Tăng trưởng ngành Bảo hiểm Nhân thọ: Bao giờ trở lại... ngày xưa?

PHƯƠNG NHI 13/06/2022 04:30

Với tăng trưởng ngành Bảo hiểm Nhân thọ (BHNT) dự báo khoảng 10% trong năm 2022, đây là mức thấp so với tiềm năng thị trường và thấp so với giai đoạn tăng trưởng 35%/ năm trước đây.

>>Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam: "Trong nguy có cơ”

Ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã cho biết, từ 2011 - 2019, thị trường luôn giữ đà tăng trưởng ổn định, có những năm trên 30%. Đến 2019 thì thị trường giảm xuống 21-22%, năm 2020 thì giảm xuống dưới 20% một chút và năm nay dự kiến sẽ tiếp tục giảm và dự kiến ở mức tăng trưởng khoảng 10% và tỷ lệ này được Bộ Tài chính dự kiến sẽ nâng lên 15% vào năm 2025.

Năm

Năm 2022, Bảo hiểm Nhân thọ dự kiến tăng trưởng khoảng 10% (ảnh: Khách hàng giao dịch tại Manulife)

10% vẫn là con số hấp dẫn

Cũng theo ông Dũng, có nhiều yếu tố dẫn đến việc tăng trưởng 2 con số này, trong đó, COVID -19 là một yếu tố quan trọng. Dù đại dịch cũng mang lại điểm tích cực là giúp cộng đồng nhận thức tốt hơn về vai trò của ngành bảo hiểm, các biện pháp xã hội cũng ảnh hưởng đến quá trình tương tác, tư vấn Bảo hiểm, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Nhưng dù có COVID -19 hay không thì xu hướng mức tăng trưởng giảm là chuyện có thể nhìn thấy trước.

Tuy nhiên, tăng trưởng 10% vẫn là mức có thể hấp dẫn các nhà đầu tư. Bởi vì ở những thị trường khác có mức tăng trưởng 3-5% thì mức tăng trưởng trung bình 10% vẫn rất lý tưởng. "Tôi lấy thí dụ như thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, giai đoạn 2021-2026 họ dự kiến thị trường  tăng trưởng ở mức 3,1 -  4,7%. Có nghĩa là nếu Việt Nam mà ở mức 10% vẫn là mức hấp dẫn. Chu kỳ tăng trưởng giảm rồi lại tăng, thì đó là điều tự nhiên. Thêm vào đó, tiềm năng của thị trường là rất lớn do sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Theo ước tính của World Bank, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng từ 13% lên 26% vào năm 2026. Còn về động lực phát triển, có nhiều động lực để thúc đẩy thị trường phát triển trong đó động lực chính là quy mô thị trường còn nhỏ, tỷ lệ người có Hợp đồng Bảo hiểm chưa cao, thu nhập và kiến thức của người dân chưa được cải thiện…

Một động lực khác là việc cải tiến sản phẩm và chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang không ngừng nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, tăng cường độ tương tác với khách hàng, đến các khâu thẩm định, bồi thường bảo hiểm cũng được thực hiện nhanh chóng hơn trước", ông Dũng nói. 

Từ thực tế doanh nghiệp, ông Phùng Bá Khang – Giám đốc Khối sản phẩm & Khách hàng Manulife Việt Nam cho rằng, ông có góc nhìn tương đối tích cực về vấn đề này. Bởi có thể thấy tỉ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam tương đối thấp, chưa đến 2% so với các thị trường mới nổi và cách xa mức 9,6% tại các thị trường phát triển. Trong giai đoạn này, sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì có những khó khăn ngắn hạn về kinh tế, lạm phát tăng cao nhưng một điều tích cực là giai đoạn này giúp mọi người hiểu hơn về giá trị của việc được bảo vệ. Các khó khăn về mặt kinh tế khiến cho họ tạm thời chưa tham gia nhưng nhu cầu thì vẫn ở đó. 

"Tôi tin rằng về lâu dài thì tiềm năng thị trường vẫn còn rất lớn. Sắp tới, Chính phủ có những định hướng mới về Bảo hiểm sức khỏe, Bảo hiểm hưu trí cũng như những định hướng mới về sản phẩm. Đây sẽ là tiền đề để các công ty bảo hiểm phát triển tốt hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng", ông Khang chia sẻ. 

Cũng có nhiều câu hỏi: “Bao giờ thị trường BHNT đạt mức tăng trưởng 35% như trước đây…”, có thể khó nhưng điều này hoàn toàn dễ hiểu. Bởi việc quy mô thị trường ngày càng lớn thì việc đạt được mức tăng trưởng như lúc trước sẽ khó hơn. Nói đơn giản, khi BHNT mới vào thị trường, quy mô nhỏ, chưa có gì cả. Thí dụ, thị trường có 100 đồng, bán được thêm 100 đồng nữa thì tăng trưởng sẽ là 100%. Tuy nhiên bây giờ khi thị trường đã lên đến hàng chục nghìn tỷ rồi, 1% của hàng chục nghìn tỷ đó sẽ rất lớn. Vì vậy, mức tăng trưởng thấp hơn là điều dễ hiểu, một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ thêm.

