Trở lại Vông Viêng - Linh hồn của di sản Hạ Long!

Lê Cường 10/08/2018 09:00

Làng chài Vông Viêng được ví như linh hồn của di sản Hạ Long, bởi nó hội tụ những giá trị độc đáo mà không đâu có được. Nhưng tất cả chỉ còn là hoài niệm.

Từng là địa chỉ “hot” nhất vùng di sản

Nằm cách xa đất liền, trung tâm thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) 25 km, được bao bọc bởi núi non, những năm trước đây làng chài Vông Viêng với gần 60m nhà bè quần tụ sát chân núi mang trong nó vẻ đẹp độc đáo tạo bởi sự kết hợp giữa chất hoang sơ, hùng vỹ, trữ tình của núi non và bản sắc riêng biệt trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tinh thần của một cộng động cư dân sinh sống trên biển, với những nét truyền thống chưa bị mai một trong phong tục, tập quán, ngành nghề của cư dân miệt biển được truyền từ nhiều thế hệ.

Trong bước chân kiếm tìm những điểm du lịch độc và lạ của những du khách thích du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng thì vẻ đẹp của Vông Viêng chính là “lực hút”.

Nhưng người dân Vông Viêng dường như không ý thức được điều đó, họ không biết  mình đang có “vốn quý” về du lịch. Mà ngay cả nhận ra điều đó thì họ cũng không biết sẽ khai thác nó thế nào. Vì vậy mà bao năm, mặc cho khách du lịch rầm rộ đổ về Hạ Long thì Vông Viêng chưa nằm trong danh sách đến thăm của các tua du lịch. 

Rất may là cuối cùng những người làm du lịch đã phát hiện ra Vông Viêng và họ không bỏ lỡ cơ hội. Họ muốn biến những cái mà Vông Viêng đang có trở thành sản phẩm du lịch, và những tua du lịch cộng đồng sẽ kéo dài thời gian lưu trú tại đây.

Người dân sẽ không đứng ngoài cuộc mà sẽ được tổ chức cùng tham gia các dịch vụ phục vụ khách. “Họ cần được chia sẻ quyền lợi khai thác  vịnh Hạ Long, vừa để nâng cao đời sống, vừa để hiểu hơn giá trị của di sản để cùng tham gia bảo vệ danh thắng cho mục tiêu phát triển bền vững”, ông Đoàn Văn Dũng, người có công tìm và đưa Vông Viêng thành điểm đến của du lịch cộng đồng chia sẻ.

Cùng với sự sôi động của Làng chài Vông Viêng những năm trước kia là nguồn thu nhập khá cao cho người dân ở đây nhờ dịch vụ chèo đò

Cùng với sự sôi động của Làng chài Vông Viêng những năm trước kia là nguồn thu nhập khá cao cho người dân ở đây nhờ dịch vụ chèo đò. Ảnh Lê Cường

Có thể bạn quan tâm

  • Trăn trở du lịch cộng đồng (Kỳ I): Câu chuyện của VanMak và làng quê Yên Đức

    Trăn trở du lịch cộng đồng (Kỳ I): Câu chuyện của VanMak và làng quê Yên Đức

    10:00, 28/06/2018

  • Trăn trở du lịch cộng đồng (Kỳ II): Cần cái “bắt tay”

    Trăn trở du lịch cộng đồng (Kỳ II): Cần cái “bắt tay”

    11:16, 30/06/2018

  • Quảng Ninh – Mỏ vàng của du lịch cộng đồng

    Quảng Ninh – Mỏ vàng của du lịch cộng đồng

    08:00, 18/07/2018

Gần 40 nam thanh, nữ tú của làng được xếp vào tổ chèo đò chở khách tham quan, một số hộ gia đình đảm nhận việc đưa khách đi trải nghiệm đánh cá, câu mực, số khác trong nhóm bán hàng lưu niệm hay tham gia chế biến món ăn cho khách, những người có khả năng văn nghệ thì tham gia biểu diễn các điệu dân ca, hò biển trong chương trình giao lưu giữa người dân với du khách.

Đánh bắt cùng ngư dân làng chài

Đánh bắt cùng ngư dân làng chài

Các cụ già trở thành những “kho tư liệu” về làng chài, về mùa trăng, con nước trên vịnh Hạ Long khi du khách muốn tìm hiểu. Nguồn cá tôm trước phải mang đi xa bán, nay đã có thể cung ứng ngay tại chỗ cho khách. Những nhà nổi của người dân, những lồng bè nuôi cá và cả lớp học trên biển cũng trở thành sản phẩm du lịch.

Đồng nghĩa với đó là thu nhập 3 đến 4 triệu đồng một tháng cho mỗi lao động cộng với nguồn thu từ nuôi cá và nghề biển, khiến đời sống người dân Vông Viêng khởi sắc. Lớp học được đầu tư, trẻ em có thêm sách vở, nhiều hộ được tặng phao, thùng đựng nước ngọt bằng nguồn ủng hộ của các vị khách hảo tâm và công tu du lịch.

Từ ngày Vông Viêng đón khách, môi trường cũng trở nên sạch hơn. Mỗi thuyền nan đều có một cây vợt hớt rác, người dân không vứt rác xuống biển, bởi họ hiểu muốn có khách tới thăm, môi trường phải tốt.  

Với du khách, Vông Viêng mang đến cho họ những khám phá thú vị.  Ảnh Lê Cường

Có lẽ vì vậy mà từ vị trí kẻ ngoài cuộc, không mấy ai biết, Vông Viêng nhanh chóng trở thành điểm “hot” với đông đảo du khách nước ngoài, có thời điểm một tháng Vông Viêng đón hàng chục ngàn khách du lịch. Tiếp xúc với bà con, mọi người đều phấn khởi: “ Như thế này là quá tốt, chúng tôi không mong gì hơn”.

