Du lịch Quảng Nam nỗ lực trở lại đường đua
Đến hiện tại, cộng đồng du lịch Quảng Nam đang nỗ lực tìm cách sớm tái khởi động toàn bộ sản phẩm, dịch vụ để phục hồi ngành sau 2 năm “đóng băng”.
>>“Gỡ khó” cho du lịch Quảng Nam
Các chính sách ưu đãi với thị trường quốc tế đang được cộng đồng doanh nghiệp triển khai, công bố để khách du lịch sớm tiếp cận, quay lại với Quảng Nam.
Doanh nghiệp tìm động lực
Trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách tham quan, lưu trú Quảng Nam ước đạt hơn 1,55 triệu lượt (tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2021). Mặc dù thị trường du lịch nội địa có nhiều dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên các thị trường quốc tế truyền thống vẫn chưa thể “khơi thông”.
Chính vì thế, việc khôi phục du lịch trong năm 2022 vẫn chỉ có thể ở mức đủ để duy trì hoạt động. Cùng với đó, việc khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ cũng đã khiến các doanh nghiệp thay đổi kế hoạch hoạt động, linh hoạt thích ứng với thời cuộc.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương cho rằng các doanh nghiệp không nên chờ đợi vào các chính sách hỗ trợ mà nên “tự thân vân động”. Theo ông Thủy, doanh nghiệp cần linh hoạt thay đổi chiến lược kinh doanh, làm mới sản phẩm cũng như cải tạo cơ sở vật chất để thu hút khách du lịch.
“Doanh nghiệp nên tự xoay sở theo thực trạng, chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp cùng với áp dụng chuyển đổi số. Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạng, không nôn nóng, xác định thị trường truyền thống để quảng bá sản phẩm, công bố các chương trình khuyến mãi. Hơn hết là tận dụng Đề án phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng để phát triển các sản phẩm bền vững phù hợp với bối cảnh để khách du lịch an tâm trải nghiệm”, ông Nguyễn Sơn Thủy chia sẻ.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Để sớm khôi phục ngành du lịch, UBND tỉnh Quảng Nam đã liên tục xây dựng các kịch bản mới áp dụng trên toàn đi bàn. Đồng thời, địa phương này cũng tích cực kiến nghị với Chính phủ, Bộ, ngành liên quan để thống nhất các phương án hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã bàn hành Đề án phát triển du lịch xanh để xây dựng các mô hình, sản phẩm mới. Doanh nghiệp khi tham gia thực hiện sản phẩm xanh sẽ được hỗ trợ về nhân lực và trí lực để phát triển nhằm thu hút khách du lịch thông qua các hoạt động trải nghiệm phù hợp với nhu cầu mới.
Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam thông tin đến hiện tại đã có khoảng 85% các doanh nghiệp du lịch đã mở cửa hoạt động đón khách. Trong đó, có khoảng 60% lực lượng lao động trong ngành du lịch đã trở lại làm việc.
“UBND tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động du lịch. Trong đó, chỉ đạo rà soát lại các không gian xanh, đất đông nghiệp bỏ hoang, các dự án treo quá lâu, dành ra quỹ đất để phát triển các làng nghề du lịch xanh và các dịch vụ đặc trưng Quảng Nam”, ông Sơn đề xuất.
Theo ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam các doanh nghiệp cần sớm thực hiện chuyển đổi số ngành du lịch, dụng các phần mềm về du lịch thông minh, khuyến khích đưa các hình thức thanh toán thương mại điện tử. Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá xúc tiến du lịch với nhiều hình thức khác nhau như mạng xã hội, qua các nền tảng thông minh.
“Địa phương sẽ đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch giữa các địa phương với nhau, giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Tăng cường liên kết các dịch vụ như hàng không, thương mại để cộng đồng doanh nghiệp tăng cơ hội phục hồi”, ông Trần Văn Tân nói.
Có thể bạn quan tâm