Du lịch Việt Nam có 6 chỉ số trụ cột xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới

LINH NGA 13/06/2022 00:36

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF), 3 quốc gia có sự thăng hạng cao nhất về chỉ số năng lực phát triển du lịch gồm: Việt Nam, Indonesia và Saudi Arabia.

>>Lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng nhanh thứ 4 trên thế giới

Nguồn: Tổng cục Du lịch

Nguồn: Tổng cục Du lịch

Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), du lịch Việt Nam xếp hạng thứ 52 trên 117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Đây là mức tăng cao thứ 3 thế giới, sau Indonesia (tăng 12 bậc) và Ả rập Xê út (tăng 10 bậc). 

Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 đánh giá, xếp hạng 117 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 17 chỉ số trụ cột với 112 chỉ số thành phần, xếp theo 5 nhóm, gồm: Môi trường hoạt động; Chính sách và tạo điều kiện cho du lịch; Cơ sở hạ tầng; Động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch và Sự bền vững của du lịch.

Việt Nam có 6 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới trong 17 chỉ số trụ cột (hạng 1-35), gồm có: Sức cạnh tranh về giá, xếp hạng 15 thế giới; Tài nguyên tự nhiên, xếp hạng 24; Tài nguyên văn hóa, xếp hạng 25; Hạ tầng hàng không, xếp hạng 27; Tài nguyên phi giải trí, xếp hạng 29; An toàn, an ninh, xếp hạng 33. Đây là bước tiến bộ đột phá so với năm 2019 khi Việt Nam chỉ có 3 chỉ số được xếp vào nhóm này là sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có 7 chỉ số trụ cột được xếp trong nhóm hạng trung bình cao của thế giới (hạng 36-70) là: Môi trường kinh doanh, xếp hạng 42; Nhân lực và thị trường lao động, xếp hạng 49; Hạ tầng mặt đất và cảng, xếp hạng 50; Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông, xếp hạng 54; Sức chống chịu kinh tế - xã hội, xếp hạng 61; Sức ép và tác động của nhu cầu du lịch, xếp hạng 66; Mức độ mở cửa quốc tế, xếp hạng 69.

Trong 17 chỉ số trụ cột, Việt Nam có tới 13 chỉ số được xếp vào nhóm từ trung bình cao cho đến nhóm dẫn đầu thế giới. Đặc biệt, những chỉ số tăng hạng nhiều nhất như: Môi trường kinh doanh tăng 30 bậc; Nhân lực và thị trường lao động tăng 27 bậc; Sức cạnh tranh về giá tăng 20 bậc; An toàn, an ninh tăng 16 bậc; Hạ tầng mặt đất và cảng tăng 15 bậc. Đây là những động lực chủ yếu giúp Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp vào 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất thế giới.

Những thế mạnh có thể kiến tạo động lực phát triển của du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới đã có sự cải thiện rất đáng kể, bao gồm 6 chỉ số trụ cột nằm trong nhóm chỉ số dẫn đầu thế giới (hạng 1-35). Trong đó có sự bổ sung của những chỉ số rất quan trọng như an toàn, an ninh là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong thời kỳ sau đại dịch. Bên cạnh đó là hạ tầng hàng không - chỉ số then chốt quyết định khả năng kết nối đi lại du lịch. 7 chỉ số khác của Việt Nam nằm trong nhóm trung bình cao (hạng 36-70) cũng là những yếu tố sẽ góp phần định hình sự phục hồi và phát triển của ngành Du lịch sau đại dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những chỉ số tăng hạng thì du lịch Việt Nam vẫn còn một số nhóm chỉ số bị sụt giảm, dù mức độ sụt giảm không nhiều, chỉ từ 1 đến 3 bậc so với năm 2019 như: Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông, giảm 2 bậc; Hạ tầng dịch vụ du lịch, giảm 1 bậc; Mức độ ưu tiên cho ngành Du lịch, giảm 3 bậc; Sự bền vững về môi trường, giảm 2 bậc.

