MỞ CỬA DU LỊCH: Doanh nghiệp "ngóng" hướng dẫn chính thức
Nhiều doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi hướng dẫn chính thức về các quy định thời gian cách ly với khách quốc tế từ Bộ Y tế.
>>MỞ CỬA DU LỊCH: Sẵn sàng đón các chuyến bay quốc tế
Theo dự thảo phòng chống Covid-19 với người nhập cảnh đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cũng đề xuất người nhập cảnh qua đường hàng không cần có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp PCR trong 72 giờ hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong 24 giờ trước khi về Việt Nam, trừ trẻ em dưới 2 tuổi. Giấy chứng nhận xét nghiệm được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp.
Những người này không cần xét nghiệm sau khi nhập cảnh, nhưng cần thực hiện các biện pháp phòng dịch như người đã lưu trú tại Việt Nam.
Người nhập cảnh qua đường khác cần có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Những người chưa có thì xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính trong 24h kể từ khi nhập cảnh.
Tất cả người nhập cảnh phải khai báo y tế và dùng ứng dụng PC-Covid trong suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam...
Những đề xuất nêu trên của Bộ Y tế đã “cởi mở” hơn so với quy định hiện hành và được cho là sẽ gỡ bỏ những rào cản y tế, góp phần thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam ngay khi du lịch mở cửa.
Chia sẻ quan điểm về đề xuất này, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, đề xuất mới đây của Bộ Y tế với khách nhập cảnh đã thông thoáng hơn đề xuất trước đó, trong đó khách du lịch quốc tế nhập cảnh, thậm chí không cần chứng nhận tiêm vắc xin. Tuy nhiên, theo ông, việc không cần chứng nhận tiêm lại thông thoáng quá khi dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Ông Vũ Thế Bình đề nghị thêm, chúng ta đã quy định dừng lại tất cả các việc cấp visa cho khách khi bắt đầu có dịch Covid-19. Vậy bây giờ chúng ta đã có đầy đủ cơ hội, thì phải mở cửa, mà đã mở cửa thì phải mở visa cho khách vào Việt Nam. Còn về cách ly y tế, chúng ta cần linh hoạt hơn trong tình hình mới, không tạo thêm khó khăn cho phục hồi kinh tế. "Đặc biệt, những chính sách đã ban hành cần phải dễ hiểu, dễ thực hiện và mong rằng những quy định đó nên làm đơn giản hóa, để các doanh nghiệp có thể triển khai được" - ông Bình nhấn mạnh.
Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng, mặc dù đang gần tới thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa lại vào ngày 15/3, tuy nhiên cho đến hiện nay, chưa có hướng dẫn chính thức nào liên quan đến hướng dẫn cách ly y tế cũng như áp dụng trở lại chính sách miễn thị thực. Tất cả vẫn chỉ là những thông tin đề xuất của các Bộ, ngành.
Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel bày tỏ, không phải cứ mở cửa ra là có khách quốc tế ngay, mà doanh nghiệp cần thời gian để làm thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm, chào bán tour… trong khi đó, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nẵm rõ hướng dẫn chính thức về các chính sách nhập cảnh mới để làm việc với đối tác.
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group cũng nhận định, thời hậu Covid-19, cơ hội là như nhau cho các quốc gia, nước nào thích ứng nhanh, chuẩn bị tốt thì sẽ có nhiều cơ hội. “Chúng ta đang quá chậm so với các nước trong khu vực và Việt Nam tự đặt ra quá nhiều rào cản phục hồi cũng như chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành để phát triển du lịch như một ngành kinh tế thực sự”- ông Hà chia sẻ.
>>MỞ CỬA DU LỊCH: Nới lỏng nhưng không buông lỏng
Từ góc độ chuyên gia y tế, ông Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định: “Nới lỏng nhưng không buông lỏng. Chúng ta mở cửa an toàn, có mở cửa mới có khách du lịch. Nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng đồng bộ”.
Ông Phu đánh giá, ngành du lịch có đặc điểm phức tạp vì liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau (ngoài trời, phòng kín…). Đồng thời tiếp xúc nhiều nhóm người lạ khác nhau, liên quan tới nhiều ngành, nhiều đơn vị, nhiều địa phương.
Do đó, chính sách phòng bệnh đặc thù cũng cần áp dụng linh hoạt cho từng hoạt động. “Cần mở cửa đồng bộ nhưng phòng bệnh cũng phải đồng bộ. Chỉ đạo hướng dẫn đồng bộ nếu mỗi địa phương làm một kiểu du khách không biết thực hiện như thế nào. Bên cạnh đó, khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế khẳng định.
Về cách xử lý, nguyên Cục trưởng Cục Y tế nhấn mạnh cần sự phối hợp giữa quản lý tour, địa phương, quản lý địa điểm du lịch, y tế, chính quyền địa phương. Không lạm dụng đánh giá F1, cách ly theo quy định. Cùng với đó, cần có hướng dẫn chung toàn ngành, toàn quốc, tránh mỗi nơi làm một kiểu, truyền thông phổ biến cho khách nắm được quy định, biên soạn cẩm nang, tờ rơi hướng dẫn.
“"Dĩ bất biến ứng vạn biến", tuỳ theo tình hình xử lý linh hoạt và nới lỏng nhưng vẫn dự phòng đồng bộ, bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn phải đánh giá rủi ro. Mong rằng trên cơ sở khoa học và thực tiễn này để thống nhất cách làm thông thoáng hơn. Chúng ta cũng mạnh dạn mở cửa ngày 15/3 tới đây”, PGS TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
MỞ CỬA DU LỊCH: Cần nâng cao chất lượng lao động hơn
01:52, 13/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: Nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng đồng bộ
01:32, 13/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: Bốn vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm
00:00, 13/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không kiến nghị về mở cửa du lịch
00:00, 13/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở lưu trú
00:00, 13/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: Chờ Chính phủ “khơi thông” chế độ visa khách quốc tế
00:00, 13/03/2022