Vẫn có cơ quan chưa ý thức được "chống dịch như chống giặc"
Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh "chống dịch như chống giặc", nhưng thật sự không phải các cơ quan, đơn vị nào cũng ý thức được điều đó.
Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại phiên thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH và công tác phòng chống dịch, ngày 9/11.
Phát biểu từ điểm cầu Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu lên những con số đau xót, khi đợt dịch vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh đã khiến hơn 400.0000 người nhiễm và gần 17.000 người tử vong.
Nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và của đồng bào ta ở nước ngoài thì không biết hậu quả mất mát, đau thương còn nặng nề tới mức độ nào.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, trong báo cáo về công tác phòng, chống dịch và Báo cáo của Chính phủ năm 2021 về giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, chưa thấy đề cập đến việc làm sao để thúc đẩy sự mạnh dạn, ý thức được vai trò của mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi một đơn vị.
Nhất là đơn vị tham mưu thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho Chính phủ thực hiện vai trò chỉ đạo, hướng dẫn chứ không phải "khó thì về địa phương; dễ, đúng quy định thì Trung ương làm". Nói như Thủ tướng Chính phủ là "chống dịch như chống giặc", nhưng thật sự không phải các cơ quan, đơn vị nào cũng ý thức được điều đó.
Đại biểu lấy ví dụ cụ thể liên quan đến lô hàng hơn 22.000 lon sữa do kiều bào Australia ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch tại TP. Hồ Chí Minh. Mặt trận Tổ quốc thành phố đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y. Trong khi chỉ 2 ngày Cục Thú y trả lời đồng ý, thì Cục An toàn thực phẩm trả lời là đề nghị TP. Hồ Chí Minh hỏi Chính phủ.
Cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Cục thì làm tròn chức trách, nhiệm vụ, còn lô hàng cứu trợ về cả tháng trời chưa lấy ra được lỗi do ai?
Bởi vậy, vấn đề đặt ra ở đây là kiến tạo ra một cơ chế hành chính thật sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của bộ, ngành, của từng cán bộ trong việc tham mưu kịp thời cho Chính phủ những việc cần thiết, không cần phải nhờ vả, quen biết mà vẫn "chạy" được và có lợi, tốt nhất cho người dân...
Vừa qua, Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được ban hành, thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP.
Những nội dung trong Nghị định này đã tháo gỡ khó khăn cho cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, đồng thời phát huy được nguồn lực trong nhân dân trong việc chung tay chia sẻ khó khăn với Chính phủ trong lúc thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng Bộ Tài chính cần sớm có văn bản hướng dẫn để Nghị định 93 sớm đi vào cuộc sống.
Đại biểu đồng tình cao với việc Chính phủ cần kịp thời vinh danh, tuyên dương đúng công trạng cũng như kịp thời thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân cảm ơn những cá nhân, tổ chức như lực lượng y tế, lực lượng vũ trang, các lực lượng khác, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân đã mua vaccine và trang thiết bị y tế. Chính phủ cũng nên có giải pháp tạo sự công bằng cho cán bộ về động lực và điều kiện để cống hiến.
Cần có những quy định rõ trong 1 phường 17.000 dân thì cần bao nhiêu cán bộ trong hệ thống chính trị và một phương có 100.000 dân, cần có bao nhiêu cán bộ để khi có tình huống khẩn cấp xảy ra như phòng, chống dịch có thể ứng phó kịp thời và hiệu quả vì "nước xa không cứu được lửa gần".
Có thể bạn quan tâm