Doanh nghiệp bảo hiểm tăng tốc chuyển đổi số

DIỄM NGỌC 29/06/2021 13:00

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho rằng, với mức độ cạnh tranh lớn, trong tương lai, doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị "chấm dứt” nếu không chuyển đổi số.

Nhậnthức về bảo hiểm tăng cao

Dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp và gây lo lắng cho mọi người, nhu cầu tham gia bảo hiểm để bảo vệ bản thân và gia đình cũng có xu hướng tăng cao.

Người dân đã tăng cường tiếp cận các gói bảo hiểm trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp

Người dân đã tăng cường tiếp cận các gói bảo hiểm trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5/2021, các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 512.864 tỷ đồng, tăng 26,73% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 53.243 tỷ đồng; bảo hiểm nhân thọ ước đạt 459.621 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổng tài sản của toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 628.388 tỷ đồng, tăng 23,18% so với cùng kỳ năm 2020. Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 103.603 tỷ đồng và bảo hiểm nhân thọ ước đạt 524.785 tỷ đồng.

Tiêu biểu như Tập đoàn Generali, quý đầu năm 2021, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 1,6 tỷ Euro (tăng 11%), nhờ vào tăng trưởng lợi nhuận của mảng bảo hiểm phi nhân thọ, quản lý tài sản và các hoạt động kinh doanh khác. Lợi nhuận thuần lên tới 802 triệu Euro, so với 113 triệu Euro của cùng kỳ năm ngoái.

Hay tại Bảo hiểm PVI, kết thúc quý I/2021, doanh nghiệp này tiếp tục đạt được những kết quả kinh doanh khả quan: tổng doanh thu 2.894 tỷ đồng, hoàn thành 112,7% kế hoạch quý, tăng trưởng 11,1% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận trước thuế là 171 tỷ đồng, hoàn thành 112,8% kế hoạch quý và tăng trưởng 10 % so với cùng kỳ năm 2020. Với những con số ấn tượng trên, Bảo hiểm PVI tiếp tục là đơn vị có lợi nhuận dẫn đầu thị trường và đứng đầu thị trường về thị phần (chiếm 16,6%).

Ông Ngô Trung Dũng

Ông Ngô Trung Dũng- Phó Tổng Thư ký IAV

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) nhận định, cả năm 2021, phí bảo hiểm khai thác mới có thể duy trì đà tăng trưởng chung, lên đến 30% là rất khả quan, mặc dù nền kinh tế chung còn ảm đạm vì đại dịch COVID-19. Nguyên nhân đến từ nhận thức của người dân ngày càng tốt hơn về vai trò của bảo hiểm, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe.

Cùng với đó là cam kết của các doanh nghiệp bảo hiểm khi dịch bệnh bùng phát từ tháng 4/2020. Đây được xem là giai đoạn cam go, thách thức, có thể đưa thị trường đi xuống vì khủng hoảng kinh tế, nhưng lại là cơ hội để các doanh nghiệp bứt phá và chứng minh mình với khách hàng, ra sự chuyển biến mạnh mẽ. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cam kết, rủi ro mắc COVID đều được đảm bảo bởi những hợp đồng nhân thọ, sức khỏe bán ra thị trường; Khách hàng được bỏ thời gian chờ, mà hợp đồng bảo hiểm có ngay hiệu lực từ lúc ký kết; Thay đổi nhiều quyền lợi gia tăng đảm bảo nhu cầu bảo vệ cao hơn cho người dân.

Chia sẻ tại một Hội thảo khoa học về bảo hiểm, vị Phó Tổng thư ký cho biết thêm rằng, đến năm 2020, Việt Nam đã có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 tối đa 3%. Với đà này, tới năm 2025, ước tính sẽ có 15% dân số sẽ tham gia bảo hiểm nhân thọ với doanh thu dự kiến đạt 3,5%.

Trong 10 năm tới, ngành bảo hiểm sẽ có sự chuyển dịch mạnh. Như tại Nhật Bản hiện nay đã có công ty đầu tư 2 triệu USD để sử dụng trí tuệ nhân tạo thẩm định hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm cả bằng văn bản và phi văn bản. Điều đó cho thấy rằng, ở thị trường Việt Nam, trong thời gian tới, thị trường có khả năng sẽ phát triển những kênh phân phối mới, xuất hiện sản phẩm bảo hiểm hoàn toàn mới, đơn giản, thân thiện, thêm các tiện ích cho khách hàng trong quá trình mua bảo hiểm, quản lý hợp đồng bảo hiểm, khiếu nại quyền lợi bảo hiểm…”, ông Dũng bày tỏ sự lạc quan đối với thị trường.

