"Làm mới" Đà Nẵng
Sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, thành phố cũng đang đứng trước thách thức làm mới của chính mình.
>>> Đà Nẵng tìm cơ hội mở rộng đường bay hút khách du lịch quốc tế
Ông Hồ Kỳ Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Đà Nẵng cho biết, dưới sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có với những thiệt hại nặng nề, hàng loạt hoạt động từ du lịch đến thương mại gần như tê liệt.
Tín hiệu sáng trở lại
Theo ông Minh, đại dịch Covid-19 như một khoảng lặng lớn để thành phố Đà Nẵng nhìn nhận lại những kết quả đạt được, những điểm còn thiếu sót trong công tác phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch cùng chiến lược xây dựng thương hiệu điểm đến cho Đà Nẵng, đặc biệt là suy nghĩ những bước đi mới, cách làm mới để đưa Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống.
Trên thực tế, ngay từ đầu năm 2022, với định hướng “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, thành phố đã liên tục ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch khôi phục hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời triển khai xây dựng hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới.
Điển hình như đưa vào hoạt động Công viên APEC mở rộng, tuyến đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn, bãi biển đêm Mỹ An, phố du lịch An Thượng, các doanh nghiệp đã nâng cấp, đầu tư thêm các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, lễ hội mới tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu nghỉ dưỡng Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa (khai trương ngày 08/6/2022).
Đà Nẵng cũng tổ chức chuỗi các sự kiện văn hóa du lịch đặc sắc. Nổi bật là Lễ hội tận hưởng mùa Hè Đà Nẵng 2022 diễn ra từ 11/6-15/8 với nhiều sự kiện quy mô lớn như các đại nhạc hội, carnival đường phố, lễ hội âm nhạc điện tử quốc tế EDM, không gian ẩm thực truyền thống và bia quốc tế…
Nhờ đó, lĩnh vực du lịch lưu trú và ăn uống phục hồi tích cực và bứt phá kể từ cuối quý I/2022, nhiều khu, điểm du lịch đón được lượng khách lớn, công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần đạt 70-75%. Doanh thu du lịch 6 tháng ước tăng 41% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu dịch vụ lưu trú quý II/2022 gấp 2,8 lần cùng kỳ.
Thống kê từ khi “mở cửa bầu trời” tới cuối tháng 6/2022, Đà Nẵng đã đón 286 chuyến bay quốc tế với 35.000 lượt khách. Và ngày 24/6 vừa qua, Đà Nẵng đón 120 chuyến bay nội địa và quốc tế tới thành phố, con số kỷ lục, vượt mốc cao nhất của năm 2019 - thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa xảy ra.
Mới đây, Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam đăng cai Diễn đàn phát triển đường bay Châu Á 2022. Với việc tổ chức thành công sự kiện tầm cỡ quốc tế duy nhất về hàng không và du lịch của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thành phố cũng như ngành du lịch kỳ vọng sẽ tạo ra một cơ hội mới để quảng bá điểm đến với các nước trên thế giới.
Dự kiến 6 tháng cuối năm 2022, sẽ có 15 hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Malaysia… đến Đà Nẵng với tổng tần suất 90 chuyến/tuần. Ngoài ra, thành phố cũng dự kiến xúc tiến mở đường bay tới Ấn độ, Philippines… Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng cho du lịch Đà Nẵng sau hơn 2 năm chịu tác động chưa từng có bởi bão Covid-19.
Nắm cơ hội sau đại dịch
Tuy nhiên, ông Hồ Kỳ Minh- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng: Để nắm cơ hội từ làn sóng du lịch sau đại dịch, Đà Nẵng cũng đứng trước thách thức làm mới của chính mình, làm sao để duy trì sức hấp dẫn trong mắt du khách, xứng danh thành phố đáng đến.
Cùng với nỗ lực trở thành thành phố đáng đến để vui chơi, nghỉ dưỡng, trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội đầu tư, Đà Nẵng cũng bước vào hành trình bảo vệ danh xưng “đáng sống” đã gắn với thành phố sông Hàn trong suốt những năm qua. Đồng thời hướng tới mục tiêu xa hơn, trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới.
Có thể bạn quan tâm |
Bảng xếp hạng 10 thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2022 vừa được công bố mới đây đã gọi tên các thành phố như Vienna (Áo); Copenhagen (Đan Mạch); Zurich (Thụy Sĩ), Melbourne (Úc), Osaka (Nhật Bản)... "Thật khó để đặt Đà Nẵng lên bàn cân, so sánh với các thành phố danh tiếng nói trên, nhưng nhìn vào những tiêu chí đánh giá của Tạp chí Economist như chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận không gian xanh…, thành phố cần có những trăn trở và định hướng chiến lược bài bản để hướng tới mục tiêu thành phố đáng sống".
