Hải Phòng: Cơ hội lớn, triển vọng trong tương lai
Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị là bệ phóng vững chắc để Hải Phòng có cơ hội lớn cất cánh về một triển vọng vươn xa.
Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW (NQ45) về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Có thể nói đây là dấu ấn vô cùng quan trọng, mở ra trang mới cho công cuộc phát triển của Hải Phòng, sau lộ trình 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX trước đó.
Trước đó, trong một chuyến thăm và làm việc tại Hải Phòng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “Hải Phòng đã phát huy truyền thống tiên phong cách mạng, sáng tạo, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, chủ động triển khai bài bản các chương trình, kế hoạch trong lãnh đạo chỉ đạo, đổi mới phương thức, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm… Đây là những kết quả bước đầu cực kỳ quan trọng, tạo đà cho triển vọng phát triển trong tương lai”.
Từ lý luận đến thực tiễn, Đảng bộ, Chính quyền thành phố đã tập trung phát huy toàn diện tiềm năng lợi thế, tính sáng tạo quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, sự chủ động nhạy bén, lựa chọn đúng trọng tâm trọng điểm của Thành ủy và các cấp ủy cơ sở, là điều kiện tiên quyết đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đây cũng chính là tiền đề hết sức quan trọng để Hải Phòng nhìn nhận đúng thực trạng, từ những bài học thành công và chưa thành công trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 32, để tự tin hơn trên lộ trình tiếp diễn.
Ở một góc độ khác, nhìn lại các đợt tổng kết 10 năm và 15 năm thực hiện Nghị quyết 32, vẫn xuất hiện một số ý kiến xem như Nghị quyết 32 là “của riêng” Hải Phòng, cho thấy quá trình xác định cơ chế, mối quan hệ liên kết còn chưa thực sự hiệu quả. Và hạn chế đó cũng đã được Bộ Chính trị nêu rõ tại Nghị quyết 45: “Cơ chế, chính sách cho phát triển Hải Phòng chậm được ban hành và còn nhiều bất cập...”.
Còn nhớ vào năm 2013, trong quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 32, một trong những kiến nghị quan trọng của thành phố là các nội dung liên quan đến cơ chế đặc thù, thể chế hóa vai trò của Hải Phòng trong vùng duyên hải Bắc Bộ. Kết quả sau đó, một loạt những nút thắt đã được tháo gỡ, dẫn chứng đáng kể nhất là Nghị định 89/2017/NĐ-CP của Chính phủ, quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng. Tạo cơ hội rộng mở để Hải Phòng không chỉ giải quyết hàng loạt vấn đề nội tại, mà còn chủ động hơn trong hoạch định chính sách phát triển với những mục tiêu mang tính đột phá.
Có lẽ chính vì thực tiễn đó, nên tại Nghị quyết 45 lần này, Bộ Chính trị đã thể hiện quan điểm rõ nét hơn về phát triển Hải Phòng, với định hướng rất cụ thể và xúc tích. Đó là: “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế. Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước”. Một lần nữa cho thấy Bộ Chính trị đã nhấn mạnh những thành tựu của Hải Phòng trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 32, để từ nền tảng vị thế đã được khẳng định, thực sự bước lên vai trò “động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước”.
Tương tự như vậy, cũng dựa trên những kết quả thực tiễn của 15 năm thực hiện Nghị quyết 32 nói riêng và cả quá trình đổi mới phát triển nói chung, Nghị quyết 45 cũng đề cập một cách hết sức tinh tế khi định hướng cho Hải Phòng. Đó là cần “Chú ý giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa phát triển nhanh và bền vững; giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo”. Cần phải thấy rằng, trong suốt hơn 30 năm đổi mới, Hải Phòng cũng như cả nước có nhiều điểm phát triển “nóng”, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, hậu quả để lại cũng rất đáng lưu tâm, gây ảnh hưởng lâu dài đến nhiều lĩnh vực và việc khắc phục cũng không dễ dàng trong một sớm một chiều. Điều này cho thấy, Trung ương đã phân tích sâu những thành quả, thực trạng cũng như hạn chế của Hải Phòng cho đến thời điểm này.
Trước đó, trong buổi làm việc giữa Bộ Chính trị với Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng về tổng kết Nghị quyết 32, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý: “Hải Phòng không say sưa với những kết quả đã đạt được. Thành tựu rất đáng tự hào, đáng mừng, nhưng so với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết (NQ32-PV), cũng có điểm chưa đạt được như mong muốn, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế…”
Đánh giá về Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, ông Lê Văn Thành – Phó Thủ tướng Chính phủ (nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng) đã khẳng định: Đây là cơ hội lớn, rõ nét, mở rộng cánh cửa để Hải Phòng phát triển đột phá trong lương lai gần, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện cũng cần hết sức công phu, chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, quyết liệt, kiên định và phải thiết thực. Nói cách khác, chúng ta không thể đưa Nghị quyết vào cuộc sống với một hình thức khuôn sáo, mà phải thể chế hóa bằng cả nội dung và hành động, cả trí tuệ và nhiệt huyết, bám sát thực tiễn theo quan điểm “ta đang ở đâu và sẽ đi về đâu?”. Bởi kinh nghiệm cũng đã rõ, sự mơ hồ, ảo tưởng hay tính hình thức đại khái không thể đem lại kết quả như mong muốn. Mà phương châm “nói đi đôi với làm” phải được thực hiện thường xuyên, đây cũng chính là nguyên nhân chủ đạo để Hải Phòng đạt được những thành tựu vượt bậc trong những năm gần đây.
Thực tế đã cho thấy, từ Nghị quyết 32 cho đến Nghị quyết 45 vừa được ban hành, đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, giúp Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân Hải Phòng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về vị trí vai trò và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của chính Hải Phòng và của cả nước. Kinh nghiệm cũng cho thấy, tính nhất quán được thể hiện trong nhận thức, kiên định trong hành động, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển đã được xác lập sẽ giữ vai trò mấu chốt trong phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên Hải Phòng triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hải Phòng và Đại hội Đảng các cấp, cũng là thể chế hóa những mục tiêu chiến lược được định hướng trong Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đối với từng lĩnh vực công việc cụ thể, thành phố Hải Phòng sẽ kiên quyết và sát sao trong chỉ đạo, điều hành để bảo đảm các dự án, công trình trọng điểm được triển khai đúng tiến độ, chất lượng. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, ưu tiên cơ cấu lại các ngành sản xuất chủ lực theo hướng bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và xem đây là động lực để tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong giai đoạn tới.
Cơ hội lớn đã mở, nếu phương pháp tiếp cận đúng, tin tưởng rằng Hải Phòng sẽ gặt hái được nhiều kết quả, hoàn thành mục tiêu như Nghị quyết 45 đề ra: “Trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước… ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á…”.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Cấp thiết nhà ở cho công nhân
05:00, 26/10/2021
Sân bay Cát Bi Hải Phòng: Sắp có thêm Nhà ga hàng hóa
01:02, 26/10/2021
Hải Phòng: Tăng trưởng gấp 8,65 lần trung bình cả nước
08:52, 24/10/2021
Hải Phòng: Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch
02:29, 22/10/2021
Hải Phòng: Khơi thông giải ngân vốn đầu tư công
01:05, 20/10/2021