Đột phá nhờ công nghệ

Tuy nhiên, với mức độ cạnh tranh lớn, ông Ngô Trung Dũng cho rằng, trong tương lai doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị "chấm dứt” nếu không chuyển đổi số.

Đón đầu xu thế này, Bảo hiểm Bảo Việt đã áp dụng hàng loạt giải pháp ứng dụng công nghệ số toàn diện trên hệ thống, cho phép người dùng “tối đa hóa” lợi ích khi truy vấn thông tin chi tiết, đăng ký tham gia và nhận quyền lợi bảo hiểm dễ dàng thông qua thao tác trực tuyến. Cùng với đó là ứng dụng AI, Chatbot trong các hoạt động giới thiệu, tư vấn sản phẩm bảo hiểm. Đặc biệt, công ty này còn đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, điển hình là dự án chuyển đổi số ứng dụng các giải pháp trí tuệ doanh nghiệp trong hệ thống số liệu về tài chính, đầu tư, quản lý rủi ro… Tiên phong trong các hoạt động đổi mới, doanh nghiệp đã nâng cấp chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng bằng ứng dụng giám định bồi thường số E-Claim, ứng dụng Baoviet Direct… tra cứu thông tin, giao dịch trực tuyến và trả lời tin nhắn tự động.

Các doanh nghiệp bảo hiểm tăng tốc chuyển đổi số để bắt kịp xu hướng và tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường

Các doanh nghiệp bảo hiểm tăng tốc chuyển đổi số để bắt kịp xu hướng và tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường

Tại công ty Bảo hiểm nhân thọ FWD, đã áp dụng 100% hợp đồng điện tử, không nhận bằng tiền mặt, không sử dụng giấy, từ khâu tư vấn đến việc giúp khách hàng đăng ký hợp đồng bảo hiểm của mình hoàn toàn trên ipad. Còn công ty Prudential sử dụng chatbot tư vấn bảo hiểm 24/7 ứng dụng trí tuệ nhân tạo PRUbot, công cụ Matchbook giúp khách hàng chủ động hơn trong đặt lịch hẹn với chuyên viên tư vấn tài chính. Trong giai đoạn tiếp xúc và mua hàng, khách hàng thao tác đơn giản bốn bước và thanh toán bằng các hình thức thanh toán trực tuyến trên trang thương mại điện tử ePrudential.

Riêng Generali, ông Cristiano Borean, Phó Tổng Giám đốc Tài chính Tập đoàn chia sẻ: Chúng tôi đang triển khai thực hiện tái cân bằng danh mục sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và nhờ đó đã duy trì được lợi nhuận tích cực trong bối cảnh lãi suất thấp.

Trước bức tranh sôi động của thị trường, ThS. Hồ Thu Hoài (Khoa tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết, trong 2 quý đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, xu hướng ứng dụng công nghệ vào bảo hiểm (Insurtech) có phần đi xuống. Tuy nhiên, 2 quý cuối năm, Insurtech tăng đột biến. “Các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang tập trung sử dụng Insurtech để gia tăng hiệu quả phân phối sản phẩm sẵn có đến khách hàng. Trong khi nước ngoài thường tập trung ứng dụng phát triển sản phẩm và kết nối khách hàng”.

Đánh giá chung về ngành bảo hiểm, ông Jetsura Vongvichien, phụ trách mảng bảo hiểm Khối Dịch vụ tài chính, SAP khu vực Ðông Nam Á phân tích, chúng ta đang chứng kiến những thay đổi trong chuỗi giá trị của ngành bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm mới có chi phí vận hành tốt hơn, trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng sẽ tạo sức ép cạnh tranh lớn lên các công ty bảo hiểm truyền thống.

Có thể thấy, trước cú sốc vì dịch bệnh, khủng hoảng y tế, kinh tế và nhiều bất ổn, ngành bảo hiểm đã chuyển biến một cách tích cực, các khách hàng có cơ hội tiếp cận bảo hiểm nhanh chóng hơn, nhiều trải nghiệm công nghệ cao và chuyên nghiệp hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • VNI: Mục tiêu Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất

    VNI: Mục tiêu Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất

    12:43, 28/06/2021

  • Bảo hiểm FWD muốn huy động 2 tỷ USD tại Mỹ

    Bảo hiểm FWD muốn huy động 2 tỷ USD tại Mỹ

    16:30, 17/06/2021

  • Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần

    Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần

    16:56, 08/06/2021

  • “Bảo hiểm” giá vật liệu xây dựng

    “Bảo hiểm” giá vật liệu xây dựng

    16:30, 26/05/2021

  • Chế định hợp đồng bảo hiểm làm khó doanh nghiệp

    Chế định hợp đồng bảo hiểm làm khó doanh nghiệp

    11:02, 23/05/2021

DIỄM NGỌC