>>Thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng 32,8% năm 2018

Nên “hấp dẫn” hơn về sản phẩm và dịch vụ

Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá, thị trường BHNT còn tiềm năng, nhưng sản phẩm vẫn chưa hấp dẫn khách hàng. Hay nói cách khác, sản phẩm còn đại trà, chưa có sản phẩm đặc thù, cụ thể, phù hợp cho từng nhóm đối tượng.

Ông Ngô Trung Dũng thừa nhận, việc cải tiến chất lượng sản phẩm bảo hiểm chưa được nhanh. Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, hiện nay, chúng ta đang có khoảng 800 đầu sản phẩm nhưng xét về tính đa dạng, phù hợp cho người tiêu dùng vẫn chưa phải là tối ưu nhất. Hơn nữa, khách hàng ngày nay không chỉ có nhu cầu được bảo vệ hay tiết kiệm mà còn mong muốn gia tăng tài sản qua hình thức đầu tư. Nếu cải thiện được những điều này nữa thì thị trường bảo hiểm sẽ rất tốt. Về động lực phát triển, các doanh nghiệp Bảo hiểm dĩ nhiên đang tập trung đầu tư sản phẩm mới đặc thù hơn, tăng cường số hoá trong các quy trình thẩm định, bồi thường… nhanh nhất có thể. Chẳng hạn như Manulife cho ra sản phẩm để phục vụ khách hàng tuổi xế chiều hoặc ứng dụng sức khỏe để đáp ứng nhu cầu sức khỏe của khách hàng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường số hoá trong các quy trình thẩm định, bồi thường

Các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường số hoá trong các quy trình thẩm định, bồi thường

Về cải tiến dịch vụ, ông Sang Lee, Tổng Giám đốc Manulife Việt Nam cho biết, Manulife đang hoạt động kinh doanh xoay quanh ba chuỗi giá trị bao gồm Tìm kiếm, Quản lý và Đánh giá và Chi trả quyền lợi bảo hiểm. ""Đối với hoạt động kinh doanh mới, lực lượng đại lý của chúng tôi đạt tỷ lệ gần như 100% đối với việc sử dụng các công cụ số (không cần thêm thủ tục giấy tờ), điều này cũng tương tự đối với các kênh bancassurance. Ngoài ra, chúng tôi còn có Manulife Shop và Momo - những nỗ lực tiên phong của chúng tôi trong việc ứng dụng số hóa hoàn toàn. Hay ứng dụng sức khỏe ManulifeMOVE để khách hàng có thể dễ dàng quản lý hợp đồng đồng thời luyện tập cải thiện sức khỏe…", ông nói.

Theo một số tổ chức nghiên cứu và đánh giá, thị trường BHNT Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Cùng với đó, dân số Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu vàng với quy mô ngày càng tăng, Về khung pháp lý, tháng 8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo ngành bảo hiểm không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài; điều này sẽ mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các công ty bảo hiểm. Qua đó, thúc đẩy quá trình thoái vốn Nhà nước trong ngành. Cùng với đó là những thay đổi tích cực trong dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm mới sẽ được ban hành trong năm 2022 về quản lý Tài chính Bảo hiểm, các quy định về Hợp đồng hảo hiểm và cơ sở dữ liệu toàn thị trường, hứa hẹn tạo điều kiện cho BHNT phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam:

    Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam: "Trong nguy có cơ”

    09:36, 30/09/2021

  • Cơ cấu lại thị trường bảo hiểm nhân thọ: Minh bạch thông tin doanh nghiệp

    Cơ cấu lại thị trường bảo hiểm nhân thọ: Minh bạch thông tin doanh nghiệp

    00:00, 28/10/2019

  • Prudential tiếp tục dẫn đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam

    Prudential tiếp tục dẫn đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam

    15:55, 12/04/2019

  • Các doanh nghiệp Bảo hiểm Nhân thọ: Chung tay ứng phó đại dịch

    Các doanh nghiệp Bảo hiểm Nhân thọ: Chung tay ứng phó đại dịch

    13:24, 08/10/2021

  • Tài chính cá nhân (Bài 6): Căn cứ vào đâu để mua bảo hiểm nhân thọ?

    Tài chính cá nhân (Bài 6): Căn cứ vào đâu để mua bảo hiểm nhân thọ?

    05:50, 11/05/2020

PHƯƠNG NHI