Sẽ có cái bắt tay giữa 2 người láng giềng Hải Phòng - Quảng Ninh để không còn cảnh “ngăn sông cấm chợ” giữa tàu du lịch Cát Bà – Hạ Long và ngược lại.
Trong 2 ngày 31/5 và 01/6, hai địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ “ngồi lại với nhau” để bàn phương án kết nối phương tiện thủy phục vụ du khách giữa Hạ Long và Cát Bà.
Theo đó, UBND thành phố Hải Phòng đã giao Sở Du lịch chủ trì cùng các ngành chức năng chuẩn bị các điều kiện, nội dung liên quan, cử lãnh đạo tham gia chương trình làm việc và phối hợp chặt chẽ với Đoàn công tác của Tổng cục Du lịch sẽ khảo sát và làm việc tại Hạ Long và Cát Bà vào 2 ngày 31/5 và ngày 01/6.
“Nguồn cơn” dẫn đến sự kiện này xuất phát từ việc 1 du khách người Úc phản ánh về tour du lịch “hành xác” khi thăm quan Vịnh Hạ Long và Cát Bà trên tàu Hoàng Phương vào đầu tháng 5/2018. Sau khi nhận được thông tin phản ánh của du khách này, các ngành chức năng Quảng Ninh vào cuộc. Kết quả, tàu Hoàng Phương có “quê quán” từ Quảng Ninh nhưng đã bị chấm dứt hoạt động trên vịnh Hạ Long từ tháng 8/2017. Sau đó, con tàu này “dạt” sang Cát Bà để khai thác du lịch dưới hình thức hợp đồng chở khách thăm quan tại khu vực đảo Cát Bà.
Với sự kiện “suýt” hiểu nhầm giữa hai bên này, thành phố Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc. Cuối cùng, cơ quan chức năng Hải Phòng đã xử phạt chủ tàu Hoàng Phương 15 triệu đồng do tàu chưa đủ điều kiện theo quy định và bị dừng hoạt động.
Xuất phát từ sự việc này, câu chuyện về tour tuyến tham quan trên hai vịnh giáp ranh Hạ Long (Quảng Ninh) và Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng) bắt đầu được ra mổ xẻ. Từ đây, xuất hiện câu chuyện từ năm 2012 đến nay, các tàu du lịch của Cát Bà bị “cấm cửa” không được sang vịnh Hạ Long. “Tàu nào đi qua ranh giới vịnh Hạ Long sẽ bị địa phương này kiểm tra, buộc phải quay về, thậm chí còn bị xử phạt. Sau thời gian dài bị xử lý gắt gao, các tàu du lịch Cát Bà không còn dám vào vịnh Hạ Long”, Giám đốc 1 Công ty lữ hành tại Cát Bà cho biết.
Về phía Quảng Ninh, ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho rằng, để kết nối 2 điểm đến này, trước hết 2 bên phải thống nhất tour, tuyến theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải đồng bộ công tác quản lý, bởi, hiện chất lượng đội tàu du lịch của 2 bên khác xa nhau.
Dẫu được cả 2 bên nói rằng “chưa kết nối tour, tuyến” nhưng ai cũng hiểu 1 điều tế nhị, tàu du lịch Cát Bà không đủ tiêu chuẩn để vào vịnh Hạ Long. Nên chuyện Quảng Ninh “cấm cửa” tàu du lịch từ Cát Bà sang cũng là điều dễ hiểu. Chỉ nhìn vào con số 63/111 tàu du lịch ở Cát Bà bị đình chỉ hoạt động qua đợt kiểm tra mới đây đã cho thấy điều đó. Và vụ việc tàu Hoàng Phương là 1 ví dụ.
Thẳng thắn mà nói, trong việc này Hải Phòng bị Quảng Ninh xếp ở “chiếu dưới” trong quản lý, khai thác du lịch. Không ai phủ nhận được một điều là những năm gần đây, du lịch Quảng Ninh phát triển thần tốc. Từ quản lý, đào tạo, khai thác,…cho thấy cách mà Quảng Ninh làm du lịch rất chuyên nghiệp và đẳng cấp hơn hẳn. Trong khi đó, du lịch Hải Phòng ngày càng mờ nhạt và mất dần vị thế.
Câu chuyện “cấm cửa” tàu du lịch từ Cát Bà sang Hạ Long nghe thì đơn giản nhưng đó là một bài học đau xót và thôi thúc ngành du lịch Hải Phòng phải có những bước chuyển mình nhanh chóng.