Hải Phòng đang nỗ lực, quyết tâm chuyển đổi xanh, trong đó “xanh hóa” du lịch Cát Bà, để phát triển nhanh, bền vững.
Nhiều lợi thế
Đảo ngọc Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng vốn được biết đến là một trong những trọng điểm du lịch của TP Hải Phòng khi được thiên nhiên ưu đãi về cả địa chất, thực vật, động vật phong phú, quý hiếm.
Tháng 9/2023, Quần đảo Cát Bà, TP Hải Phòng với hơn 350 đảo đá vôi kỳ vĩ cùng vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới, là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu.
Vịnh Lan Hạ với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hơn 100 bãi cát vàng cùng những bãi san hô đa sắc màu là thành viên Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới từ năm 2020. Vườn quốc gia Cát Bà được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004, là nơi cư ngụ của hơn 1.500 loài động vật hoang dã, trong đó có voọc Cát Bà, loài linh trưởng hiếm nhất trên thế giới.
Thực tế, diện tích đảo Cát Bà lớn nhất nhì trong các đảo trên cả nước, nhưng phần lớn là diện tích sinh thái, địa chất tự nhiên cần bảo tồn gồm Vườn quốc gia Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển thế giới… Đây cũng là yếu tố đặc thù giúp duy trì không khí đảo luôn tươi mới và hài hòa. Đồng thời, là cơ sở để hòn đảo này phát triển, đẩy mạnh yếu tố "xanh", vươn tầm trên bản đồ du lịch thế giới.
Ông Mai Xuân Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng chia sẻ: “Việc quần đảo Cát Bà cùng với Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới là niềm tự hào của TP Hải Phòng nói chung và người làm du lịch nói riêng. Nói đến quần đảo Cát Bà phải nói đến vịnh Lan Hạ. Rất nhiều tour, đoàn khách quốc tế khi đến Vịnh Lan Hạ đều trầm trồ, khen ngợi đây là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới mà TP Hải Phòng sở hữu. Điều tuyệt vời hơn là trên sân khấu vịnh Lan Hạ đẹp như vậy thì lại có một nhân vật được trình diễn trên đó rất tuyệt vời là vọoc Cát Bà. Do đó, việc giữ được danh hiệu này là cả một vấn đề và biến danh hiệu này thành thương hiệu thì càng ý nghĩa, khó khăn hơn”.
Hướng tới hình mẫu du lịch xanh
Tại Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về phát triển và xây dựng Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu phát triển Hạ Long - Cát Bà - Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Cũng theo Quy hoạch TP Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cát Bà được định hướng phát triển thành điểm đến du lịch xanh đẳng cấp quốc tế.
Còn tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND TP Hải Phòng thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2025 trên địa bàn. Trong đó, chủ đề năm 2025 được xác định là: “Mở rộng không gian kinh tế, đô thị; hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù; tăng cường chuyển đổi xanh, chuyển đổi số”. Chủ đề năm xác định nhiệm vụ trọng tâm để phát triển bứt phá và bền vững. Để thực hiện chủ đề năm, TP Hải Phòng đang khẩn trương xây dựng Đề án chuyển đổi xanh thành phố, trước mắt là xây dựng Cát Bà trở thành đảo xanh.
Thực tế, là một trong những “mắt xích” quan trọng của ngành kinh tế du lịch biển phía Bắc, đảo Cát Bà được kỳ vọng sẽ trở thành hòn đảo du lịch xanh với những dịch vụ lữ hành chất lượng. Đặc biệt, việc Quần đảo Cát Bà cùng với Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới cũng đặt ra những yêu cầu trong phát triển thương hiệu du lịch Cát Bà, với mục tiêu hướng đến là xây dựng Cát Bà trở thành “Điểm đến xanh với nhiều trải nghiệm mới”.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, TP Hải Phòng đã và đang nỗ lực để xây dựng, kiến tạo Cát Bà trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Hiện TP Hải Phòng cũng đưa ra nhiều giải pháo để Cát Bà trở thành hình mẫu du lịch xanh hàng đầu cả nước, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Theo đó, xây dựng, quản lý quy hoạch phát triển đảo Cát Bà trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững, lấy triết lý xanh làm chủ đạo. Thiết kế hạ tầng cơ sở theo hướng nâng cao quy mô, công suất và cập nhật các công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, với tầm nhìn dài hạn.
Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái đồng bộ các sản phẩm phục vụ cho du lịch với trải nghiệm xanh hướng về thiên nhiên và bảo vệ môi trường theo Bộ tiêu chí du lịch xanh. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới chuỗi các sản phẩm du lịch cao cấp nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe, du lịch golf, du lịch sinh thái biển gắn với hoạt động học tập, bảo vệ tài nguyên môi trường. Quảng bá hình ảnh và định vị thương hiệu “Điểm đến xanh” cho Cát Bà qua các kênh truyền thông hiện đại; qua hệ thống sự kiện quy mô lớn... Ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, bảo vệ và khai thác giá trị di sản và phát triển du lịch số.
Cùng với đó, TP Hải Phòng tiếp tục ban hành nhiều giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền khi Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà, tuyên truyền quảng bá phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng...
Ông Vũ Huy Thưởng – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết: “Với mục tiêu hướng đến du lịch Cát Bà trở thành khu du lịch đẳng cấp quốc tế với tiêu chí là điểm đến xanh, nhiều trải nghiệm, trước hết, chúng ta phải có quy hoạch và nghiêm túc thực hiện quy hoạch này để vừa phát huy, vừa bảo tồn được giá trị Di sản thiên nhiên thế giới. Khi có quy hoạch rồi thì phải thiết kế cơ sở hạ tầng có quy mô đủ lớn để tiếp nhận nhu cầu của du khách nhưng không làm tổn hại đến môi trường, cảnh quan của Di sản. Từ việc hình hình thành sản phẩm đến tiêu dùng và cả khách du lịch, cộng đồng dân cư đều phải hướng đến môi trường xanh, đảo xanh tại quần đảo Cát Bà. Tiếp đó, phải tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, hướng đến du lịch có trách nhiệm để giảm thiểu các vấn đề tổn hại đến môi trường, có ý thức bảo vệ môi trường với du lịch...”.
Được biết, trước đó, TP Hải Phòng đã có chính sách hỗ trợ, giải pháp quyết liệt để tháo dỡ hơn 400 lồng bè nuôi trồng thủy sản không đúng quy hoạch, sử dụng vật liệu gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Đồng thời, khuyến khích sử dụng hệ thống xe điện, phương tiện công cộng tại khu vực trung tâm...
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Cát Hải cũng đang triển khai Dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà với mục tiêu đưa Cát Bà thành đảo du lịch không khí thải carbon đầu tiên ở Việt Nam. Dự án nằm ngoài Khu dự trữ sinh quyển thế giới (vùng lõi), không thuộc khu vực bảo vệ 1 và 2 của di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Quần đảo Cát Bà và nằm ngoài vùng đệm của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, không làm ảnh hưởng tiêu cực tới di sản.
Ngoài ra, sau tuyến cáp treo đầu tiên Cát Hải - Phù Long hoàn thành, Tập đoàn Sun Group tiếp tục xây mới tuyến cáp treo Phù Long - Cát Bà, tạo nên hệ thống cáp treo kết nối thẳng từ đảo Cát Hải đến trung tâm thị trấn Cát Bà. Khi dự án hoàn thành, người dân, du khách có thể di chuyển từ nội thành Hải Phòng sang thẳng trung tâm đảo Cát Bà bằng cáp treo nhanh chóng, giảm thiểu khí thải ra môi trường.