Hải Phòng với khát vọng vươn xa

HẢI NGÂN 27/10/2021 02:11

TP Hải Phòng đã và đang chuyển mình với quyết tâm trở thành trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc theo đúng tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị.

Ngày 20/10/1946, sau 4 tháng 20 ngày thăm Cộng hòa Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước. Nơi Người đặt chân đầu tiên sau chuyến công du dài ngày chính là bến Ngự, Hải Phòng. Đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân lao động Hải Phòng sau ngày đất nước được độc lập.

Trong hồi ký “Những tháng ngày không thể nào quên”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “16 giờ ngày 20/10/1946, chiến hạm Đuymông Đuyếcvin đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác cập bến Ngự. Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên cột tàu cao chót vót. Con tàu rúc một hồi còi dài, chưa bao giờ ở bến cảng này lại có một hồi còi làm rung động trái tim của hàng chục vạn con người như chiều hôm ấy…”. 

Hải Phòng đang dần hiện thực hoá mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế

Hải Phòng đang dần hiện thực hoá mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế

75 năm đã trôi qua kể từ mùa thu năm ấy, Hải Phòng vinh dự có 8 lần nữa được đón Bác Hồ về thăm. Mỗi một lần là một dấu ấn đậm sâu và những lời dạy của Người vẫn sống mãi, hun đúc hoài bão cho bao thế hệ người dân thành phố Cảng. TP Hải Phòng đã không ngừng thi đua sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, Hải Phòng đã lập những chiến công hiển hách ghi danh trong sử sách, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng 6 chữ vàng: “Thành phố Trung dũng - Quyết thắng”.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải Phòng lại thể hiện sự trung dũng, kiên cường khi vừa giữ vững pháo đài tiền tiêu của miền Bắc, vừa góp sức người sức của chi viện cho miền Nam.

Đến thời kỳ đổi mới, thành phố Cảng vẫn luôn là địa phương đi đầu, bứt phá sáng tạo trên tiến trình hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết đất nước. TP Hải Phòng giờ đây đã và đang chuyển mình, trở thành trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc.

Cơ cấu kinh tế của Hải Phòng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa; mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; chú trọng phát triển tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, liên kết vùng và phát triển kinh tế đối ngoại. Ngành công nghiệp phát triển đột phá với nhiều KCN, củng cố vị trí là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.

Khoảng 5 năm trở lại đây, với việc tập trung đầu tư, mở rộng các KKT, KCN Hải Phòng “bừng sáng” khi trở thành điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư thuộc các tập đoàn lớn trong, ngoài nước như: LG Bridgestone, AEON, Vingroup, Sun Group, Geleximco... Các lĩnh vực được các tập đoàn đầu tư cũng khá đa dạng như: công nghiệp, đô thị, thương mại, du lịch, nông nghiệp, y tế, giáo dục.

Chỉ tính riêng giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân tăng 14,02%, gấp hai lần giai đoạn 2010 - 2015 và gấp 2,1 lần tốc độ tăng chung của cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 408 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa 5 năm đạt 120 nghìn tỷ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn 2010 - 2015.

Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2021, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại TP Hải Phòng đạt 2.849,47 triệu USD, gấp 3,25 lần so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 113,97% kế hoạch. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 19,68% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá về môi trường đầu tư tại Hải Phòng, ông Park Jae Hong - Phó tổng giám đốc công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng đã khẳng định: Môi trường đầu tư tại Việt Nam trên toàn quốc là môi trường đầu tư tuyệt với đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng đặc biệt, tại TP Hải Phòng, với sự quan tâm, hỗ trợ, theo sát doanh nghiệp và những hỗ trợ về thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa sự khó khăn nên trong thời gian ngắn nhất chúng tôi đã tăng vốn. Với việc tăng vốn đầu tư mới, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp luôn mong muốn cùng phát triển đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của TP Hải Phòng nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam nói chung.

Giai đoạn 2015-2020, Hải Phòng đã huy động tổng nguồn lực tới gần 44.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Giai đoạn 2015-2020, Hải Phòng đã huy động tổng nguồn lực tới gần 44.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Không chỉ đầu tư phát triển các KCN, KKT, giai đoạn 2015-2020, Hải Phòng đã huy động tổng nguồn lực tới gần 44.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Hàng loạt cây cầu lớn nhỏ, các tuyến đường liên tỉnh, các nút giao thông trọng điểm được khởi công, xây dựng. Hệ thống cảng biển, đường hàng không cũng không ngừng được hiện đại hóa. Đó là cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện với các tuyến vận tải biển mới, trực tiếp kết nối với Châu Âu, Hoa Kỳ; Cảng hàng không quốc tế Cát Bi cấp 4E, đảm bảo khai thác được máy bay hiện đại cỡ lớn… Điều này đã khẳng định, TP Hải Phòng là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.

Trong lần về thăm và làm việc tại Hải Phòng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: Sự phát triển kinh tế của Hải Phòng trong những năm qua là rất nổi bật, rất rõ nét, trông thấy được, cảm nhận được, đã có sự đổi đời khác xa so với trước đây, chưa bao giờ thành phố có được cơ đồ vị thế như hiện nay. Đi đến đâu cũng thấy nhân dân phấn khởi tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng. Hải Phòng cần tiếp tục phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường trong kháng chiến, thành phố hoa phượng đỏ đi đầu trong đổi mới, phải nắm bắt được nhu cầu mới, khả năng tiềm lực mới để phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa…

Năm 2019, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Nghị quyết đã đề ra những định hướng phát trên và mục tiêu rõ ràng, đó là cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hoá vào năm 2025; khẳng định vai trò động lực phát triển của đất nước, hướng tới là thành phố hàng đầu châu Á trong tương lai gần. Có thể nói đây là dấu ấn vô cùng quan trọng, mở ra trang mới cho công cuộc phát triển của Hải Phòng, sau lộ trình 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX trước đó.

Cụ thể hóa mục tiêu trên, TP Hải Phòng dự kiến trong vòng 5 năm tới xây dựng 100 cây cầu với tổng vốn đầu tư lên đến 38.000 tỷ đồng; xây thêm 15 KCN mới với diện tích hơn 6.400ha; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như chế tạo các sản phẩm máy móc, phương tiện phục vụ ngành kinh tế biển, các thiết bị điện tử công nghệ cao… Cùng với bến container số 3, số 4 vừa được khởi động, TP Hải Phòng tập trung định hướng đầu tư xây dụng từ 6 - 8 bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; hoàn thành xây dựng nhà ga số 2 và khu vực logistics hàng hóa của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Đồng thời, phấn đấu xây dựng phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc tế và Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Đặc biệt, TP Hải Phòng đang xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Cấp thiết nhà ở cho công nhân

    Hải Phòng: Cấp thiết nhà ở cho công nhân

    05:00, 26/10/2021

  • Sân bay Cát Bi Hải Phòng: Sắp có thêm Nhà ga hàng hóa

    Sân bay Cát Bi Hải Phòng: Sắp có thêm Nhà ga hàng hóa

    01:02, 26/10/2021

  • Hải Phòng: Tăng trưởng gấp 8,65 lần trung bình cả nước

    Hải Phòng: Tăng trưởng gấp 8,65 lần trung bình cả nước

    08:52, 24/10/2021

  • Hải Phòng: Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch

    Hải Phòng: Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch

    02:29, 22/10/2021

  • Hải Phòng: Khơi thông giải ngân vốn đầu tư công

    Hải Phòng: Khơi thông giải ngân vốn đầu tư công

    01:05, 20/10/2021

HẢI NGÂN