Cơ cấu lại thị trường bảo hiểm phi nhân thọ: Giảm thiểu rủi ro trục lợi bảo hiểm

Hoàng Oanh 11/03/2019 11:00

Lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ hiện có khoảng trên 1.500 sản phẩm được các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai trên thị trường.

các doanh nghiệp cũng chuẩn hóa một loạt các sản phẩm bảo hiểm có vai trò quan trọng trong chính sách an sinh xã hội

Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã chuẩn hóa một loạt các sản phẩm bảo hiểm có vai trò quan trọng trong chính sách an sinh xã hội

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, giúp các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định, mở rộng địa bàn hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm bảo hiểm, tăng cường công tác quản lý tài chính.

Ông Phùng Ngọc Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, thời gian qua, thị trưởng bảo hiểm đã phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân.

Có thể bạn quan tâm

  • Phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn

    Phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn

    22:09, 06/03/2019

  • F88 và MAP Life: Hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ

    F88 và MAP Life: Hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ

    09:58, 04/03/2019

  • BIC chi trả bảo hiểm hơn 1 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn tại Gia Lai

    BIC chi trả bảo hiểm hơn 1 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn tại Gia Lai

    16:32, 05/03/2019

  • Hà Tĩnh:p/Khách hàng “tố” công ty bảo hiểm Bưu điện “xù” bồi thường

    Hà Tĩnh: Khách hàng “tố” công ty bảo hiểm Bưu điện “xù” bồi thường

    14:01, 28/02/2019

Đến hết năm 2018, toàn thị trường có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 81.806 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2017. Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của các doanh nghiệp ước đạt 45.694 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2017. Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc ước đạt 19.476 tỷ đồng, tăng 21,19% so với cùng kỳ năm 2017. Đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 43.173 tỷ đồng, tăng 11,0% so với năm 2017.

Năm qua, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mở thêm hơn 19 chi nhánh, 01 phòng giao dịch và 01 văn phòng đại diện, nâng tổng số chi nhánh/công ty thành viên lên đến 633 đơn vị, hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các chi nhánh/công ty thành viên mới được thành lập đã tổ chức triển khai hoạt động kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng doanh thu chung của toàn thị trường.

Đến nay, có khoảng trên 1.500 sản phẩm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe được các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai trên thị trường, cơ bản đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng đa dạng của các tổ chức, cá nhân, góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Thời gian qua, các doanh nghiệp cũng chuẩn hóa một loạt các sản phẩm bảo hiểm có vai trò quan trọng trong chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, đối với sản phẩm bảo hiểm vật chất xe ô tô, hiện nay có 26 doanh nghiệp bảo hiểm đã được Bộ Tài chính chấp thuận đăng ký sản phẩm bảo hiểm vật chất xe ô tô, thống nhất áp dụng triển khai đối với các hợp đồng bảo hiểm vật chất xe ô tô giao kết kể từ ngày 01/01/2019, chuẩn hóa loại hình sản phẩm bảo hiểm có tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm thuộc hàng cao nhất thị trường.

Đối với sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, Bộ Tài chính đã phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm sức khỏe theo đề nghị của các doanh nghiệp bảo hiểm. Bên cạnh các sản phẩm bảo hiểm được chủ động triển khai, năm qua, các doanh nghiệp bảo hiểm còn tích cực tham gia chương trình bảo hiểm chính sách của Nhà nước, các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, góp phần ổn định phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Trong đó, phải kể đến chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, tạo điều kiện hỗ trợ cho ngư dân, chủ tàu yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển hoạt động khai thác hải sản xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc; Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đóng góp tích cực trong việc bù đắp tổn thất, mất mát về người và tài sản, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia giao thông. Hay bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc bồi thường kịp thời,  giúp các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do cháy, nổ chủ động khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất, kinh doanh; đảm bảo môi trường đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút nguồn vốn đầu tư ngoại...

Tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra yêu cầu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội.

Đề án cũng đặt mục tiêu cụ thể với thị trường bảo hiểm, trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu, tổng doanh thu tăng bình quân 20% đến năm 2020 và 15%/năm từ năm 2021 đến năm 2025.

Riêng đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, đề án yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, đảm bảo an toàn hệ thống.

Cụ thể, xây dựng đầy đủ hệ thống kiểm soát rủi ro tại doanh nghiệp bảo hiểm, kịp thời phát hiện được các rủi ro phát sinh từ hoạt động nghiệp vụ, hoạt động tài chính và quản trị doanh nghiệp; trên cơ sở đó đo lường rủi ro, đánh giá rủi ro, kiểm soát và loại bỏ rủi ro, giám sát và đánh giá lại rủi ro của từng hoạt động và các rủi ro liên quan đến các hoạt động này. Doanh nghiệp bảo hiểm tự đánh giá, xếp loại, chủ động có biện pháp kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, hạn chế tổn thất, can thiệp và điều chỉnh kịp thời trong quá trình hoạt động nhằm ngăn chặn nguy cơ mất khả năng thanh toán, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh; nâng cao năng lực về tài chính, tăng cường quản trị tài chính, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường hợp tác trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ để cạnh tranh lành mạnh; hợp tác trong chia sẻ thông tin để xây dựng cơ sở phí bảo hiểm thuần, tránh hạ phí bảo hiểm ảnh hưởng đến an toàn tài chính, đồng thời giảm thiểu rủi ro trục lợi bảo hiểm.

Hoàng Oanh