Phí lưu trú qua đêm trên vịnh Hạ Long tăng 85%: Hải Phòng trở thành “mảnh đất hứa”?

Thu Duyên 25/07/2018 12:18

Ban Quản lý Vịnh Hạ Long vừa có đề xuất về việc điều chỉnh mức thu phí tham quan Vịnh Hạ Long từ ngày 1/1/2019. Đặc biệt, mức phí lưu trú qua đêm trên vịnh Hạ Long sẽ tăng đến 85%.

Trước đề xuất đột ngột này của Ban Quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh tàu trên vịnh Hạ Long lắc đầu ngao ngán.

Đắt có “xắt ra miếng”?

Theo ông Bùi Công Hoan, giám đốc công ty Thương mại và Du lịch Thịnh Phát: "Đành rằng Vịnh Hạ Long được ban tặng cho một kỳ quan thiên nhiên thế giới nhưng việc ban Quản lý Vịnh Hạ Long đề xuất tăng giá vé nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long đến mức 85% thì thật sự chẳng một doanh nghiệp hay khách du lịch nào có thể chấp nhận được. Nếu đó là quy định của Nhà nước thì doanh nghiệp “phải chịu”, chứ không ai người ta đồng tình với quan điểm làm việc “ngẫu hứng” như vậy. Rồi thực tế sẽ chứng minh, khách du lịch đến vịnh Hạ Long sẽ giảm rõ rệt ngay."

Vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ cùng nằm trên quần thể vịnh. Nếu sự chênh lệch giá lưu trú đêm trên vịnh Hạ Long là quá lớn, việc du khách sẽ chọn lựa Lan Hạ là điều dễ hiểu

Vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ cùng nằm trên quần thể vịnh. Nếu chênh lệch giá lưu trú đêm trên vịnh Hạ Long quá lớn, du khách chọn lựa Lan Hạ là điều dễ hiểu

"Chúng tôi không phản đối việc tăng giá nhưng nó nên ở mức chấp nhận được. Trong giai đoạn này, nền kinh tế toàn cầu cũng đang èo uột, chưa được ổn định, việc tăng gia chỉ nên tăng ở mức 5-10%. Chính sách nhà nước không phù hợp sẽ thành… thất sách, Quảng Ninh theo đó cũng sẽ thất thu một số tiền không nhỏ", ông Hoan nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với ông Hoan, bà Hồng, chủ tàu du lịch Bài thơ bổ sung: vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ cùng nằm chung trên một quần thể di sản vịnh, trong khi giá vé nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) vào thời điểm hiện tại chỉ có 250.000 vnđ/người; trên vịnh Hạ Long thời điểm hiện tại đã là 550.000 vnđ/người. Nếu giá vé nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long tăng 85%, đồng nghĩa với việc sẽ gấp gần 4 lần với giá vé nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ.

Bà Hồng cũng cho rằng, xu hướng của khách tây thích các bãi tắm tự nhiên của Cát Bà hơn là sang Quảng Ninh chỉ được tắm tại bãi Ti Tốp. Cung đường từ Hà Nội đến Hải Phòng cũng thuận tiện, nhanh chóng hơn sang Quảng Ninh. Khách du lịch nước ngoài sẽ tiết kiệm được thời gian nếu buổi sáng tham quan tại Hà Nội, buổi chiều sẽ kịp về tắm tại Hải Phòng.

“Làn sóng” đầu tư đổ về Hải Phòng?

Nhắc đến những bất cập về bến bãi và scandal về du lịch vừa qua tại Hải Phòng, các chủ tàu tại Hạ Long nhìn nhận, đó chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Ở đâu cũng có thể xảy ra một scandal như vậy, ngay cả vịnh Hạ Long. Ông Hoan dẫn chứng, về việc các tàu du lịch tại khu vực biển ngoài Cẩm Phả, Vân Đồn hiện tại cũng không được quản lý chặt chẽ chứ không chỉ tại Cát Bà, Hải Phòng.

Có thể bạn quan tâm

  • Năm 2020, Hải Phòng sẽ có đường ven biển trị giá gần 3.760 tỷ

    Năm 2020, Hải Phòng sẽ có đường ven biển trị giá gần 3.760 tỷ

    11:59, 25/07/2018

  • Tàu du lịch Cát Bà - Hạ Long sẽ không còn bị “cấm vận”?

