiều kiến nghị các địa phương cần sự hợp tác, phối hợp để giảm bớt sự khác biệt không cần thiết này. Cụ thể, phải theo nguyên tắc công nhận lẫn nhau, kết quả xét nghiệm được một địa phương thừa nhận thì địa phương khác cũng phải thừa nhận để giúp giảm tắc nghẽn trong việc cung ứng, vận chuyển hàng hóa, cũng như sự di chuyển chính đáng của người dân.

Bình luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, thời gian qua nhiều địa phương đã có những cách làm rất sáng tạo, khoa học trên cơ sở nắm chắc tình hình và đánh giá chính xác nguy cơ xâm nhập lây lan của dịch đã đưa ra những biện pháp phù hợp, từ đó hạn chế tối đa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân. Có những địa phương còn áp dụng những biện pháp đón đầu dịch như tăng cường xét nghiệm ngẫu nhiên và từ đó đã không để mất thời điểm vàng trong chống dịch.

Tuy nhiên, cũng xuất hiện văn bản của một số địa phương gây tranh cãi, áp dụng những biện pháp thái quá gây khó khăn cho người dân, người lao động và doanh nghiệp. Ví như có địa phương không cho xe chở nông sản thông quan mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch.

đại biểu Nguyễn Thị Thủy

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy

“Nhiều doanh nghiệp phản ánh xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng gần giao hàng thì xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định…”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu thực tế và ví cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả; vấn đề đặt ra là làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế.

Đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo vấn đề trên, đặc biệt là tại công điện ngày 5/6 của Thủ tướng cũng đã nêu rõ một số nơi áp dụng biện pháp cứng nhắc, cực đoan gây nguy cơ làm gãy chuỗi cung ứng sản xuất quy mô lớn; đồng thời Thủ tướng cũng đã giao trực tiếp cho từng Bộ trưởng phải rà soát và xử lý ngay tình hình này.

Mặc dù vẫn còn có những khác biệt trong áp dụng biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương, nhưng đại biệt Phan Đức Hiếu cũng nhấn mạnh tới nỗ lực và sự hợp tác của doanh nghiệp, người dân với chính quyền để thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Do đó, sự phối hợp giữa địa phương với địa phương, địa phương với doanh nghiệp và người dân cũng cần phải thực hiện trên cơ sở minh bạch và cung cấp kịp thời thông tin chính thống.

Đơn cử, trên phần mềm đăng ký tiêm chủng có thể mở rộng thêm các ứng dụng để cập nhật thông tin về biện pháp chống dịch cho người dân của Trung ương và toàn bộ các địa phương, cho phép nhận phản hồi, góp ý của người dân; tra cứu thông tin cần thiết, cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ…

“Người dân, doanh nghiệp có thông tin kịp thời sẽ tăng niềm tin cho người dân. Nhưng đây cũng là kênh thu thập sáng kiến hay; xử lý kịp thời vấn đề phát sinh. Việc này cũng sẽ giúp phòng chống tin xấu, tin giả trong chống dịch”, đại biểu Phan Đức Hiếu đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu

    Sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu

    14:04, 25/07/2021

  • Khống chế dịch COVID-19: “Nấn ná” một ngày, thiệt hại tăng theo cấp số nhân

    Khống chế dịch COVID-19: “Nấn ná” một ngày, thiệt hại tăng theo cấp số nhân

    12:45, 25/07/2021

NGUYỄN VIỆT