Quản lý kinh doanh bảo hiểm sao cho hiệu quả?

DIỄM NGỌC 31/10/2021 04:50

Theo chuyên gia Phan Đức Hiếu, cần gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với chất lượng kinh doanh của các công ty bảo hiểm, để đảm bảo quyền lợi người tham gia và an toàn xã hội.

Bảo vệ quyền lợi người tham gia

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề quản lý chất lượng ngày càng trở lên quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Trong đó, quản lý chất lượng toàn diện đối với các doanh nghiệp bảo hiểm là rất cần thiết cả về lý luận cũng như thực tiễn, giúp cho các doanh nghiệp hoạt động và quản lý tốt hơn trong bối cảnh mới.

 hiện nay tất cả các hợp đồng bảo hiểm hầu như ký theo hợp đồng mẫu, những người tham gia bảo hiểm tiếp cận nhưng không có đủ khả năng, trình độ để hiểu hết các vấn đề trong hợp đồng bảo hiểm (ảnh minh hoạ)

Hiện nay tất cả các hợp đồng bảo hiểm hầu như ký theo hợp đồng mẫu, nếu không được tư vấn đầy đủ có thể gây bất lợi cho người tham gia bảo hiểm  (ảnh minh hoạ)

Đi cùng với tốc độ tăng trưởng nóng của thị trường, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hiện nay cũng đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, xu hướng tái cơ cấu thị trường với các hoạt động mua bán và sát nhập. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tỷ lệ hủy bỏ hợp đồng, mức độ hài lòng về sản phẩm của khách hàng,… Do đó, để đạt được sự phát triển bền vững trong tương lai của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng như đảm bảo tối ưu quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp cần có những chiến lược quản trị chất lượng toàn diện, hợp lý và khoa học. Bên cạnh đó là sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan nhà nước.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 70 doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp khoảng 2.740 sản phẩm bảo hiểm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Tiềm năng thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất lớn, nhưng có một thực tế là vẫn xuất hiện hiện tượng tranh giành khách hàng giữa các công ty bảo hiểm, phí bảo hiểm chưa tương xứng với rủi ro được bảo hiểm. Vì vậy có nhiều ý kiến đề nghị nhà nước phải quản lý chặt hơn các quy định trong hợp đồng bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ.

Về vấn đề này, ông Đỗ Văn Sinh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay tất cả các hợp đồng bảo hiểm hầu như ký theo hợp đồng mẫu, những người tham gia bảo hiểm tiếp cận nhưng không có đủ khả năng, trình độ để hiểu hết các vấn đề trong hợp đồng bảo hiểm. Do đó cơ quan nhà nước phải có chế định vào trong luật, kiểm soát các hợp đồng mẫu và không thể viết chung chung.

Tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), ngày 29/10 vừa qua, theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Tuấn (Bắc Giang), ngoài 8 nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của dự thảo Luật thì cần bổ sung nội dung: “Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả chấm dứt hợp đồng bảo hiểm”.

Chúng ta phải xác định đây là điều bắt buộc phải có trong hợp đồng bảo hiểm để tăng cường trách nhiệm thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng. Tránh việc doanh nghiệp cung cấp thông tin mập mờ làm cho người mua bảo hiểm khi ký hợp đồng lúc bị chấm dứt hợp đồng thì không có quyền đòi lại khoản phí đã đóng hoặc khoản phí hoàn trả không như mong muốn.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước

Theo Bộ Tài chính, các vụ tranh chấp phát sinh giữa công ty bảo hiểm và khách hàng thời gian qua phần lớn đều xuất phát từ đại lý bảo hiểm. Không ít đại lý chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho khách hàng khi giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm; đại lý bảo hiểm dụ dỗ, lôi kéo khách hàng chấm dứt hợp đồng tại công ty này để tham gia bảo hiểm ở công ty khác, hoặc tranh giành đại lý của nhau…, gây ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng, uy tín doanh nghiệp cũng như tính ổn định, minh bạch của thị trường.