    Tàu du lịch Cát Bà - Hạ Long sẽ không còn bị “cấm vận”?

    09:30, 31/05/2018

  • Quảng Ninh: Doanh nghiệp du lịch

    Quảng Ninh: Doanh nghiệp du lịch "kêu cứu" vì... niên hạn tàu vỏ gỗ

    10:13, 27/01/2018

Các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đều cho rằng, thành phố Hải Phòng đang có một cơ chế rất cởi mở, họ sẽ được tự kê khai thuế, chứ không bị “áp” thuế như tại Hạ Long hiện nay. Ông Bùi Công Hoan, Giám đốc công ty du lịch Thịnh Phát cho biết, tại Quảng Ninh, các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch bị áp 750.000/ khách với tàu 1 sao; tàu 3-4 sao sẽ bị áp thuế từ 1,5 triệu-2,5 triệu/khách. Theo đó, thuế VAT cho một khách du lịch đã lên tới đã là 150.000 cho một đầu khách, cộng với 950.000 vé thắng cảnh thì riêng một khách đi đã phải chi phí hết 1,1 triệu. Để có lãi, doanh nghiệp bắt buộc phải đẩy giá lên rất cao và khách du lịch sẽ khó mà chấp nhận được.

“Đừng tưởng khách du lịch tự dưng đến với vịnh Hạ Long, nguồn đó chỉ chiếm khoảng 1% thôi. Tất cả đều nhờ sự quảng bá, marketing của tự thân các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chúng tôi đưa việc tham quan vịnh Hạ Long vào tour và quảng bá tour đó đến đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Điều tất nhiên là khi các doanh nghiệp tại Hạ Long chuyển đổi kinh doanh sang thị trường Hải Phòng, chúng tôi sẽ quảng bá cho du lịch Hải Phòng để bán tour”, ông Hoan cho biết thêm.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Hải Phòng ghi nhận sự gia tăng đột biến của khách du lịch tại quần đảo Cát Bà. Nắm bắt được thời cơ, hàng chục doanh nghiệp lớn kinh doanh về tàu du lịch đi tắt đón đầu đã chuyển sang Hải Phòng đầu tư. Ngay tại thời điểm hiện tại, gần 50 con tàu sắt đang dần được hoàn thiện và hoàn toàn đăng kiểm ở Hải Phòng. “Doanh nghiệp Thịnh Phát chúng tôi cũng đang tính đến việc mở chi nhánh sang Hải Phòng để kinh doanh”, ông Hoan cho biết.

Theo ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý Vịnh Hạ Long, về cơ bản các mức thu dự kiến tăng theo mức quy định tại Nghị quyết số 62/2017/NQ-HĐND.

Theo đó, tuyến 1, 2, 5 tăng 20% từ 250.000 đồng/lần/người lên 300.000 đồng/lần/người; mức thu tuyến 4 tăng 25% từ 200.000 đồng/lần/người lên 250.000 đồng/lần/người; mức thu tuyến 3 giữ nguyên để thu hút khách du lịch tham quan nhằm giãn khách du lịch tham quan tập trung vùng trọng tâm Di sản. 

Đối với các tuyến tại khu vực lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh, mức phí dự kiến điều chỉnh tăng bình quân từ 73% đến 85% so với mức thu tại Nghị quyết 62/2017/NQ-HĐND cụ thể: tham quan tại khu vực lưu trú nghỉ đêm tuyến 2 (gồm cả lưu trú nghỉ 1 đêm và 2 đêm): tăng 73% (từ 550.000 đồng/lần/người lên 950.000 đồng/lần/người (1 đêm) và từ 750.000 đồng/lần/người lên 1.300.000 đồng/lần/người (2 đêm); Tham quan tại khu vực lưu trú nghỉ 1 đêm và tham quan tuyến 3 hoặc tham quan tuyến 4: tăng 80% (từ 500.000 đồng/lần/người lên 900.000 đồng/lần/người); Tham quan tại khu vực lưu trú nghỉ 2 đêm và tham quan tuyến 3 hoặc tham quan tuyến 4: tăng 85% (từ 650.000 đồng/lần/người lên 1.200.000 đồng/lần/người). 

Thu Duyên