Với địa hình vừa có núi, có sông, có biển, Đà Nẵng không chỉ sở hữu tiềm năng to lớn về du lịch mà còn hội tụ nhiều lợi thế để phát triển các khu đô thị kiểu mẫu, tiện ích cảnh quan đặc sắc. Đây cũng là yếu tố để tạo sức bật mới cho hạ tầng đô thị, phát huy lợi thế thành phố bên sông.
"Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới, và điều này phụ thuộc trước hết vào việc xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng du lịch và hạ tầng đô thị xứng tầm. Có thể nói đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức mà thành phố cần tập trung giải quyết trong thời gian tới"- ông Minh bày tỏ.
Theo GS. TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Đà Nẵng là nơi sống tốt, làm việc tốt và cống hiến tốt. Điều này thể hiện qua những yếu tố như thiên nhiên tốt đẹp, xã hội yên bình, con người thân thiện, đô thị thông minh; chính quyền “tốt”, môi trường kinh doanh lành mạnh, mức độ cạnh tranh cao, môi trường khuyến khích sáng tạo, phát huy tài năng.
Ông Thiên dẫn chứng GRDP Đà Nẵng so sánh với 2010 tăng 8 lần; GRDP/người: tăng 8,3 lần, từ 502 USD lên 4.171 USD. Vị thế kinh tế quốc gia của Đà Nẵng (% GDP) từ 1,22% lên 1,88%. Số lượng DN (2020) tăng 2,7 lần. Dự án FDI cấp mới và tăng thêm từ 2 dự án (2000) lên 133 dự án (2019). Khách du lịch đến tăng 55 lần (đạt gần 8,7 triệu năm 2019).
Tuy nhiên, theo ông Thiên, Đà Nẵng cần đẩy mạnh triển khai kinh tế đêm, quy hoạch và phát triển khu vực kinh tế đêm hiện đại cao cấp như Clarke Quay của Singapore, các khu vực dịch vụ giải trí biển. Đầu tư, phát triển nâng tầm chất lượng các điểm du lịch đã nổi tiếng ví dụ Sun World Ba Na Hills.
Về đầu tư, Đà Nẵng đang chuyển dịch cơ cấu để trở thành trung tâm công nghiệp – công nghệ cao; Tổ hợp đô thị - Công nghiệp – Dịch vụ hiện đại, mở ra không gian phát triển, không gian sống mới, thu hút nhân lực chất lượng cao… Đồng thời trở thành nơi làm tổ của các đại bàng, các nhà đầu tư với các dự án lớn, đẳng cấp, có dấu ấn.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, bà Trần Nguyện - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World cũng đã chia sẻ nhiều tâm huyết và định hướng sản phẩm mới mà Sun Group sẽ đem đến cho Đà Nẵng thời gian tới, để thành phố “đã đẹp sẽ còn đẹp hơn, đã đáng đến sẽ còn đáng đến hơn nữa, nhiều trải nghiệm độc đáo hơn nữa”.
Cụ thể, không chỉ mang tới một mùa hè 2022 sôi động cho Đà Nẵng với nhiều sự kiện và lễ hội đẳng cấp trong chuỗi lễ hội Take me to the Sun, tới cuối năm 2022, Sun Group sẽ ra mắt 3 show diễn mới là show Núi lửa, show Bông hồng vàng và show Piano bay tại Sun World Ba Na Hills. Năm 2023, công trình Hầm rượu Bà Nà cũng được hoàn thành. Đây là công trình có kiến trúc đặc biệt ấn tượng, và là nơi du khách có thể tìm hiểu quy trình sản xuất rượu vang chuẩn Pháp cũng như thưởng thức những loại vang được làm ngay tại Bà Nà.
“Rất nhiều sản phẩm đang được Sun Group ấp ủ cho Đà Nẵng. Chúng tôi mong rằng, du khách sẽ không bao giờ gặp lại một Đà Nẵng cũ. Thành phố này sẽ luôn luôn mới, với các sản phẩm du lịch không đâu có được”, bà Nguyện khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Chính phủ lưu ý gì đối với doanh nghiệp đầu tư vào Đà Nẵng?
00:19, 26/06/2022
Doanh nghiệp kiến nghị nhiều giải pháp "đón sóng" đầu tư cho Đà Nẵng
00:14, 26/06/2022
Đà Nẵng kêu gọi đầu tư tại 7 dự án mới
16:04, 25/06/2022
Đà Nẵng mở rộng cửa đón “dòng chảy” đầu tư
15:00, 25/06/2022
Kinh tế Đầu tư: Đà Nẵng khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt
13:35, 23/06/2022