Cơ quan cấp giấy phép phải liên đới chịu trách nhiệm trước với doanh nghiệp bảo hiểm khi để xảy ra tình trạngp/kinh doanh bảo hiểm không có lãi (ảnh minh hoạ)

Cơ quan cấp giấy phép phải liên đới chịu trách nhiệm trước với doanh nghiệp bảo hiểm khi để xảy ra tình trạng kinh doanh bảo hiểm không có lãi (ảnh minh hoạ)

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã nhấn mạnh việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ bảo hiểm và đại lý bảo hiểm, môi trường bảo hiểm, cần giao cho Bộ Tài chính. Phần bồi dưỡng, đào tạo sẽ được Bộ giao cho các doanh nghiệp, cho nhà trường và các hội. Theo đó, Bộ Tài chính chỉ giữ vai trò tổ chức thi và cấp chứng chỉ vì bảo hiểm là một ngành kinh doanh có điều kiện cũng giống chứng khoán, kiểm toán và định giá.

"Khi một doanh nghiệp bảo hiểm mà vỡ, thì cũng giống như ngân hàng thương mại vỡ, ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều người tham gia bảo hiểm và an toàn xã hội", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc so sánh.

Đồng thời, Bộ trưởng Phớc cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các ủy ban của Quốc hội để rà soát, bổ sung và chỉnh lý dự thảo luật. Cơ quan soạn thảo cũng sẽ hoàn thiện các khái niệm, các hành vi nghiêm cấm và quy định cụ thể về bảo hiểm bắt buộc, quy định trong hợp đồng bảo hiểm rõ hơn, cụ thể hơn để phù hợp với Bộ luật Dân sự và các bộ luật khác.

Đối với việc quy định điều kiện thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, một số ý kiến đề nghị cần quy định phù hợp hơn với thực tiễn hơn. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đề nghị: “Các doanh nghiệp phải chứng minh được hiệu quả kinh doanh và lợi ích kinh tế của việc thành lập doanh nghiệp. Giả sử nay doanh nghiệp chứng minh được lợi ích kinh tế, sau đó được cấp giấy phép kinh doanh bảo hiểm, nhưng cuối cùng lại không kinh doanh có lãi. Vậy tôi đề nghị cơ quan cấp giấy phép phải liên đới chịu trách nhiệm trước với doanh nghiệp bảo hiểm khi để xảy ra tình trạng như vậy”.

Ngoài ra, việc quy định điều kiện không chỉ dừng ở quy định nghiệp vụ bảo hiểm, mô hình quản trị rủi ro, phương thức trích lập dự phòng, mà còn phải tránh những mâu thuẫn giữa các quy định chế tài phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, phải xuất phát từ gốc và bao phủ tiếp cận mọi hành vi gian lận có thể xảy ra trong mọi khâu, mọi giai đoạn của quy trình kinh doanh bảo hiểm.

Đáng chú ý, về nội dung bảo mật thông tin cho người tham gia bảo hiểm, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) cho rằng, việc tiếp cận thông tin cá nhân không chỉ có doanh nghiệp bảo hiểm mà các chủ thể cơ quan nhà nước khi có yêu cầu và được quyền đề nghị doanh nghiệp cung cấp, thì cũng được tiếp cận các cơ sở dữ liệu này.

Do đó, nếu chỉ quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm thì chưa đủ. Cần bổ sung các cơ quan, cá nhân được tiếp cận thông tin từ cơ sở dữ liệu đều phải có trách nhiệm bảo mật thông tin và phải bị xử lý khi để lộ thông tin”, vị đại biểu đề xuất.

Trước lo ngại về bí mật của cá nhân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng lý giải, dự thảo luật đã quy định rất rõ việc cung cấp thông tin tuân thủ Điều 21 Hiến pháp, Điều 38 Luật Dân sự, Luật An ninh mạng và các luật khác. Thông tin được mã hóa và được phân cấp quản lý đảm bảo đúng quy định, chịu trách nhiệm bảo mật về thông tin. Đây là luật có tính chất chuyên môn cao, cho nên cơ quan chủ trì xin phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật hoàn thiện để đảm bảo luật một cách tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm

    Cần đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm

    14:20, 29/10/2021

  • Bảo hiểm vi mô còn thiếu hành lang pháp lý

    Bảo hiểm vi mô còn thiếu hành lang pháp lý

    13:25, 29/10/2021

  • Tăng trách nhiệm tài chính của bảo hiểm tiền gửi

    Tăng trách nhiệm tài chính của bảo hiểm tiền gửi

    11:15, 29/10/2021

DIỄM NGỌC