Giải bài toán nguồn nhân lực du lịch
Tốc độ phục hồi của nhân lực ngành du lịch vẫn chưa theo kịp tốc độ phục hồi của ngành. Lượng khách tăng nhanh trở lại đặt ra thách thức cho ngành du lịch thành phố vì thiếu hụt nguồn nhân lực.
>>Phát triển du lịch văn minh và thân thiện
Mùa cao điểm du lịch hè 2022, lượng khách nội địa và quốc tế đến với Việt Nam tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động du lịch tại thành phố ghi nhận sự bùng nổ. Lượng khách tăng trưởng mạnh qua từng tháng.
Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của nhân lực ngành du lịch vẫn chưa theo kịp tốc độ phục hồi của ngành. Lượng khách tăng nhanh trở lại đặt ra thách thức cho ngành du lịch thành phố vì thiếu hụt nguồn nhân lực.
Nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết dù "giữ chân" nhiều nhân sự nòng cốt, thạo việc trong giai đoạn dịch COVID-19, tuy nhiên, lực lượng này chưa đủ đáp ứng nhu cầu du lịch đang tăng cao.
Thực trạng đầy khó khăn
Theo báo cáo mới nhất về nhân sự của Tổng cục Du lịch, Việt Nam nằm trong top những nước mất nhiều nhân sự ngành du lịch nhất do đại dịch. Trong năm 2020, khoảng 52% lao động ngành du lịch đã nghỉ hoặc chuyển việc. Số nhân sự làm đủ thời gian chỉ chiếm 24%. Lực lượng lao động có thâm niên 5-10 năm đã chuyển là 44%, lao động sau đại học chuyển nghề tới 90%.
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, tính đến hết năm 2019, ngành Du lịch Thủ đô có khoảng 90.500 lao động trực tiếp và khoảng 207.500 lao động gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, các quốc gia thực hiện chính sách đóng cửa biên giới, cùng với tâm lý e ngại của khách du lịch đối với vấn đề an toàn y tế đã khiến cho hoạt động du lịch của các quốc gia trên thế giới bị "đóng băng" và du lịch của thành phố Hà Nội cũng không ngoại lệ.
Qua khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho thấy, có tới 18% số doanh nghiệp đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho từ 50-80% nhân viên nghỉ việc; 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với lao động bị mất việc làm.
Sở Du lịch Hà Nội cũng cho biết, số lao động tạm thời nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển chiếm khoảng 50-90%.
>>Du lịch cần tạo đột phá để thu hút khách quốc tế
Các giải pháp "cấp bách"
Từ góc độ đào tạo, GS. TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo thuộc Hiệp hội Du lịch, cho rằng giải pháp tình thế, các doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo nghề để tuyển dụng tạm thời. Trường hợp doanh nghiệp lữ hành thiếu hướng dẫn viên thì có thể ký hợp đồng với sinh viên trường ngoại ngữ và đào tạo cấp tốc chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng theo từng tour.
Nhận định về thực trạng này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: Sở Du lịch Hà Nội đã đề xuất 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo động lực cho họ tâm huyết, gắn bó lâu dài với nghề.
Theo đó, trước tiên cần phải đổi mới quản lý Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội. Trong đó chú trọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội; Đẩy mạnh liên kết và hợp tác quốc tế với các tổ chức giáo dục du lịch ngoài nước và các tổ chức quốc tế theo hướng lựa chọn những ngành nghề hợp tác giáo dục phù hợp, tránh lãng phí.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần nâng cao năng lực giáo dục và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; Trong đó quan tâm đổi mới phương thức, chương trình và học liệu dạy và học đảm bảo đa dạng, linh hoạt về hình thức truyền tải thông tin, sử dụng công nghệ mới để dạy và học.
Đồng thời, TP tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội; Chủ động đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài cho phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội.
Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất chính là tăng cường liên kết “3 nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng (doanh nghiệp) cho nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội. Trong đó, TP tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục du lịch và doanh nghiệp du lịch trong Thành phố với các cơ sở đào tạo du lịch uy tín nước ngoài; Tăng cường hợp tác với các tổ chức du lịch khu vực và quốc tế về phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao...
Với những giải pháp nêu trên, hi vọng trong thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô sẽ nhanh chóng khắc phục những khó khăn, đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực, đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch ở địa phương trong cả nước, thích ứng với điều kiện, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
Cuộc Cách mạng mới ngành du lịch
13:41, 26/07/2022
Tăng giá trị điểm đến trong du lịch cộng đồng Quảng Nam
10:00, 26/07/2022
Du lịch cần tạo đột phá để thu hút khách quốc tế
02:00, 26/07/2022
Du lịch an toàn Trải nghiệm trọn vẹn
16:05, 26/07/2022
Đà phục hồi của thị trường du lịch quốc tế Việt Nam
01:00, 21/07/2022