Nỗi buồn ngày trở lại

Đầu tháng 7 này, chúng tôi ghé thăm Vông Viêng trong chuyến du lịch trên Vịnh. Nhưng đón chúng tôi là mặt nước vắng lặng nơi trước đông đúc nhà bè của các gia đình.

Làng chài Vông Viêng đã không còn, đúng hơn nó chỉ còn cái tên, còn linh hồn của nó là những người dân thì họ đã lên bờ theo chủ trương của tỉnh Quảng Ninh, nhằm tránh cho bà con rủi ro thiên tai, để trẻ em có điều kiện học hành tốt hơn và để bảo vệ môi trường vịnh.

Khi làng chài lên bờ, nhiều dịch vụ hút khách như đi thăm lớp học trên biển, thăm nhà bè của hộ dân, đánh cá trên vịnh, ngủ đêm trên làng chài,  không có “đất” để thực hiện đã gần như chấm dứt.

Nhà cộng đồng nhưng vắng bóng người. Ảnh Lê Cường

Hai dịch vụ bơi chải thuyền rồng được đông đảo khách du lịch chào đón bởi tính thể thao, sự sôi động, khoáng hoạt và nét đẹp văn hóa độc đáo của người miền biển và bữa ăn với 3 món hải sản tươi được đánh bắt, chế biến tại chỗ trong thực đơn dành cho khách kết hợp biểu diễn văn nghệ dân ca, hò biển cũng nhận được yêu cầu tạm dừng.

Đã mấy năm trôi qua, câu trả lời có tổ chức trở lại những hoạt động này hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Được biết khi dịch vụ đua thuyền rồng tại Vông Viêng có yêu cầu tạm dừng thì tại Hải Phòng, dịch vụ này lại được cấp phép tổ chức, thu hút khá đông khách du lịch tham gia.

Không còn các buổi tập luyện, biểu diễn, đội văn nghệ tản mát, kĩ năng nghề có nguy cơ mai một, đạo cụ xếp kho bị mục, hỏng. Nhìn lại những bức ảnh về “một thời sôi nổi” với sự đông vui, hào hứng của du khách và người dân trong các cuộc đua thuyền, những đêm ẩm thực, văn nghệ và nghe ông Nguyễn Văn Hùng người dân làng chài nói về công sức và kinh phí đã bỏ ra với những sản phẩm du lịch này mà thấy cảm thông hơn với nỗi khắc khoải chờ đợi việc cấp phép trở lại.

Đội dịch vụ chèo đò cũng vất vả hơn khi mỗi ngày vượt 25 km từ đất liền ra làng chở khách, tối lại theo tàu về đất liền. Ngoài thiên nhiên, trên hành trình thăm thú của khách, những nhà bè nuôi cá là nơi duy nhất khách có thể tham quan.

Đúng hơn là còn một vài nhà bè trước vốn là nhà ở và lớp học được giữ lại như một cách bảo tồn, giới thiệu với khách về một làng chài đã từng có. Tuy nhiên do không người ở, nó hoang tàn, trống trải, không gợi cảm hứng để du khách ghé thăm. 

Không có nhiều hoạt động để tham gia, vắng bóng một cộng đồng dân cư giàu bản sắc, những chuyến thăm “làng chài”, (thực chất giờ đây nó đâu còn), thường kết thúc chóng vánh với ấn tượng nhạt nhòa và có phần hụt hẫng. Đặc biệt với những ai trước khi đến đã được nghe kể về Vông Viêng. 

Hỏi về cuộc sống của bà con khi lên bờ, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngoài con số lao động chèo đò và một số hộ tiếp tục nghề chài lưới nhưng mưu sinh giờ khó khăn hơn do sự xa xôi về mặt địa lý để tiếp cận khu vực đánh bắt, người trong tuổi lao động được đưa vào làm dịch vụ tại các nhà hàng, đưa vào các nhà máy làm gạch, lái taxi hoặc hành nghề xe ôm.

Nhưng phần đông không “đấu” nổi với những người trên đất liền về kĩ năng, sự thành thạo và cả sự ma mãnh nữa nên có người đã bán nhà, sắm thuyền, tiếp tục cuộc sống trên biển.

Khi chiều đổ, những ngôi nhà hoang vắng và buồn tẻ. Ảnh Lê cường

Khi chiều đổ, những ngôi nhà hoang vắng và buồn tẻ. Ảnh Lê cường

Chúng tôi rời Vông Viêng khi trời đã ngả chiều. Những nhà bè hoang vắng, im lìm đổ bóng dài trên mặt vịnh. Nhìn lại nơi vốn là một làng chài đông đúc và ấm cúng, nay là mặt nước trống trải, chỉ có gió và những gợn sóng, chợt thấy trong lòng một nỗi bâng khuâng, nuối tiếc.

Ông Ghê Ra một chuyên gia nghiên cứu về du lịch người Hà Lan chia sẻ, “Không chỉ vẻ đẹp thiên nhiên, những làng chài trên vịnh Hạ Long cũng chính là kỳ quan, là di sản và người dân làng chài là linh hồn của di sản ấy. Tiếc, nhưng cũng chia sẻ về ý nghĩa nhân văn của tỉnh Quảng Ninh về việc di chuyển bà con lên đất liền. Tuy nhiên, đây vẫn là một điểm rất hút khách du lịch, những trò chơi như đua thuyền rồng, ca hát để tạo nên sự sôi động hơn, sức hút hơn là việc chính quyền cần quan tâm để doanh nghiệp khai thác phát triển du lịch”.  

Lê Cường