4 chỉ số bị xếp hạng thấp nhất của du lịch Việt Nam là: Y tế và vệ sinh, xếp hạng 73; Hạ tầng dịch vụ du lịch, xếp hạng 86; Mức độ ưu tiên cho ngành Du lịch, xếp hạng 87; Sự bền vững về môi trường, xếp hạng 94.

>>Ngành du lịch Việt: Định hình vòng quay kinh tế số

Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh, chuyên đề chuyển đổi số, động lực phát triển bền vững

Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh. Chuyên đề II: Chuyển đổi số, động lực phát triển bền vững.

Phát biểu mới đây tại Diễn đàn "luồng xanh" cho du lịch cất cánh Chuyên đề II: Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp đã tổ chức, các ý kiến đều cho rằng, để phục hồi du lịch sau những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, chuyển đổi số được coi là giải pháp, cũng là hướng đi tất yếu giúp du lịch tăng tốc bứt phá và phát triển bền vững. Song muốn chuyển đổi số hiệu quả, ngành công nghiệp không khói Việt Nam còn cần vượt qua nhiều rào cản để tạo hệ sinh thái đồng bộ cũng như cần có những tính toán kỹ lưỡng trong đầu tư nguồn lực, đổi mới hạ tầng.

Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số du lịch, tập trung vào một số nội dung như: Mỗi doanh nghiệp du lịch là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số; tạo làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào du lịch; phát triển các nền tảng số kết nối cung cầu du lịch. Đào tạo chuyên ngành về du lịch thông minh và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành du lịch.

“Hệ sinh thái số du lịch không chỉ đem lại sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao trải nghiệm du lịch, vì vậy, qua các ứng dụng trên nền tảng số để đưa kinh tế số du lịch đến từng người dân"- ông Đường cho hay. 

Ở góc độ doanh nghiệp ông Ngô Minh Đức – Nhà sáng lập Gotadi, Chủ tịch HG Holdings tự tin và quyết tâm xây dựng đội ngũ của riêng Gotadi để làm chủ công nghệ mặc dù đây là một việc không hề dễ với các công ty Việt Nam do những đòi hỏi lớn về đầu tư nhân sự và công nghệ.

“Nhiều người vẫn nghĩ rằng, các trang nước ngoài vượt trội hơn về mọi mặt nên chưa để ý đến những trang như Gotadi của người Việt. Nhưng, chúng tôi tin là sẽ thuyết phục người Việt dùng hàng Việt chất lượng. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng một hệ sinh thái trong ngành du lịch, có thể cung cấp mọi dịch vụ liên quan từ hàng không, du thuyền, khách sạn, tour du lịch... với khát vọng “chắp cánh” cho du lịch Việt bay nhanh hơn, xa hơn” – ông Đức nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành du lịch Việt: Định hình vòng quay kinh tế số

    Ngành du lịch Việt: Định hình vòng quay kinh tế số

    04:00, 12/06/2022

  • Quảng Ninh: Đề xuất tiếp tục miễn phí tuyến xe buýt đi sân bay Vân Đồn để kích cầu du lịch

    Quảng Ninh: Đề xuất tiếp tục miễn phí tuyến xe buýt đi sân bay Vân Đồn để kích cầu du lịch

    02:00, 11/06/2022

  • Cần “cú hích”p/du lịch Việt Nam

    Cần “cú hích” du lịch Việt Nam

    04:00, 10/06/2022

  • Du lịch nội địa là “bệ đỡ” cho du lịch quốc tế

    Du lịch nội địa là “bệ đỡ” cho du lịch quốc tế

    21:52, 01/06/2022

  • CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Cân bằng cán cân trực tuyến

    CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Cân bằng cán cân trực tuyến

    11:00, 20/05/2022

  • CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Con đường tất yếu

    CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Con đường tất yếu

    04:00, 20/05/2022

LINH NGA