Thái Bình: Nỗ lực phục hồi ngành “công nghiệp không khói”
Sau khi hoạt động du lịch mở cửa hoàn toàn, nhiều điểm đến trong tỉnh Thái Bình đã đón du khách trở lại. Đây là tín hiệu vui cho thấy du lịch bắt đầu phục hồi dù còn nhiều khó khăn trước mắt.
>>>“Sức bật” nào cho kinh tế Thái Bình?
>>>Tạo “đường băng” cho Thái Bình “cất cánh”
Tín hiệu phục hồi
Trong thời điểm hoạt động du lịch đang dần khởi sắc, cùng với các địa phương trên cả nước, du lịch Thái Bình đã có bước phục hồi tích cực, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch có sự gia tăng trở lại ở các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, khu, điểm du lịch; tổng lượng khách ước đạt 395.044 lượt (tăng 73% so với cùng kỳ), trong đó chủ yếu là khách du lịch nội địa; doanh thu ước đạt 265,2 tỷ đồng (tăng 160% so với cùng kỳ); thời điểm mở cửa lại hoạt động du lịch vừa qua, trong đợt 30/4 - 1/5/2022, số lượng khách du lịch ước đạt 82.500 lượt, tăng từ 100 - 150% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình, để kích cầu du lịch và vực dậy ngành “công nghiệp không khói”, thời gian qua các cấp, các ngành chức năng của tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Được biết, hiện nay tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang phát triển đa dạng sản phẩm du lịch: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Đối với loại hình du lịch tâm linh, toàn tỉnh hiện có 2.969 thiết chế văn hóa cổ, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 123 di tích cấp quốc gia, 581 di tích cấp tỉnh. Đối với du lịch cộng đồng, trải nghiệm, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một số hộ dân bắt đầu khai thác loại hình này như các vườn trồng cây ăn trái, trang trại kết hợp nông nghiệp, làng vườn cây cảnh...
Theo ông Vũ Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Phú, năm du lịch quốc gia 2022 là cơ hội để các đơn vị du lịch, lữ hành trong toàn tỉnh Thái Bình nói chung và khu du lịch sinh thái cồn Đen nói riêng đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, sản phẩm du lịch đặc sắc của mình tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Xác định du khách khi đến với cồn Đen là đến với Thái Bình, doanh nghiệp chuẩn bị những gian hàng là đặc sản của “Quê hương” để du khách có thể mang về những sản phẩm chất lượng làm quà tặng cho gia đình, bạn bè, đồng thời có cả những gian hàng là sản phẩm OCOP của một số tỉnh, thành phố để du khách có thể tham quan, đặt mua những đặc sản vùng miền khác. Những ngày qua, sản phẩm được du khách ưa chuộng là sứa muối, nước mắm, bánh cáy... đều là những đặc sản của Thái Bình.
Song song với việc khai trương khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, tại khu du lịch sinh thái cồn Đen còn triển khai một số công trình mới, mang đến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách như dãy nhà nghỉ Bungalow dưới rừng thông, khu vực đồng quê với hình ảnh đặc trưng của làng quê Bắc Bộ, những vườn hoa rực rỡ sắc màu...
Hướng tới phát triển du lịch xanh
Theo bà Nguyễn Lan Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Bình, hiện nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh và xã Bách Thuận (Vũ Thư) đang tích cực phối hợp với tổ chức Car Free Day của Nhật Bản khảo sát các tuyến đường thực hiện dự án phát triển du lịch bằng xe đạp, hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững. Đồng thời, cùng nghiên cứu để có thể đưa ra những sản phẩm du lịch độc đáo.
Vừa qua, làng vườn Bách Thuận đã đưa vào sử dụng cổng văn hóa “Làng vườn Bách Thuận” và tổ chức triển lãm sinh vật cảnh thu hút sự quan tâm của các nghệ nhân sinh vật cảnh từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái tại làng vườn trong thời gian tới. Với những thế mạnh vốn có cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương, những tín hiệu vui của du lịch sinh thái đang dần hiện hữu tại Bách Thuận.
Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng để phát triển đồng thời đã có những tín hiệu tích cực sau khoảng thời gian “đóng băng” bởi dịch COVID-19 nhưng nhìn chung lượng khách đến với Thái Bình chưa đông mà đa phần hoạt động của các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh hiện nay là đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng tại các địa phương khác trong cả nước.
Ông Vũ Mạnh Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Bình cho biết: So với các địa phương khác thì Thái Bình vẫn chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng trong khi nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch đã sớm triển khai những gói kích cầu trong mùa du lịch hè năm nay.
Ông Bùi Văn Khoa, khu du lịch sinh thái cồn Đen cho rằng Khu du lịch Cồn Đen đã nỗ lực đầu tư kinh phí nâng cấp, cải tạo cảnh quan, môi trường, đầu tư thêm những tiện ích mới. Mong rằng đây sẽ là những điểm nhấn ấn tượng về khu du lịch sinh thái xanh. Không chỉ khu du lịch sinh thái cồn Đen, những điểm đến trên địa bàn tỉnh cũng đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hấp dẫn để thu hút du khách đến với Thái Bình./.
Có thể bạn quan tâm